Hiểu chi phí chìm để cuộc đời nổi và tài khoản tăng nhanh?

Khi bạn thấy mình đang ở trong một cái hố, điều tốt nhất bạn có thể làm là ngừng đào.” – Warren Buffet

Một câu chuyện

Hầu hết ai cũng thấy mình sáng suốt, một hiệu ứng tự tin thái quá.

Nhưng hãy ngưng lại 1 chút, bạn thấy bóng hình bạn trong câu chuyện sau, chỉ ở trong bối cảnh khác…

Giả định, điều bạn thích nhất thế giới là chơi điện tử với hội bạn thân vào tối thứ 7. Đây là thứ bạn sướng điên người, chẳng có gì bạn thích hơn nó.

Nhưng cuối tuần này, vì nhiều việc, không có cuộc hẹn nhau nào cả. Bạn quyết định đặt 1 vé xem phim và bỏng ngô trị giá 150.000 đồng. Bạn đã trả tiền, và không hoàn lại.

Nhưng bất ngờ, tất cả bạn bè bạn đều rảnh – và họ nói rằng đêm chơi điện tử sẽ được khởi động lại, và bạn cũng biết điều này.

Bạn quyết định đi xem phim vì bạn đã trả xong tiền; thay vì đến nhà thằng bạn để chơi điện tử – việc bạn thích hơn. Khi đó, ngụy biện chi phí chìm đã diễn ra.

Banner-11-2023-Uy-thac-dau-tu-tu-van-chung-khoan

Logic là:

Thay vì mất 1 lần là 150K.  Bạn mất đến 2 lần, đầu tiên là mất 150K tiền vé, thứ 2 là bạn làm điều bạn không thích làm hơn.

Đây là 1 sai lầm về chi phí chìm.

Điều này diễn ra quá thường xuyên trong cuộc sống nhỉ?

Chi phí chìm

Chi phí chìm là những gì đã xảy ra trong quá khứ (thời gian/tiền bạc) và không thể thu hồi.

Do đó, những điều này, không nên ảnh hưởng đến quyết định trong tương lai của chúng ta!

Nhưng rõ ràng, sai lầm quyết định chi phí chìm đã quá xen vào cuộc sống mỗi người, xen vào trong kinh doanh và cả đầu tư.

Không ai có thể triệt tiêu hoàn toàn, nhưng nếu giảm mức độ và cường độ về sai lầm chi phí chìm được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Hồi xưa sai lầm 10, giờ còn 9 cũng là đáng quý mà. Bởi đời chẳng ai không sai lầm cả.

Chuyện của Ngọ

Ngọ muốn chia sẻ quyết định về vượt qua chi phí chìm của Ngọ cho bạn xem, đây là 1 trải nghiệm rõ nét nhất mà Ngọ nhớ và thấy hay hay. Nó cho Ngọ 1 thế giới quan tích cực hơn.

Năm 2022, Ngọ ĐÃ mua 2 vé máy bay từ Hà Nội về Đà Nẵng, nhưng đó là trước khi đến Ba Bể. Bởi vì, Bắc Kạn là tỉnh cuối cùng trong hành trình 63/63 tỉnh thành lần thứ 2 của Ngọ và lần đầu của vợ Ngọ. Bởi vì Ngọ nghĩ hết động lực đi rồi, vì đã hoàn thành mục tiêu.

Tho-Ba-Be

Ngọ ở Ba Bể tầm 5 ngày, Ngọ thấy thư thái và thỏa mãn. Bởi một phần là Ngọ đã hoàn thành mục tiêu chinh phục. Thêm nữa, Hồ Ba Bể tạo cảm giác nhẹ nhàng tuyệt vời đến lạ.

Hỏi: Ngọ hủy vé máy bay, và mất tiền có tiếc không?  Câu trả lời là Có!

– Nhưng Ngọ nghĩ đến chi phí chìm, “chỉnh” góc nhìn xem là tấm vé được cảm giác thư thái ở Ba Bể.

Ngọ ở Ba Bể đến tận 1,5 tháng. Đó là 1 khoảng thời gian tuyệt vời!

Thực tế, nếu để bản năng suy nghĩ, để cảm xúc dẫn dắt rất dễ rơi về bẫy chi phí chìm.

Ngọ cũng “vướng” nhiều lần. Bởi vì biết và thực hành là 2 chuyện không giống nhau. Ngọ quan điểm là giảm thiểu được bao nhiêu thì giảm, Ngọ đâu phải là thánh!

Nguyên nhân chi phí chìm

3 nguyên nhân chính, mà con người, doanh nhân, nhà đầu tư mắc phải là:

  • Tâm lý tiếc nuối vì chi phí đã bỏ ra.

Ví dụ:  Một người làm kinh doanh, theo đuổi 1 khách hàng, sau 1 thời gian dài và tốn kém. Thay vì quyết định ngừng lại, xem xét định hướng chiến lược, họ lại tiếp tục đổ tiền và thời gian theo đuổi khách hàng dạng này, vì ngụy biện tôi đã tốn nhiều tiền rồi.

Trong đầu tư chứng khoán, nhiều người thấy mình đầu tư không hiệu quả. Nhưng vì nghĩ đổ rất nhiều thời gian và công sức theo đuổi chiến lược của họ – họ không dừng lại mà còn tiếp tục đi tiếp hướng sai đó vì tiếc công sức nghiên cứu nó.

  • Kỳ vọng về lợi ích đem lại

Ví dụ: Bạn đầu tư 10 tỷ để khởi nghiệp, với kỳ vọng sẽ thành 50 tỷ sau 3 năm, do nhu cầu thị trường lớn và béo bở. Tuy nhiên, sau 1 năm, nảy sinh nhiều vấn đề, ví dụ như pháp lý, môi trường kinh doanh. Thay vì chấp nhận thua lỗ và rút ra sớm, bạn vẫn tiếp tục làm dự án với niềm tin trong tương lai sẽ thành công.

Hi vọng nhiều khi dẫn đến chi phí chìm.

  • Tâm lý không bao giờ bỏ cuộc.

“Bỏ cuộc đồng nghĩa với thất bại” đây là 1 câu nói sai lầm, nếu ta đi mà không thấy điểm sáng.

Ví dụ: Bạn mở một cửa hàng, nhưng rồi hoạt động kinh doanh không như dự định ban đầu. Bạn cứ bám víu vào nó, cứ nghĩ tiếp tục thì sẽ đến lúc thành công, không thể bỏ cuộc được. Điều này, thông thường sẽ “thành công cốc” nhiều hơn, khiến bạn thất bại lớn hơn.

Khi bạn thấy mình đang ở trong một cái hố, điều tốt nhất bạn có thể làm là ngừng đào.”Warren Buffett

Thực ra đời sống cũng tương tự, nhiều người bám chấp vào mối quan hệ quá khứ mà không quan tâm đến hiện tại và tương lai. Đó cũng là sai lầm chi phí chìm.

Vượt qua chi phí chìm:

Để vượt qua chi phí chìm là cả một khoa học và nghệ thuật, ta có thể áp dụng các nguyên lý sau:

  • Nhận thức và hiểu biết về chi phí chìm trong cuộc sống, kinh doanh và đầu tư
  • Xác điều kiện khi nào nên cắt lỗ; điểm dừng lại hoặc chấp nhận mình sai.
  • Xem xét chi phí cơ hội (Bỏ qua cơ hội khác), xem xét những phương án mới dựa trên dữ liệu và phân tích lợi ích chi phí.
  • Tìm kiếm những góc nhìn bên ngoài, hoặc góc nhìn đối lập
  • Thừa nhận sai lầm của bản thân. Và xem chi phí chìm như bài học kinh nghiệm
  • Xem xét lại định hướng, để không cảm tính.
  • Xem chi phí chìm giống định phí nhưng không thể thu hồi. Sống nhẹ nhàng và để gió cuốn đi!

Khi làm điều gì, hãy tập trung vào tương lai, xem xét liên tục hành động của mình. Đánh giá nó có đúng định hướng ta chưa. Tự hỏi bản thân, nếu hôm nay bắt đầu lại từ đầu, liệu tôi có bắt đầu hoạt động tương tự hay không? Câu trả lời là không, thì bạn nên chuyển hướng khác.

BANNER-KHOA-HOC-2023-GIF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!