Ngọ đầu tư tài chính và thích nghiên cứu về tiền. Bởi vì tiền nó đi liền khúc ruột, nên nó thực hơn những lời nói khơi khơi.
Chúng ta có ý kiến với hầu hết những điều trong cuộc sống. Nhưng nếu ai hỏi bạn có “bảo đảm” cho lời bạn nói bằng một số tiền hay không? Thì dù số tiền nhỏ, thì nhiều ý kiến sẽ rút lại.
Ngọ vẫn nhớ câu chuyện nhỏ khi Ngọ còn là nhà đầu tư chưa nhiều kinh nghiệm như hiện tại, tầm 8 năm về trước.
Tại hội thảo của một công ty chứng khoán trong top 3 thời ấy, một bạn nhân viên phân tích cổ phiếu XYZ, có những triển vọng, định giá hấp dẫn, vĩ mô ủng hộ. Và khuyến nghị mua cổ phiếu XYZ – đây là cổ phiếu mà công ty chứng khoán chủ động “bơm” cho nhà đầu tư.
Sau đó, một câu hỏi xuất sắc của một người tham dự: “Anh có mua cổ phiếu này không?”. Anh phân tích trả lời: “Tôi không có nắm cổ phiếu này, bởi khi nắm tôi sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, và không còn khách quan khi phân tích nữa.”
Có thể một số ai đó, sẽ thông cảm và xa hơn có thể cho đây là lời giải thích hợp lý. Nhưng đối với Ngọ, những đánh giá về cổ phiếu XYZ trên của anh chàng đều xứng đáng vào sọt rác! Không hơn, không kém! Thậm chí là thiếu trách nhiệm trước tiền bạc của người khác. Điểm cộng duy nhất là thành thật trong câu trả lời.
Một trong những nguyên lý quan trọng ngoài tính khoa học, thì đó là tính: “da thịt trong trò chơi”! Tức là nhà phân tích cần phải nắm giữ cổ phiếu mình đánh giá là tốt đó.
Bàn về tiền không quan trọng
Quay trở về câu nói: “tiền không quan trọng”. Khi còn trẻ, mà mới chập chững trong công cuộc kiếm tiền – mỗi lần ai nói “tiền không quan trọng”, khi mua hoặc bàn luận một cái gì đó. Ngọ cảm thấy anh đó thật phóng khoáng, và sẽ sòng phằng!
Nhưng trải nghiệm vài lần với câu nói ấy, sau này Ngọ đã lật ngược lại suy nghĩ. Bất cứ ai nói: “Tiền không quan trọng”, cứ làm tốt đi “tiền không quan trọng” với anh…
Bất cứ khi nào có cụm từ: “tiền không quan trọng”. Thì Ngọ là khựng lại, và bật chế độ “đèn vàng” với người ấy, khi mua bán, khi giao dịch chỉ cần cụm từ “tiền không quan trọng”, Ngọ cảm thấy sự lấp liếm nào đó ở đằng sau. Và cẩn trọng với người này trong chuyện tiền bạc!
Góc nhìn của Ngọ là góc nhìn xác suất, không có gì là tuyệt đối 100%, nhưng với đối tượng ấy ta cần dè chừng. Thích quyền lợi nhưng lại né tránh nghĩa vụ!
Tiền đi liền khúc ruột. Nhìn người có vẻ khó, đọc kỹ hợp đồng, ý kiến chỗ này không được, chỗ kia chấp nhận… nhiều khi đến chỗ thanh toán rất nhanh. Còn người nói “tiền không quan trọng”, thì đúng là “không quan trọng với tiền của người khác”, còn nói đến tiền rất ì ạch.
Khi hoạt động con người gắn với tiền bạc, đối với Ngọ thể hiện rất nhiều điều. Bởi để làm ra tiền con người cũng phải bỏ mồ hôi & công sức. Nó cũng thể hiện tính da thịt trong trò chơi, mà ông bà ta đúc kết: Tiền đi liền khúc ruột.
Tính ứng dụng thì Ngọ đòi hỏi tính da thịt trong cuộc chơi. Ngọ cũng là người thích nghiên cứu, nên Ngọ đòi hỏi về số liệu: “Con người rất dễ nói dối nhưng khoa học và con số thì không!”. Và Ngọ muốn tìm nghiên cứu nào đó, về ngôn ngữ ẩn chứa tiền bạc này.
Khoa học: giữa tiền bạc & ngôn từ.
Ngọ chưa tìm thấy một nghiên cứu cụ thể người nói “tiền bạc không quan trọng ” là người đó có độ tin cậy thấp về tài chính của vấn đề liên quan. Nhưng Ngọ đã tìm thấy được nghiên cứu về tiền bạc và ngôn từ.
Nghiên cứu này trong lĩnh vực hoạt động cho vay. Được 3 nhà kinh tế – Oded Netzer, Alain Lemaire (ĐH Columbia) và Michal Herzenstein (ĐH Delaware) – tìm cách dự báo về khả năng một người đi vay sẽ trả lại tiền.
Bạn nghĩ gì về một người nói: “Cho tôi vay mượn tiền, tôi hứa sẽ trả, Trời/Chúa/Phật phù hộ anh, hãy giúp tôi.”
Thật là một lời khẩn cầu, và thê lương đáng giúp đỡ! Sự thật là: Họ là nhóm có khả năng xù nợ nhiều nhất.
Qua việc nghiên cứu dữ liệu, có những từ ngữ thấy người vay tiền khả năng trả nợ cao hoặc từ ngữ khiến ta cẩn trọng.
Bạn xem ảnh dưới:
Những cụm từ như lãi suất, sau thuế, “tốt nghiệp” đại học, “không mắc nợ”, thì nhiều khả năng họ sẽ trả nợ.
Còn người xù nợ thì sao?
Thông thường, nếu người ta hứa trả nợ cho bạn, họ sẽ không trả. Lời hứa càng quả quyết, thì họ càng khả năng thất hứa.
Kêu gọi lòng tốt của bạn – giải thích họ cần tiền bởi vì người thân nằm viện – khi đề cập đến người thân – là dấu hiệu người ta sẽ không trả nợ vay. Một từ khác báo hiệu khả năng xù nợ là “giải thích”, càng cố giải thích tại sao họ sẽ có thể trả nợ, thì càng nhiều khả năng họ xù nợ.
Mời bạn tìm đọc cuốn “Mọi người đều nói dối” – sẽ hiểu hơn về những khía cạnh về dữ liệu.
Đó là một số nghiên cứu của nhà kinh tế học về khả năng xù nợ hay trả nợ. Lưu ý rằng, tất cả là xác suất.
Cho phép ta dùng trực quan, nếu ai đó nói “tiền không quan trọng” thì ta cũng cẩn trọng hơn 1 chút. Xác suất người này chi tiền chua hơn trung bình.