Thị trường con gấu là gì, thị trường con gấu kéo dài bao lâu mà khiến bao nhà đầu tư mất ăn, mất ngủ. Thậm chí là cháy tài khoản, vỡ nợ, đổi sim vì thị trường con gấu.
Thị trường con gấu và thị trường con bò đều là những linh vật của thị trường chứng khoán. Chúng ám chỉ việc biến động của thị trường theo thời gian.
Trong đó, thị trường tăng giá được gọi là thị trường bò hay bull market.
Thị trường con gấu – bear market – thể hiện thị trường giá xuống! Trong thị trường con gấu, giá giảm dữ dội ở hầu hết mọi thứ, chẳng hạn như các cổ phiếu riêng lẻ.
Tuy nhiên, thị trường con gấu tạo cơ hội cho nhà đầu tư mua được cổ phiếu giá hời. Có thể X2 tài khoản.
Qua bài này, bạn sẽ hiểu được thị trường con gấu, thời gian kéo dài của thị trường con gấu và ưu điểm của thị trường gấu là gì.
Định nghĩa thị trường gấu là gì?
Thị trường con gấu (bear market) là khi các chỉ số thị trường tài chính chung (S&P 500, hay Vn-Index) giảm từ 20% trở lên so với mức đỉnh của nó.
Một trong những lý giải phổ biến nhất – về tên gọi của thị trường con gấu và bò, bắt nguồn từ cách hai con vật tấn công con mồi của chúng.
Khi một con bò đang tấn công con mồi, bò sẽ điên cuồng húc sừng lên không trung. Ngược lại, một con gấu thường tấn công khi sợ hãi và sẽ vồ những móng vuốt sắc nhọn hướng xuống.
Tần suất diễn ra thị trường con gấu?
Thị trường gấu khá phổ biến. Kể từ năm 1900, đã có 33 lần xảy ra thị trường con gấu ở Mỹ.
Tính trung bình thị trường con gấu xuất hiện 3,6 năm một lần. Trong suốt cuộc đời, một người sống 80 năm có thể trải qua khoảng 20 lần thị trường con gấu.
Ở Việt Nam, theo thống kê của Ngọ, có 18 lần thị trường con gấu trong 21 năm, Vn-index giảm từ 20% trở lên. Tương ứng với mức 14 tháng lại xảy ra 1 lần.
Trong giai đoạn gần đây, khi thị trường chạm đáy tháng 2/2009 ở mức 234.66 điểm lên mức cao hiện nay. Thị trường xảy ra 9 lần giảm hơn 20% tương đương 17 tháng thì diễn ra 1 lần.
Thị trường con gấu kéo dài bao lâu?
Trong lịch sử, thị trường con gấu có xu hướng ngắn hơn thị trường tăng giá.
Một thị trường giá xuống thường kéo dài dưới 10 tháng, đôi khi dài hơn, tuy nhiên có lúc dưới 2 tháng. Ví dụ thị trường gấu giai đoạn Covid tháng 2+3/2020!
Thị trường con gấu dài nhất diễn ra từ tháng 3 năm 1937 cho đến tháng 4 năm 1942 – cuộc Đại suy thoái. Thị trường con gấu này kéo dài trong 61 tháng. Thị trường gấu trong cuộc đại suy thoái đã không phục hồi trong 4 năm sau đó.
Trong khi kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trung bình mất khoảng 2 năm để thị trường chứng khoán phục hồi hoặc đạt mức cao trước đó.
Nguyên nhân của thị trường con gấu là gì?
Thị trường con gấu thường do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp tăng, quy luật cung cầu và tâm lý của nhà đầu tư.
Cung và cầu
Thị trường tăng và giảm một phần là kết quả của cung và cầu về chứng khoán.
Trong thị trường gấu, cầu thấp hơn đáng kể so với cung. Nghĩa là nhiều người đang tìm cách bán hơn mua. Kết quả là, giá cổ phiếu giảm xuống.
Điều này ngược lại với thị trường bò – cầu lớn hơn cung.
Suy thoái kinh tế dẫn đến thị trường con gấu.
Những thay đổi của thị trường chứng khoán có thể do suy thoái kinh tế.
Khi kinh tế suy thoái, người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu của họ.
Doanh số bán hàng thấp hơn và giảm lợi nhuận kinh doanh. Nhiều người bị sa thải, mất việc làm. Điều này dẫn đến giá cổ phiếu bị định giá thấp hơn.
Tuy vậy, thị trường con gấu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với suy thoái kinh tế.
Theo thống kê, khoảng 70% vụ suy thoái kinh tế tạm thời hoặc dài hạn gây ra thị trường con gấu.
Tâm lý nhà đầu tư
Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn bởi giao động của thị trường chứng khoán.
Trong giai đoạn thị trường gía xuống, tâm lý của số đông nhà đầu tư đa số là tiêu cực.
Niềm tin của các nhà đầu tư sụp đổ và họ tin rằng giá sẽ tiếp tục giảm. Tạo nên một vòng xoáy đi xuống.
Họ bắt đầu chuyển tiền ra khỏi thị trường chứng khoán để lấy tiền mặt hoặc chuyển sang kênh đầu tư có thu nhập cố định. Nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán.
Điều này có thể gây tác dụng phụ không mong muốn là tạo ra một đợt bán tháo, làm cho giá cổ phiếu giảm.
Ví dụ thị trường con gấu gần đây là gì?
Ví dụ thị trường con gấu tại Việt Nam
Thị trường con gấu năm 2018 – thị trường giảm 25%.
Sau đây là ba ví dụ đáng chú ý gần đây nhất:
Sự sụp đổ dot-com 2000-2002.
Vào cuối những năm 1990,việc sử dụng Internet ngày càng tăng và kỳ vọng vào sự phát triển của Internet. Dẫn đến vụ bong bóng đầu cơ lớn vào cổ phiếu công nghệ.
Làn sóng IPO của những công ty khởi nghiệp liên quan đến Internet tạo ra cơn sốt đổ tiền vào cổ phiếu Internet.
Tuy nhiên, phần lớn những doanh nghiệp như vậy lại không tạo ra lợi nhuận như kỳ vọng. Kết quả là vụ sụp đổ của bong bóng dot-com. Chỉ số S&P 500 giảm 37% giá trị trong chưa đầy 2 năm.
Khủng hoảng tài chính 2008-2009
Khủng hoảng tài chính 2008-2009 bắt nguồn từ làn sóng cho vay thế chấp dưới chuẩn. Sau đó, biến các khoản vay này thành chứng khoán có thể đầu tư dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính lan rộng toàn cầu.
Đây là một trong những thị trường con gấu tồi tệ nhất xảy ra trong thập kỷ vừa qua, kéo dài khoảng 17 tháng.
Nhiều ngân hàng đã bị vỡ nợ. Các gói cứu trợ lớn đã được ban hành để ngăn chặn hệ thống ngân hàng ở Mỹ khỏi sụp đổ.
Đến tháng 3 năm 2009, S&P 500 đã giảm hơn 50% so với mức cao trước đó.
Đại dịch COVID-19 năm 2020
Thị trường con gấu năm 2020 bắt nguồn bởi đại dịch COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới. Gây ra sự ngừng trệ kinh tế ở hầu hết các nước phát triển.
Trong quý I năm 2020, chỉ số Dow Jones đã giảm hơn 23%. Đây được coi là mức giảm trong quý mạnh nhất kể từ năm 1987.
Ngoài ra, đây còn thị trường con gấu được hình thành nhanh nhất trong lịch sử: chỉ trong vòng khoảng 20 ngày.
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã chứng kiến những đợt giảm điểm mạnh. Cuối quý I/2020, VN-Index giảm 33% so với cuối năm 2019.
Các giai đoạn kéo dài của thị trường con gấu?
Thị trường con gấu có 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1:
Giá cổ phiếu đang ở mức cao. Tuy nhiên, thị trường quá chật chội.
Các nhà đầu tư bắt đầu cảm thấy lo lắng về tương lai thị trường. Do đó, một số nhà đầu tư bán cổ phiếu và rời khỏi thị trường.
Giai đoạn 2:
Hàng loạt cổ phiếu bắt đầu giảm giá mạnh. Cổ phiếu của những công ty trụ cột trong nền kinh tế cũng bắt đầu giảm. Chỉ số kinh tế bị rớt xuống dưới mức trung bình.
Số đông nhà đầu tư sợ hãi, hoảng loạn. Họ bán tống bán tháo để tháo chạy.
Giai đoạn 3:
Các nhà đầu cơ bắt đầu nhảy vào thị trường để cố gắng bắt đáy. Điều này giúp tăng giá một số cổ phiếu. Thanh khoản cũng vì đó mà tăng lên.
Giai đoạn 4:
Giá cổ phiếu còn giảm, nhưng chậm hơn.
Khi giá cổ phiếu thấp và thị trường có những dấu hiệu tích cực, nhiều nhà đầu tư quay lại thị trường để tìm kiếm những cổ phiếu giá hời.
Thị trường con gấu dần chuyển thành thị trường bò.
Điều nhà đầu tư cần hành động khi thị trường gấu kéo dài?
Suy nghĩ dài hạn
Một trong những sai lầm thường gặp của nhà đầu tư, trong thị trường con gấu, nhất là thị trường con gấu kéo dài là hoảng loạn bán tháo cổ phiếu.
Theo thống kê, trong dài hạn, các nhà đầu tư trung bình có lợi nhuận kém hơn đáng kể so với thị trường chứng khoán nói chung.
Trong thị trường bear market, giá cổ phiếu lao dốc và có vẻ như sẽ tiếp tục giảm giá mãi mãi. Bản năng của số đông là bán “trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.
Sau đó, khi thị trường tăng giá xảy ra và giá cổ phiếu tiếp tục đạt mức cao mới. Số đông lại quay lại thị trường vì sợ bị mất lợi nhuận.
Chúng ta đều biết rằng mục tiêu của đầu tư là mua thấp và bán cao.
Thực tế là nhà đầu tư nào hành động cảm tính theo những biến động của thị trường lại đang có kết cục ngược lại. Nghĩa là mua cao và bán thấp.
Do vậy, bất kể trong thị trường con gấu hay thị trường bò, nhà đầu tư nên có tầm nhìn dài hạn.
Chỉ nên mua những cổ phiếu mà bản thân tự tin để nắm giữ dài hạn bất kể thị trường giá xuống có xảy ra hay không.
Tập trung vào chất lượng
Một trong những câu nói nổi tiếng của Warren Buffett: “Khi thủy triều rút mới biết ai đang bơi truồng”.
Nói cách khác, khi nền kinh tế xấu đi, các công ty – có nhiều rủi ro, đòn bẩy lớn và không có bất kỳ lợi thế cạnh tranh thực sự nào – có xu hướng bị ảnh hưởng nặng nhất.
Trong khi các công ty chất lượng cao – có xu hướng hoạt động tốt hơn.
Trong những thời điểm không chắc chắn, nhất là khi thị trường gấu diễn ra, điều quan trọng là phải tập trung vào các công ty:
- báo cáo tài chính vững chắc
- lợi thế cạnh tranh rõ ràng, lâu dài
- hướng tăng trưởng của cổ phiếu
- định giá hời.
Đừng cố bắt đáy
Cố gắng bắt đáy nói chung là khó, đặc biệt đối với nhà đầu tư thiên về phân tích kỹ thuật. Trừ khi bạn là nhà đầu tư có khả năng định giá tốt, để xác định cổ phiếu giá rất rẻ.
Đừng cố gắng xác định thời gian chạm đáy – và ném tất cả tiền của mình vào cùng một lúc.
Nhà đầu tư trong thị trường con gấu – có thể mua cổ phiếu dần dần theo thời gian. Ngay cả khi nghĩ rằng: Giá có thể giảm thấp hơn.
Bằng cách này, nếu nhà đầu tư bắt đáy sai và cổ phiếu tiếp tục giảm thì vẫn có thể mua thêm cổ phiếu với mức giá thấp hơn mới. Thay vì không còn tiền để mua.
Bắt đáy chỉ áp dụng đối với nhà đầu tư giá trị hoặc mua tích trữ. Cái này, bạn xác định ngay từ đầu. Chứ không phải lúc đầu định lướt sóng, giờ giá xuống thì thành đầu tư.
Không được phép suy nghĩ kiểu “cố tình lướt sóng vô tình thành nhà đầu tư”.
Mua tích trữ kiểu giá đi xuống, được xem là phương pháp bình quân chi phí đô la. Tức là cùng số tiền, giá cổ phiếu xuống bạn sẽ được mua nhiều cổ phiếu hơn. Và thị trường con gấu rất thích hợp cho điều này.
Ưu điểm thị trường con gấu là gì?
Mặc dù thị trường gấu có thể đáng sợ, nhưng đó là một phần tự nhiên của thị trường chứng khoán.
Có gấu xuất hiện thì sẽ có bò xuất hiện giúp nhà đầu tư sinh lời.
Có thị trường con gấu thì sẽ dạy ta phải đầu tư 1 cách có hệ thống, chứ không phải ăn xổi ở thì. Xóa sổ bớt những nhà đầu tư tay mơ và làm sạch thị trường.
Nhờ thị trường giá xuống mà bạn có thể mua cổ phiếu với giá rẻ hơn. Qua đó tăng cơ hội sinh lãi ở mức cao, và nhân 2 tài sản.
Thị trường gấu giúp bạn kiểm tra và đánh giá lại triết lý đầu tư của mình.
Xem thêm: https://cophieux.com/hieu-qua-khi-ttck-giam/
Những phát ngôn về thời điểm mua ở thị trường con gấu
“Thị trường đi xuống là thời điểm tuyệt vời để mua thêm cổ phiếu.” Ralph Wanger
“Thay vì bán khi thị trường giảm điểm, đây là lúc bạn nên mua những thứ với giá rẻ. Và khi thị trường tăng giá là lúc bạn nên nghĩ đến việc bán cổ phiếu. Bill Stewart
“Thị trường giá giảm cho phép bạn mua thêm cổ phiếu của các công ty lớn với giá khuyến mãi. Nếu bạn biết mình đang làm gì, bạn sẽ kiếm được nhiều tiền nhất từ ở giai đoạn này. Có điều, bạn chỉ không nhận ra điều đó cho đến mãi sau này. Shelby Davis
“Chúng tôi thấy đợt điều chỉnh mới nhất không phải là thảm họa, mà là cơ hội để mua thêm cổ phiếu với giá thấp. Đây là cách vận may lớn được tạo ra theo thời gian.” Peter Lynch
“Khi thị trường giảm điểm, tiềm năng tăng giá của cổ phiếu trong tương lai sẽ gia tăng.” Francois Rochon
“Tôi là người mua khi thị trường đi xuống; Tôi bán khi thị trường tăng mạnh.” Peter Cundill
“Bạn cần có những thị trường tồi tệ để tạo ra tiền đề cho mức tăng 40% mỗi năm. Nếu thị trường đi lên mãi mãi, tôi sẽ chết đi mất.” Peter Cundill
“Chu kỳ giảm điểm thật chẳng vui vẻ gì. Nhưng nó tạo cơ sở cho lợi nhuận khổng lồ trong tương lai.” Steve Schwarzman
“Khi thị trường tồi tệ đến mức bạn nghĩ rõ ràng rằng bạn nên bán ra. Đó là thời điểm mà tất cả đều ở mức giá mà bạn nên mua vào.” Martin Taylor
Xem thêm: https://cophieux.com/thi-truong-downtrend/
Giờ bạn đã hiểu thị trường con gấu là gì rồi đấy, và cơ hội tuyệt vời mà thị trường gấu mang lại là gì – vậy quan trọng nhất, là bình tâm và an nhiên để kiếm tiền.
Nguyễn Hữu Ngọ
Đào tạo chứng khoán & Tư vấn đầu tư
SĐT – Zalo: 096.774.6668
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
Chat Zalo: TẠI ĐÂY