Chứng khoán là một trò trí tuệ thú vị, bởi vì nó chỉ mang tính xác suất, một phần lý do là kết quả thể hiện trong tương lai.
Peter Lynch, từng chia sẻ – nếu nhà đầu tư đạt kết quả tốt 6 trong 10 vụ đầu tư thì đã là thành công rồi. Ông là 1 trong 4 nhà đầu tư vĩ đại nhất thế kỷ 20, được cho là người có thể nhìn thấy tương lai 1 doanh nghiệp hơn ai hết, với 40% danh mục thường là cổ phiếu tăng trưởng nhanh, mức lãi 29,3%/năm trong suốt 13 năm ông quản lý quỹ.
Chứng khoán cần có góc nhìn tương lai, dù không thể thấu suốt 100%, nhưng cần định hướng nhìn tương lai – như cuốn sách Đánh bại Phố Wall, Peter Lynch khuyên nên xem xét lại danh mục 6 tháng 1 lần vì không có gì là đảm bảo 100%.
Trong thị trường chứng khoán có rất nhiều dạng doanh nghiệp từ doanh nghiệp bền vững, doanh nghiệp tăng trưởng, doanh nghiệp chu kỳ, doanh nghiệp chết đi sống lại…
Điều này cũng nói rằng tương lai là không rõ ràng và khó đoán định, vì không một mô hình cụ thể để nhìn tương lai của một doanh nghiệp. Trong khi nhà đầu tư cá nhân thường nhìn quá ngắn để mua cổ phiếu, thậm chí thấy cổ phiếu X tăng gấp 5 lần trong năm vừa qua thì cứ đâm đầu vào mua cổ phiếu X, đa phần kết cục sẽ tiền đội nón ra đi.
Theo kinh nghiệm cá nhân Ngọ, về góc độ doanh nghiệp nếu bạn nhìn quá khứ bạn phải nhìn nó ít nhất 5 năm và cả tính chu kỳ của nó, để có thể nhìn đúng về tương lai hơn. Tuy nhiên, ta cũng cần thích ứng nhanh, ít nhất cũng cần review danh mục lại định kỳ.
Khi ước đoán lợi nhuận 1-2 năm tới, như đa phần khuyến nghị của công ty chứng khoán hay làm, trong mắt của những NĐT vĩ đại thường được cho là góc nhìn không chính xác, bởi vô số những sự kiện và biến số xảy ra. Nhưng nếu chỉ chăm chăm về quá khứ cũng là một cách thất bại, nhất là chỉ nhìn thời gian gần đây.
Mà thực tế số đông nhà đầu tư cá nhân cũng chẳng chú ý đến doanh nghiệp, đa phần chú ý đến diễn biến giá gần đây bất kể đó là doanh nghiệp tào lao và họ phỏng đoán tương lai mua hay không mua.
Quá khứ luôn rõ ràng và tương lai luôn khó ước đoán, có một số dạng công ty bạn dễ dự đoán tương lai hơn, nhưng số khác thì rất khó.
Một doanh nghiệp thủy điện, bạn có thể ước định lợi nhuận 5 năm tiếp theo hơn, nhưng một doanh nghiệp sắt thép hay chứng khoán thì khó hơn nhiều.
Khung thời gian cũng mang tính ý nghĩa lớn khi đánh giá cổ phiếu, nhà đầu tư cá nhân – đến 90% NĐT chơi theo phong cách cờ bạc trên thị trường chứng khoán – không ít trong số đó. thường nhìn giá cổ phiếu trong 3 tháng gần đây, người ta phím hàng, hay doanh nghiệp lợi nhuận tăng cao kỷ lục… mà nhảy vào mua.
Theo một nghiên cứu trong cuốn sách: “Tất cả chúng ta đều hành xử cảm tính”, giáo sư Richard H Thaler (ông đạt giải Nobel kinh tế 2017), ông thấy những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong 3 năm gần đây thường có kết quả không tốt so với thị trường trong 3 năm tiếp theo.
Mà nhà đầu tư cá nhân chắc cũng chẳng nghĩ đơn vị đầu tư bằng năm, mà là T+3, T+15. Tuy nhiên, khi bạn nhìn một khung thời gian quá ngắn và hướng đi ngược với khung thời gian lâu dài, cũng dễ gây nên những rủi ro tài khoản không đáng có.
“Thời gian gần đây” hay “mốt hiện thời” – là một cụm từ thường mang lại rủi ro, giống như lái xe chỉ nhìn kính chiếu hậu.
Chứng khoán là tương lai và kinh nghiệm của Ngọ là tương lai cần cả nhìn từ quá khứ và nhìn cả đến tương lai để ra quyết định.
Để ta có ý thức về vấn đề này, Ngọ tập hợp những danh ngôn của những nhà đầu tư lớn, để giúp ta thấu suốt hơn về đầu tư chứng khoán.
“Buffett kết luận rằng cách dự đoán tương lai chưa biết từ những thứ đã biết trong quá khứ là tác nhân chính tạo nên sự điên rồ của hầu hết nhà đầu tư.” Frank Martin
“Rõ ràng là việc tăng giảm trong năm ngoái hoặc tháng trước của cổ phiếu không phải là lý do để sở hữu hoặc không sở hữu cổ phiếu đó ở thời điểm hiện tại” Warren Buffett
“Sai lầm lớn nhất mà các nhà đầu tư mắc phải là tin rằng những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây vẫn có khả năng tiếp diễn. Họ cho rằng khoản đầu tư có lãi trong thời gian gần đây vẫn là khoản đầu tư tốt. Lợi nhuận cao trong quá khứ thường ngụ ý rằng một tài sản đã trở nên đắt hơn và là khoản đầu tư kém hơn, chứ không phải là tốt hơn.” Ray Dalio
“Sai lầm lớn nhất mà các nhà đầu tư mắc phải là nhìn vào việc tăng giảm trong quá khứ và nghĩ rằng nó sẽ tái diễn trong tương lai.” John Bogle
“Bám vào hiện tại, một trong những điều ngớ ngẩn là các nhà đầu tư tưởng tượng tương lai là những gì họ đã thấy qua gương chiếu hậu.” Frank Martin
“Trong thế giới kinh doanh, gương chiếu hậu luôn rõ ràng hơn kính chắn gió.” Warren Buffett
“Điều tồi tệ nhất mà nhà đầu tư có thể làm nhưng lại rất phổ biến là xây dựng danh mục đầu tư của mình dựa trên những công ty đã hoạt động tốt trong 10 năm trước.” Ray Dalio
“Bạn không được trả tiền cho những gì đã xảy ra. Bạn chỉ được trả tiền cho những gì sắp xảy ra trong tương lai. Quá khứ chỉ hữu ích cho bạn khi nó mang đến những dấu hiệu về tương lai, và đôi khi quá khứ cũng không cung cấp cho bạn bất kỳ dấu hiệu nào về tương lai.” Warren Buffett
“Bạn không thể tìm kiếm tương lai bằng cách dõi theo quá khứ một cách ngây thơ.” Nicholas Taleb
“Nghiên cứu cho thấy rằng: trong đầu tư, những gì đã có kết quả tốt trong thời gian gần đây có khả năng sẽ không còn hiệu quả trong tương lai, trong khi những gì đã giảm sút lại có khả năng hồi phục. Theo lời của nhà thơ La Mã Horace, “Nhiều người đã được vinh danh thì bây giờ đã sa ngã và nhiều người từng sa ngã thì bây giờ được vinh danh”. Nhưng tư duy trái ngược như vậy luôn thiếu hụt ở Phố Wall ”. Seth Klarman
“Máy tính và cơ sở dữ liệu vô tận khiến các nhà đầu tư tập trung vào quá khứ. Hơn bao giờ hết, mọi người đang nhìn ngược chiều với tương lai .” Shelby Davis
“Bạn không thể nhìn thấy tương lai qua gương chiếu hậu .” Peter Lynch
“Tôi đã sống đủ lâu để biết rằng những gì đã hoạt động tốt trong quá khứ hiếm khi tiếp tục như vậy trong tương lai.” Michael Steinhardt
“Hãy cẩn thận với những “bằng chứng” về lợi nhuận trong quá khứ ở lĩnh vực tài chính; nếu sách lịch sử là chìa khóa dẫn đến sự giàu có thì Forbes 400 (400 người giàu nhất) sẽ là tập hợp của các thủ thư.” Warren Buffet
“Thật là nguy hiểm khi dự đoán xu hướng tương lai dựa vào quá khứ. Nó cũng giống như việc lái xe bằng cách nhìn vào gương chiếu hậu (điều này ổn khi đường vẫn thẳng, nhưng là một thảm họa khi xe đến đoạn đường cong).” Ed Wachenheim
“Bỏ qua các chu kỳ và tìm cách dự đoán tương lai chưa biết từ những thứ đã biết trong quá khứ là một trong những điều nguy hiểm nhất mà nhà đầu tư có thể mắc phải.” Howard Marks
“Các nhà quản lý quỹ hưu trí tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư, với đôi mắt dán chặt vào kính chiếu hậu. Warren Buffett
“Khách hàng và vốn có xu hướng di chuyển qua lại giữa những người quản lý thành công gần đây. Nhưng theo một nghiên cứu lớn, những người quản lý thành công gần đây, rất có thể đang phải trải qua một năm tồi tệ.” Andy Redleaf
“Người ta không thể phân tích các sự kiện cho đến khi chúng đã xảy ra. Các con số để phân tích đã lỗi thời so với thực tế. Phân tích số liệu không hiệu quả trong việc phát hiện sự thay đổi ở giai đoạn đầu, và do đó ủng hộ điều mà Marshall McLuhan đề cập đến là con người có xu hướng dự đoán tương lai khi nhìn vào gương chiếu hậu .” Bennett Goodspeed
Do đó, nếu bạn lãi 75%/năm vào năm ngoái, không đảm bảo tương lai bạn và danh mục sẽ có kết quả tương tự.