Chứng khoán có lẽ là một trong những ngành ít thay đổi, như Jesse Livermore nhận xét:
“Túi tiền thay đổi, cổ phiếu thay đổi nhưng phố Wall không bao giờ thay đổi bởi vì bản chất con người không bao giờ thay đổi.”
Tuy nhiên thực tế mỗi khi thị trường tăng trưởng nóng, hoặc một cổ phiếu tăng giá thì người ta thường xem đó là điều hiển nhiên vì đây là thời đại của nó.
Trước khi tăng, thì chẳng thấy ai nói gì, còn sau khi tăng thì nhiều người bịa ra lý do để hợp lý nó, và sẽ giảng giải vì sao nó sẽ tiếp tục tăng mãi.
Cuộc sống thường không như mơ và cuộc đời không nên thơ, nhà đầu tư thường không đọc lịch sử và mau quên.
Rất nhiều đợt tăng giá mạnh và những lời lẽ giải thích nghe bùi tai để hợp lý tại thời điểm của nó, với tư tưởng chính: “lần này sẽ khác” từ chính trị, vĩ mô, ngành, xu hướng tích cực lên.
Nhưng sau tất cả, những nhà đầu tư tin vào câu chuyện “lần này sẽ khác” thường sẽ mất đi 1 nửa tài sản của mình.
Chứng khoán chẳng có gì mới mẻ, chỉ có người mới lặp lại các sai lầm cũ, hay những người cũ dính phải những sai lầm mới. Chứng khoán dù xảy ra với bao câu chuyện thì kết quả cũng sẽ đâu vào đó thôi.
Dù chứng khoán chẳng có gì khác biệt qua thời gian, bởi bản chất của con người khó thay đổi, tham lam và sợ hãi luôn ngự trị.
“Những đám đông điên rồ tái diễn thường xuyên trong lịch sử nhân loại, sâu xa nó phản ánh bản chất con người”. – Bernard Baruch
Thậm chí nhà đầu tư cá nhân còn mắc một sai lầm: “Chưa bán là chưa lỗ”, 1 thuật ngữ bịa ra để thấy sự yếu đuối của cái tôi cá nhân, dù thực tế tình hình doanh nghiệp hay cổ phiếu diễn biến trái ngược với lý do mua ban đầu.
Mẹo ở đây là thiết lập các tiêu chí đúng, và đánh giá cổ phiếu dựa vào nó. Nếu cổ phiếu đạt thì ta nắm giữ và nếu không đạt thì ta bán đi. Không bịa thêm lý do để nắm giữ những khoản đầu tư trái ngược với nguyên tắc cơ bản mà ta theo đuổi.
Chứng khoán thật sự đơn giản, và nên giữ vững nguyên lý ấy, đừng để mỗi lần thị trường tăng mạnh hay giảm mạnh ta lại lắng nghe các chuyên gia hay là đọc báo chí, để giải thích cho vấn đề mà bản chất là cũ rích.
Chứng khoán chẳng có gì mới, dù công nghệ hay xã hội có hiện đại hơn. Những quy tắc xưa cũ vẫn cứ áp dụng đến tận cả hàng trăm năm sau.
Đừng cứ bị ảnh hưởng bởi truyền thông hay đám đông réo lên đây là thời đại mới, bạn không thể bỏ lỡ được và hiệu ứng FOMO dẫn dắt, rồi mất tiền và than thân, đổ lỗi xã hội, đổ lỗi môi giới, hay lái.
“Bốn từ nguy hiểm nhất trong đầu tư là “lần này sẽ khác”, và nhà đầu tư tin câu đó sẽ có lỗi với vợ con. Và có khi những nhà đầu tư tin “lần này sẽ khác” thì trước sau gì cũng sẽ dâng tiền tiết kiệm của mình để người ta dẫn bồ nhí vào chốn 5 sao vui vẻ.
Hãy đầu tư với nguyên tắc bất biến giữa thị trường vạn biến, bạn sẽ có tâm an nhiên và sẽ kiếm được tiền bền vững.
Và để giúp bạn kiên định với triết lý đầu tư của mình, tránh những lý luận hợp tai kiểu như kỷ nguyên mới, cơ hội ngàn năm có một, lần này khác xưa. Ngọ xin gửi đến bạn những chia sẻ của những bậc thầy đầu tư về vấn đề này. Mong bạn hiểu biết hơn và giàu có.
“Tôi đã cố gắng không phân tích các công ty bằng cách kể một câu chuyện và sau đó tìm dữ liệu để hỗ trợ cho câu chuyện đó”. Chris Davis
“Khi chúng tôi sai hoặc khi các nguyên tắc chống lại chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng thừa nhận mình sai và đảo ngược hướng đi của mình. Chúng tôi không tìm kiếm các lý thuyết mới để biện minh cho quyết định ban đầu của mình. Chúng tôi không để lỗi lầm xảy ra và gây ảnh hưởng đến sự tập trung của mình. Chúng tôi bán và tiếp tục công việc. ” Ed Wachenheim
“Thỉnh thoảng, một lần tăng hoặc giảm diễn ra trong một thời gian dài và/hoặc đến một cực điểm, khi đó mọi người bắt đầu nói “lần này thì khác”. Họ viện dẫn những thay đổi về chính trị, thể chế, công nghệ hoặc hành vi đã khiến “các quy tắc cũ” trở nên lỗi thời. Họ đưa ra các quyết định đầu tư dựa vào dự đoán tương lai, từ những dữ kiện quá khứ. Và sau đó, các quy tắc cũ vẫn được áp dụng và chu kỳ lại tiếp tục. Kết quả là không có gì cứ tăng mãi, và một vài thứ trở về con số không ”. Howard Marks
“Tôi đã trải qua hoặc nghiên cứu hàng trăm, thậm chí có thể là hàng nghìn thị trường giá lên và thị trường giá xuống. Trong mọi thị trường giá lên, cho dù đó là IBM hay yến mạch, thị trường tăng giá dường như luôn tìm ra lý do tại sao nó phải tiếp diễn và lặp đi lặp lại. Tôi nhớ mình đã nghe hàng trăm lần “Chúng ta sắp cạn kiệt nguồn cung”, “Lần này sẽ khác“, “Dầu phải bán ở mức 100 đô la một thùng”.”Dầu không phải là hàng hóa”. Chà, chết tiệt, trong suốt 5.000 năm, dầu không hề khác biệt so với mọi loại hàng hóa khác. ” Jim Rogers
“Bốn từ nguy hiểm nhất trong đầu tư là: ‘lần này thì khác’.” Sir John Templeton
“Một công cụ khác mà Ngài Thị trường sử dụng để phá hoại thành công của nhà đầu tư là thuyết phục nhà đầu tư rằng “Lần này thì khác“. Ngài Thị trường khuyên bạn tin rằng chúng ta thực sự đang ở trong một kỷ nguyên mới đòi hỏi những công cụ khác và cách nhìn thế giới khác. Ngài Thị trường sẽ khuyến khích bạn thay đổi quan điểm từ dòng tiền và giá trị, sang một số mô hình mới được chứng minh là bất khả thi hoặc không bền vững. Mọi nhà đầu tư sẽ cân nhắc câu “lần này thì khác ” ít nhất một vài lần trong suốt thời gian đầu tư của họ, phổ biến nhất là cơn hoảng loạn và phấn khích khi thị trường lên. ”Christopher Begg
“Chúng tôi cố gắng không đặt nhiều “quy tắc” đầu tư, nhưng có một quy tắc đã giúp chúng tôi rất nhiều: Nếu chúng tôi nhận ra mình đã sai về một điều gì đó, liên quan đến lý do chúng tôi làm điều đó thì chúng tôi sẽ bán đi. Chúng tôi không bao giờ phát minh ra những lý do mới để tiếp tục giữ vị thế đó, khi những lý do ban đầu không còn hợp lý nữa.” David Einhorn
“Một trong những cách tốt nhất để mất tiền dần dần là sở hữu những cổ phiếu có lý do đầu tư thay đổi.” Ragen Stienke
“Nghiên cứu kỹ về quá khứ sẽ nhận ra rằng khá hợp lý khi cho rằng không có “kỷ nguyên mới ” trong tài chính, mà chỉ có “sai sót mới ”.” Frank Martin
“Thật nực cười nhất đối với chúng ta ngày nay, trong khoảng thời gian từ năm 1927 đến năm 1929, phần lớn cộng đồng tài chính thực sự tin rằng mình đang ở trong một ‘kỷ nguyên mới ‘.” Phil Fisher
“Các nhà đầu tư thường đưa ra giả thuyết để giải thích cho một xu hướng: “Lợi nhuận vượt trội có thể đạt được bằng cách mua cổ phiếu tăng trưởng bất kể tỷ lệ P/E của chúng là bao nhiêu, vì tỷ lệ P/E của cổ phiếu không có mối tương quan trong dài hạn.” Hoặc” Cổ phiếu internet của nền kinh tế mới sẽ tiếp tục tăng theo cấp số nhân – và các cổ phiếu thuộc nền kinh tế cũ đã chết và nên bán đi.” Theo tôi, cơn sốt trở nên đặc biệt nguy hiểm– khi có giả thuyết để giải thích cho cơn sốt được các nhà đầu tư chấp nhận vô điều kiện. Sau đó, các nhà đầu tư dễ trở nên tự mãn và chấp nhận cơn sốt này như một mốc mới. Các cuốn sách lịch sử đầy rẫy những chu kỳ bùng nổ và suy thoái, những chu kỳ bùng nổ và suy thoái có thể sẽ tiếp tục xảy ra do con người có xu hướng dễ tham gia vào các trào lưu mà không thèm suy nghĩ” Ed Wachenheim