Ngọ thích viết, nhiều khi viết vu vơ rồi xóa, rồi lại viết. Viết tạo cho Ngọ một cảm giác “dòng chảy”. Một khi đã vô trạng thái dòng chảy, bạn có thể làm việc từ nghiền đến nghiện luôn.
Thông thường khi viết, rồi đọc lại, tầm 3 đến 5 bài, Ngọ sẽ có 1 bài tạm ổn và hài lòng. Còn lại là vứt vào sọt rác.
Viết giúp ta tăng khả năng diễn tả suy nghĩ mạch lạc hơn. Đó có thể là một cách luyện tập cho trí não… Nhưng đôi khi, đó là việc lãng phí thời gian, khi vu vơ và làm việc không chủ đích.
Mỗi công ty, sẽ có 1 slogan; mỗi công việc hay mỗi giai đoạn tùy thuộc vào bản thân, Ngọ lại đặt cho mình 1 slogan mới.
Kiểu: Đọc sách là lãng phí thời gian! – Bởi Ngọ rất dễ dàng cầm quyển sách là nhâm nhi nó cả ngày, và rồi hết ngày. Câu nói này, bắt đầu từ năm 2023, bởi Ngọ không muốn ngồi đó mà đọc sách!
Hoặc Ngọ thừa nhận 1 mệnh đề: “Ai thừa nhận sai, người đó là anh hùng”. Bởi văn hóa chúng ta rất ít nhận lỗi về mình mà đổ lỗi cho ngoại cảnh, đổ lỗi cho người khác.
Câu này, cách đây tầm 2 năm trước Ngọ đã dùng, và giờ vẫn xài. Nhiều khi, ai đó nói chuyện với Ngọ, họ nói họ sai lầm XYZ, họ sai cái này và bài học rút ra… Ngọ thấy khá ngưỡng mộ họ.
Do đó, Ngọ cũng hình thành thói quen thấy mình sai và nhận sai trong rất nhiều việc.
Việc này, giúp cho Ngọ cảm giác “anh hùng”, nhờ nó Ngọ học được nhiều điều và rút ra nhiều kinh nghiệm.
Bởi con người có xu hướng nghĩ thành công do mình, hay thất bại do người khác hoặc yếu tố khách quan. Liệu có nên suy nghĩ ngược lại: “Thành công là do may mắn, và sai lầm là do bản thân?”
Theo cuốn sách Tư duy Nhanh và Chậm (Daniel Kahneman – Nobel Kinh tế 2002) thì:
Thành công/Thất Bại = Tài Năng/Không Tài Năng + May mắn/Xui rủi.
Ông bà ta có câu: “Tiểu Phú do cần, Đại Phú do trời”, cũng thể hiện phần nào giữ yếu tố chủ quan và khách quan này.
Thật dễ dàng khi nói: Học Toán thật dễ, Học Văn thật đơn giản, Học Tiếng Anh thật dễ, Kiếm tiền thật đơn giản, Tập thể dục thật đơn giản, tập bơi, tập thiền, cách làm việc 4 giờ/ngày, và 3 ngày/tuần thật đơn giản… và vô vàn cái XYZ thật đơn giản, hay ABC thật dễ.
Cái này, cho Ngọ cảm giác sở trường và sở đoản! Nếu là sở trường, thì thật đơn giản, vậy hãy áp dụng vào sở đoản bạn xem?
Một trong những triết lý Ngọ thích là thử và sai! Khi bạn làm 100 lần, bạn có thể thất bại 98 lần, nhưng vô tình được 1-2 lần, bạn sẽ cảm giác tìm ra long mạch.
Có những đề xuất cho bản thân, mà Ngọ chỉ dừng lại đề xuất… để thấy rằng giữa “nói và làm” nó khó như thế nào?
Thử thách 100 lần thất bại hoặc từ chối! – Ví dụ bạn có thể xin tiền người lạ? Bạn có thể bắt chuyện với bất kỳ ai đó? Hoặc hãy tán tỉnh cô gái xinh mà bạn thấy (nếu bạn độc thân)? Hãy mời ai đó mua hàng?
Bởi dần dần ta sẽ giảm nỗi sợ của nỗi sợ, bởi vì nỗi sợ lớn nhất là nỗi sợ chính mình. Làm lần 1, lần 2, và cứ kiên trì tốt từng chút một, gọi là Kaizen lên lần”.
Làm mọi thứ miễn là bạn không chết, và không cháy túi, chưa bao giờ làm hoặc làm dưới 5 lần càng tốt. Bởi dần dần ta sẽ học được nhiều điều thú vị.
Ví dụ: Khi người ta hỏi nghề của bạn, bạn có thể trả lời: Tôi là nhân viên bán xe hơi. Tôi là nhân viên tư vấn xe hơi. Tôi là người giúp người khác đưa ra lựa chọn xe hơi tốt hơn. (Với điều kiện là bạn phải là bán xe hơi).
Thì ta sẽ thấy phản ứng với câu nói của ta khác biệt liền!
Hãy làm từng chút 1, cái gì đó sợ sợ thường nên làm. Bởi chúng ta sợ làm cái chúng ta không giỏi hoặc không quen thuộc, Ngọ cũng vậy thôi.
Điều này liên quan đến bộ hiệu ứng tâm lý dẫn đến hành xử con người, Ngọ từng đọc có đến 200 hiệu ứng tâm lý sai lầm của con người!
Ví dụ:
- Tại sao siêu thị niêm yết giá 99k, mà không phải 100k hay 101k?
- Tại sao con người hay nói điều mình biết hơn những điều mình làm?
- Tại sao chúng ta là thích từ MIỄN PHÍ?
- Tại sao nhiều người muốn bỏ thuốc lá (hoặc thứ gây hại khác), lại không bỏ được?
Một trải nghiệm thực tế của Ngọ
Đây là cái gần đây Ngọ làm, tuy nó đơn giản… nhưng nó là tiền đề để vượt qua sự sợ hãi. Vì làm giá trị hơn nói suông:
Ở Hội An, có 1 cây cầu Ánh Trăng – ở giữa cầu là đoạn cầu kiếng dài tầm 10m và nhìn thẳng xuống sông, nếu rớt xuống chắc chết!
Cảm giác rất nhợn, khi nhìn xuống… Ngọ tò mò và muốn đi:
Lần đầu tiên không muốn lại gần, vì sợ.
Lần 2 lại được chút ít.
Lần 3 đi 1 đoạn nhỏ, và phải nhìn thẳng và không dám nhìn xuống.
Lần 4 thì nhìn xuống và đi 1 đoạn…
Lần 5, Ngọ đi một đoạn dài và đi qua lại vài lần, nhưng vẫn có cảm giác sợ hãi.
Điều thú vị, mấy đứa con nít là dễ dàng đi hơn so bố mẹ của chúng! Biết quá nhiều đôi khi khiến con người sợ hãi!
Mỗi lần đến cầu Ánh Trăng, Ngọ lại đi lên phần cầu kiếng – khi vượt qua, Ngọ có cảm giác phấn khích và tự hào. Nhiều người sẽ cười, nhưng chiến thắng bản thân bao giờ cũng khó hơn – chiến thắng bản thân là chiến thắng vinh hiển nhất.
Bởi chúng ta có sở trường và sở đoản riêng! Vì chiến thắng bản thân, tức là bước ra vòng tròn an toàn của mình nên cảm giác sợ hãi vẫn theo ta.
Ta dễ dàng nói kiên trì, kỷ luật, học kỹ năng XYZ… và ta khuyên người ta như vậy. Nhưng thực tế, con người kể cả chính ta đã bỏ cuộc nhiều thứ rồi, hoặc đôi khi là trốn tránh thực hiện hoặc không đặt mục tiêu để không có cảm giác thất bại.
Một trong những cách mà các nhà tâm lý học hành vi khuyên là hãy biến nó thành thói quen!
Và ĐỪNG quan tâm đến số lượng mà quan tâm đến hệ quả! Ví dụ: Thói quen uống rượu bia khi đang lái xe, thật sự nguy hiểm!
Một trong những điều Ngọ đang tập là làm điều mình không thích nhưng quan trọng! Nó tạo nên những cú hích cho bản thân!
Làm những điều mình không thích – xem nó như 1 trò chơi thể thao đối kháng! Ngọ nghĩ vậy cho nó sinh động.
Tóm lại, nếu bạn đã biết và hiểu những điều trên, nhưng biết xong để đấy, thì Ngọ cũng chịu thôi.