Hồi ta học cấp 3, có những phản ứng hóa học cần chất xúc tác thì nó mới xảy ra. Và trong chứng khoán để cổ phiếu tăng giá nhanh chóng cũng cần chất xúc tác.
I. Chất xúc tác trong chứng khoán là gì?
Những sự kiện, thông tin ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu cả chiều tăng lên hoặc giảm xuống được xem là chất xúc tác.
Một vụ dính chàm ăn cơm tù của lãnh đạo, hoặc vụ tuýt còi đối với Trịnh Văn Quyết, cộng với việc định giá quá cao của họ FLC, là chất xúc tác cho bên bán khống.
Tuy nhiên, đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chưa được phép bán khống. Thì chất xúc tác được hướng đến chiều mua.
P/S: Việc bán khống rủi ro cực cao so với việc mua, bởi tối đa chỉ lãi 100% khi cổ phiếu về số 0, tuy nhiên theo lý thuyết có thể tăng giá đến vô cực.
Chất xúc tác có thể gồm yếu tố ngoại cảnh như vĩ mô như giảm/tăng lãi suất (tùy thuộc vào công ty), ưu đãi về thuế, chiến tranh (có lợi cho công ty sản xuất vũ khí), Covid …
Hoặc yếu tố của riêng doanh nghiệp như cổ tức, việc mua bán sáp nhập, nội bộ mua vào, hoặc thậm chí là một tin tức tích cực trên mức kỳ vọng.
II. Ví dụ về chất xúc tác
Việc thông tin giá than thế giới tăng mạnh từ 100 USD/tấn lên mức cao 275 USD/tấn, khiến nhà đầu tư kỳ vọng mức lợi nhuận của công ty than sẽ tăng cao.
Do đó, trong thời kỳ này, các cổ phiếu than như Than Vàng Danh (mã TVD), Than Hà Tu (mã THT), Than Đèo Nai (mã TDN), Than Hà Lầm (THL)… đã tăng giá ngoạn mục và tăng gấp đôi trong vòng 2-3 tháng.
Chất xúc tác đối với cổ phiếu than là giá than thế giới tăng mạnh!
Chất xúc tác thúc đẩy cổ phiếu tăng giá nhanh chóng, để tạo nên hiệu suất đầu tư vượt trội. Bởi cổ phiếu có thể nằm im một chỗ, cho đến khi phần đông nhà đầu tư đồng thuận bị kích hoạt đến với cổ phiếu vì những thông tin, sự kiện tích cực bất ngờ xảy ra.
III. Chất xúc tác đối với các trường phái đầu tư
Thực tế diễn ra trên thị trường, nhiều nhà đầu tư không quan tâm đến chất xúc tác, một số nhà đầu tư giá trị quan tâm cổ phiếu đủ rẻ chưa, doanh nghiệp vẫn làm ăn ổn là có thể mua cổ phiếu được.
Hoặc nhà đầu tư tăng trưởng, thì tìm kiếm cổ phiếu có lợi nhuận tăng trong hiện tại, và tương lai với kỳ vọng giá sẽ tăng theo mức độ tăng của lợi nhuận.
Và phân tích kỹ thuật thì tin rằng giá đã phản ánh tất cả, và đã thể hiện qua đồ thị giá rồi. Do đó không cần xem xét chất xúc tác nữa.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư quan tâm đến chất xúc tác như một sự kiện tích cực để thúc đẩy giá cổ phiếu tăng giá nhanh. Ví dụ nhà đầu tư giá trị, sẽ chấp nhận mua cổ phiếu với biên an toàn thấp hơn, nếu cổ phiếu đó có chất xúc tác mạnh, để bù đắp cho mức chênh lệch giữa giá trị và giá cả thấp hơn đó.
Một số nhà đầu tư quan tâm đến sự diễn biến giá cổ phiếu nên họ nghiên cứu và theo dõi kỹ những sự kiện được xem là chất xúc tác ảnh hưởng đến doanh nghiệp, và đánh giá mức tác động của từng nhóm chất xúc tác với giá cổ phiếu.
Khi đó, họ sẽ là những người đầu tiên nhận ra sự hiện diện chất xúc tác so với phần đông trên thị trường và sẽ mua sớm với giá thấp, với mong muốn sẽ kiếm lãi cao hơn.
Nhà đầu tư nào hiểu về chất xúc tác, sẽ giúp gia tăng hiệu suất đầu tư ngoài những kiến thức phân tích cơ bản và kỹ thuật mà ta thường áp dụng sẽ chọn được những mã tăng giá trong thời gian ngắn hơn.
IV. Danh ngôn về chất xúc tác trong đầu tư
Để giúp cho nhà đầu tư hiểu hơn tầm quan trong trong chất xúc tác, Ngọ xin gửi đến bạn những chia sẻ của nhà đầu tư lớn về ý nghĩa và vai trò quan trọng của chất xúc tác.
“Cổ phiếu bị định giá thấp có thể bị định giá thấp vô thời hạn nếu chẳng có gì xảy ra với chúng. Chúng tôi tự hỏi đâu là chất xúc tác có thể xoay chuyển những công ty sa sút này ”. Thomas Kahn
“Chúng tôi cần chất xúc tác vì chúng tôi cần kiếm tiền cho các nhà đầu tư của mình hàng năm.” Steve Major
“Chỉ một mức giá rẻ thôi là không đủ lý do để đầu tư. Nếu một thứ gì đó mãi rẻ, thì giá trị của nó không được công nhận, và cổ phiếu của công ty đó rất có thể vẫn là một tờ giấy không giá trị. Để một món hời tăng giá, cần phải có một chất xúc tác, và ở góc độ đầu tư, chất xúc tác đó là sự thay đổi”. Jim Rogers
“Chất xúc tác để hiện thực hóa giá trị là thứ mà chúng tôi tìm kiếm, nhưng chúng tôi cũng sẽ đầu tư mà không cần chất xúc tác khi giá đủ hấp dẫn.” Seth Klarman
“Một mức định giá thấp trong thời gian dài, như có dòng tiền đáng tin cậy, lợi thế cạnh tranh bền vững được xem là chất xúc tác quan trọng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tìm kiếm các chất xúc tác khác, bao gồm việc bán tài sản, việc sáp nhập thông minh, chương trình mua lại phiếu, chia cổ tức, được các nhà phân tích đánh giá tích cực, nội bộ mua vào, mở rộng hoạt động kinh doanh một cách thận trọng trong các thị trường tiềm năng – càng nhiều chất xúc tác càng tốt.” Alex Roepers
“Các nhà đầu tư nên quan tâm không chỉ việc các khoản nắm giữ hiện tại bị định giá thấp mà còn đến lý do tại sao như vậy. Hãy tìm kiếm các khoản đầu tư có chất xúc tác để hỗ trợ trực tiếp thực hiện hóa giá trị.” Seth Klarman
“Trong khi chúng tôi yêu thích chất xúc tác trong dài hạn, chúng tôi yêu cầu chất xúc tác trong ngắn hạn. Định giá trong ngắn hạn luôn khó khăn”. Shawn Kravetz
“Sự hiện diện của chất xúc tác giúp giảm thiểu rủi ro. Nếu chênh lệch giữa giá và giá trị nội tại có khả năng được thu hẹp nhanh chóng, thì khả năng mất tiền do biến động thị trường hoặc diễn biến kinh doanh bất lợi sẽ giảm.” Seth Klarman
“Không có chất xúc tác, bất kỳ mức giá thị trường ngắn hạn nào cũng là một bước đi ngẫu nhiên.” Marty Whitman
“Các vị thế có chất xúc tác có xu hướng tăng mạnh trong thị trường giá lên và tỏ ra khả quan hơn khi thị trường ảm đạm hoặc giá xuống.” Seth Klarman
“Chúng tôi thích nhìn thấy các chất xúc tác khác nhau. Định nghĩa của chúng tôi về chất xúc tác là thứ có thể làm tăng giá trị càng nhanh càng tốt. Nó có thể là một công ty đã liên tục mua lại cổ phiếu trong nhiều năm, một công ty trả cổ tức đặc biệt, hoặc bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy ban lãnh đạo quan tâm với lợi ích của cổ đông.” Larry Pitkowski
“Tôi tin rằng các chất xúc tác có khả năng cao tạo ra giá trị theo thời gian.” H. Kevin Byun
“Cổ phiếu bị định giá thấp được quan tâm khi đáp ứng một số hoặc tất cả các tiêu chí sau: nếu bị định giá quá thấp; nếu có một chất xúc tác để giúp việc gia tăng giá trị; nếu giá trị doanh nghiệp ổn định và tăng trưởng, không bị ăn mòn; và nếu ban quản lý của công ty nhiệt huyết.” Seth Klarman