Câu hỏi thú vị
Công bằng luôn quan trọng. Vì đó là đảm bảo sự hợp tác lâu dài, đặc biệt trong vấn đề tài chính như cấu trúc phí trong quỹ đầu tư. Trong tâm lý học, mọi người sẽ thấy công bằng khi “phần lợi đứng về phía họ” – nên nhiều khi công bằng nhưng lại không công bằng tí nào.
Tuy nhiên là người sinh sau đẻ muộn, sách vở kiến thức – ta cũng học từ kế thừa người đi trước. Nên trong hoạt động ủy thác đầu tư cũng có thể học được, trong bài viết này, nói về cấu trúc phí, chủ yếu liên quan đến Warren Buffett.
Trong bài: Điều bạn nên thay đổi khi vật vờ với chứng khoán?, Có một người hỏi về vấn đề phí các quỹ, hoặc ủy thác nói chung ở CophieuX như sau:
Ngọ vẫn tin nhiều người nghĩ nó là hợp lý, bởi đa phần mọi người đều ở vị thế của khách hàng nên thường sẽ nghĩ về yêu cầu đó là hợp lý.
Chứ thử hỏi: Nếu là bạn, bạn muốn phân chia như thế nào? Nếu bạn ở vị trí của họ như trên.
Ngọ đã trả lời bạn ấy thế này!
“Chứng khoán là kênh hấp dẫn là đáng để đầu tư, tuy nhiên ở góc độ công bằng… thì điều này không công bằng với những người nhận tiền bạn, nên họ không nhận là đúng.
Bởi điều bạn cần là lãi tối thiểu 15%/năm – dưới 15%/năm người ta bù cho bạn, trong khi lãi >15% bạn muốn phần chênh chia đôi rõ. Nếu như nói ở quê mình, thì sẽ “khôn như bạn ở quê mình đầy!”.
Bởi lẽ lãi suất trái phiếu 10%/năm, đây là phần doanh nghiệp hay huy động; nếu lãi ở mức trên đó, họ lấy hết (chưa kể họ được khấu trừ thuế) trong thời gian có thể dài hơn 5 năm! Hay nói đơn giản, nếu cam kết 10%/năm – và lãi hơn 10% thì họ sẽ lấy hết, làm gì lấy đâu ra cho bạn 15%/năm ngoài ra lãi chênh phải chia đôi cho bạn. Đơn giản là huy động trái phiếu còn hơn.
Còn nếu bạn muốn chia đôi với người ta 50%/50% thì có thể mức lãi suất có thể từ 3%-7%! (Chứ đừng mơ con số cao). Cái này lỗi bên bạn chứ không phải lỗi người ta.
Thêm nữa, có những người ủy thác, họ không sử dụng đòn bẩy, thành ra, họ chấp nhận điều khoản cam kết, thành ra họ đòn bẩy trên tài sản của chính họ . – Cuối cùng, 1 lý do thêm nữa, bạn có thể không tin người ta, nhưng người ta cũng không tin bạn, bởi tiền trong tài khoản trong tay bạn, điều gì đảm bảo bạn ấy sẽ nhận được khi bạn ấy mang lại tiền cao cho bạn.
Ngoài ra, nói thẳng trong nghề xíu – nhân viên bên quản lý quỹ cũng chỉ là nhân viên thôi, họ làm công ăn lương! – Và ở mức độ nào đó, thị trường luôn biến động là đúng!
Hi vọng, những lý do trên phần nào giúp bạn rõ hơn, và công bằng trong tài chính! Lưu ý nhỏ: Nhiều khi bạn (hoặc) con người nghĩ là công bằng nhưng là sự thiếu công bằng ở mức đỉnh cao!
Còn bạn hỏi vấn đề công khai, tại sao mình lại phải công khai đối với những người không trả tiền nhỉ. Buffett từng chia sẻ, có những thứ rất quý và hiếm, cổ phiếu cũng vậy – họ chỉ công khai khi bắt buộc phải thế.
Còn bạn muốn thấy hiệu quả đầu tư của mình, bạn có thể đọc các thư cổ đông, link: https://cophieux.com/hop-tac-dau-tu/
Trân trọng!
Và Ngọ nhận được phản hồi lại như sau:
Cấu trúc phí chung của quỹ
Ngọ thấy 1 vấn đề quan trọng nhất là phân chia lợi nhuận sao cho công bằng. Ngọ thẳng thắn mà nói hiện tại mức phí ủy thác của Ngọ rất có lợi cho người ủy thác – theo nguyên tắc và tiêu chuẩn quốc tế chung.
Ngọ thích chiến lược cấu trúc phí xu hướng công bằng, hoặc lợi hơn cho nhà đầu tư, so với chuẩn chung.
Tất nhiên, nhiều người – nhất là bên ngoài – không ủy thác chưa nghĩ công bằng (nhưng may, Ngọ chẳng quan tâm mấy người bên ngoài – vì không có tính da thịt cuộc chơi).
Mà nguyên lý chung trước giờ, từ thời ban đầu, Ngọ chỉ nhận % dựa vào lợi nhuận mà thôi. Và cơ bản rất ít giao dịch.
Chúng ta thử tham khảo các mức phí chung của thế giới nhé, thường gồm 2 loại phí:
- Một quỹ chủ động ở quốc tế có mức thu là 1%-2% phí quản lý. Tức là dựa trên tài sản, đầu tư 1 tỷ đồng – là sẽ trả 10 triệu hoặc 20 triệu bất kể kết quả đầu tư như thế nào.
- 10%-30% phí khi trên mức nào đó – Ví dụ: nhận 20% cho phần chênh đối với mức lãi trên 6%, hoặc dựa trên tổng lợi nhuận chung.
Còn các quỹ ETF mô phỏng chỉ số – đầu tư thụ động thì sẽ lấy % dựa vào tài sản, thường dưới 1%.
Cá biệt cấu trúc phí của quỹ siêu sao – quỹ Medallion
Cá biệt có 1 quỹ siêu cao quỹ Medallion, của Jim Simons, ai cũng muốn vào quỹ của ông nhưng giờ ông chỉ cho nhân viên tham gia thôi, mức phí gọi là cao khủng khiếp: 5% phí quản lý + 44% lợi nhuận. Nhưng % lãi của quỹ là đứng đầu thế giới không ai bì kịp.
Ông thiết lập mức phí “chót vót” này vào năm 2002, nhưng vẫn mang lại cho nhà đầu tư đến 39%/năm sau phí, mức lãi trước phí là 66%/năm. Đắt xén ra miếng, thậm chí còn rẻ!
Thậm chí ngay giai đoạn đầu 1988-2000, ông cũng đã thiết lập mức phí cũng không tưởng: 5% phí quản lý + 20% dựa vào lợi nhuận;
Năm 2001 ông nâng lên: 5% phí quản lý + 36% lợi nhuận,
Khi bạn hiểu hơn về thế giới trong nghề bạn sẽ thấy rất điều thú vị!
Nhưng nếu bạn ủy thác dù được mức phí cao, nhưng mang về mức lãi ròng cho nhà đầu 30-40%/năm thì ai cũng muốn tham gia thôi.
Nên sau này, ông chỉ cho nhân viên ông tham gia. Mà mấy ông nhân viên làm cho ổng, họ toàn là Tiến Sĩ Toán Học, Tiến Sĩ Vật Lý (Không thuê mấy ông tiến sĩ Kinh tế đâu).
P/S:
Mấy ông F0 mới cứ muốn lãi 50%-100%/năm, thì từ “lỗ đến không còn cái nịt”. Còn hiệu quả vậy do kỹ năng – Ngọ chùi dép cho – bởi bạn đáng là tỷ phú rồi.
Cấu trúc phí của Warren Buffett – tại Buffett Partnership, Ltd
Buffett có nhiều cấu trúc thú vị, nhưng Ngọ sẽ chia sẻ 2 cấu trúc mà Ngọ lượm lặt, để bạn thấy rằng dần dần cấu trúc phí có thay đổi.
Có giai đoạn phức tạp, có lúc đơn giản, nhưng nguyên lý vẫn như sau:
Giai đoạn 1: Lấy mốc chuẩn 4%
Dù nhiều phức tạp, tuy nhiên phổ biến nhất là:
- Lấy mức chuẩn là 4%/năm. Và sẽ được chia 50%/50% cho phần chênh lệch này.
- Nếu dưới 4%/năm. Buffett sẽ chịu phí tổn 25% cho phần chênh lệch này.
Có nghĩa là:
- Nếu lãi 44%: Khi đó phần chênh lệch là 44%-4% = 40%. Buffett sẽ được hưởng 50% của phần chênh lệch 40%, tức là 20%.
Khi đó đối tác nhận 24%, Buffett nhận 20%.
- Nếu lãi 2%: Phần chênh lệch là 2%- 4% = -2%. Nên Buffett sẽ bù lại 25% của 2% là bù 0,5%
Khi đó, đối tác nhận 2,5% – Buffett nhận -0,5%
- Nếu lỗ 40%: Thì phần chênh lệch là -40%-4% = Lỗ 44%, Buffett sẽ chịu lỗ 25% của 44% tức là lỗ 11%, còn bên đối tác sẽ lỗ 29%.
Đối tác lỗ 29%, Buffett lỗ 11%
Giai đoạn 2: Buffett chuyển qua dùng cấu trúc phí 0/6/25
Sau đó một số nhà đầu tư đã học qua cấu trúc phí này là Mohnish Pabrai, sau này có thêm, Guy Spier. Khi được hỏi về cấu trúc này, Charlie Munger cũng xem cấu trúc này là công bằng – link xem. (Đây cũng là phương án 0/6/25 tùy chọn cho đối tác của Ngọ, hoặc chọn hướng hiện tại – mang tính hạn chế rủi ro cho đối tác hơn)
Nhà đầu tư Mark Weidmann hỏi ý kiến ông để xin cấu trúc phí hợp lý, công bằng và Buffett đã chia sẻ:
“Không có phí quản lý, 25% cho khoản lãi vượt mức 6%, và vượt qua ngưỡng lợi nhuận cũ. Nếu quỹ lỗ trong một năm, quỹ phải bù đắp khoản lỗ đó, sau đó kiếm thêm 6%, sau đó sẽ được phân chia tương ứng cho khoản lãi vượt 6%.
Minh họa:
Giả sử bạn đầu tư vào quỹ với cấu trúc 0/6/25, với 1 triệu USD ban đầu:
- Năm 1: Lợi nhuận quỹ là 5%.
- Lợi nhuận quỹ = 1 triệu USD x 5% = 50.000 USD
- Vì lợi nhuận < 6%, nên không thu phí trong năm này.
- Giá trị tài sản của quỹ: 1 triệu USD + 50.000 USD = 1,05 triệu USD.
- Năm 2: Lợi nhuận quỹ là 12%.
- Lợi nhuận quỹ = 1,05 triệu USD x 12% = 126.000 USD
- Ngưỡng lợi nhuận 6% = 1,05 triệu USD x 6% = 63.000 USD
- Lợi nhuận vượt ngưỡng = 126.000 USD – 63.000 USD = 63.000 USD
- Phí quản lý (25% phần lợi nhuận vượt) = 63.000 USD x 25% = 15.750 USD
- Giá trị tài sản của quỹ sau khi trừ phí: 1,05 triệu USD + 126.000 USD – 15.750 USD = 1,160 triệu USD.
- Năm 3: Quỹ lỗ 10%.
- Số tiền lỗ = 1,160 triệu USD x 10% = 116.000 USD
- Giá trị tài sản của quỹ: 1,160 triệu USD – 116.000 USD = 1,044 triệu USD
- Bạn không thu phí và quỹ hiện đang trong trạng thái lỗ.
- Năm 4: Quỹ sinh lời 20%.
- Số tiền lợi nhuận = 1,044 triệu USD x 20% = 208.800 USD
- Đầu tiên, quỹ phải bù đắp mức lỗ 10% (116.000 USD) từ năm trước. Sau đó, đạt mức 6% lợi nhuận tiếp theo (1,044 triệu USD x 6% = 62.640 USD).
- Tổng số tiền cần vượt qua để có thể thu phí: 116.000 USD + 62.640 USD = 178.640 USD
- Lợi nhuận vượt quá ngưỡng = 208.800 USD – 178.640 USD = 30.160 USD
- Phí quản lý (25% trên phần vượt) = 30.160 USD x 25% = 7.540 USD
Lưu ý: Bây giờ Warren Buffett không quản lý quỹ nữa, hiện tại ông là chủ tịch Bekshire Hathaway, cập nhật tháng 10/2024 là mức giá hạng A là tầm 700.000 USD/cổ phiếu và mức giá class B tầm 450 USD/cổ phiếu. Từ 1996 (Khi ra đời Class B, tính bằng 1/30 Class A, năm 2010, tiếp tục chia tách 1:50) đến nay thì mức tăng chung cổ phiếu Bershire Hathaway là 11.6%/năm.
2024: Cấu trúc phí của Happy-fund
Trừ hoạt động tư vấn, từ khi lập Happy Fund đến giờ Ngọ đều quản lý theo nguyên tắc: “Không thu phí quản lý, chỉ nhận thưởng dựa vào hiệu suất“.
Tuy nhiên, để công bằng, khách quan, minh bạch – Ngọ sẽ mô phỏng 100% theo cấu trúc phí 0/6/25 của Warren Buffett, tất nhiên bạn hoàn toàn google cụm từ tiếng anh 0/6/25 Fee Structure trên internet để rõ hơn.
- Đối tác mới:
Sẽ áp dụng cấu trúc phí 0/6/25 - Đối với đối tác cũ:
- Còn trong thời hạn hợp đồng: Đối tác có quyền chọn (1) Giữ nguyên cấu trúc chia thưởng theo hợp đồng (2) Chuyển đổi qua cấu trúc mới.
Đối tác thấy cấu trúc nào phù hợp với mình hơn thì chọn cái đó, nếu không có ý kiến thì sẽ giữ nguyên theo hợp đồng. - Khi đổi sang hợp đông mới: Sẽ chuyển qua cấu trúc 0/6/25
Kết luận
- So với tiêu chuẩn ngành, với 1%-2% phí quản lý + 20% thành tích dựa vào lợi nhuận.
- Thì cách tính quỹ của Ngọ, hay cấu trúc 0/6/25 được xem là công bằng, có lợi cho nhà đầu tư.
- Ngoại lệ: quỹ Medallion – thu 5% phí quản lý + 44% dựa vào thành tích, nhưng vì lợi nhuận “cực siêu khủng” vẫn là rẻ. (Bằng chứng là: vì dù mức phí cao, nhưng nhiều người sẵn sàng bỏ tiền vào, tuy nhiên ông chỉ cho nhân viên của mình tham gia thôi)