Bạn đã lăn xả vào làng chứng khoán bao lâu rồi nhỉ? CophieuX chắc chắn rằng dù bạn là NĐT lão luyện hay newbie vừa gia nhập thì cũng sẽ đôi ba lần nghe đề cập đến cổ đông lớn và cổ đông nhỏ
Nhưng họ là ai nhỉ? Vì sao thân phận của họ lại quan trọng để tìm hiểu?
Việc nắm rõ cổ đông lớn và cổ đông nhỏ là quan trọng vì điều này đảm bảo rằng bạn đầu tư đúng hướng. Vì sao lại như vậy? Bởi lẽ nếu không nắm rõ cơ cấu tổ chức thì điều gì xảy ra với cổ phiếu cổ phiếu của bạn với cuộc chiến “vương quyền”?
Đã có rất nhiều bạn quan tâm về vấn đề cổ đông của công ty mình đang đầu tư. Hôm nay CophieuX xin được phép chia sẻ thông qua bài viết này nhằm giúp anh em hiểu rõ hơn như thế nào là cổ đông lớn và nhỏ trong một doanh nghiệp. Cùng theo chân tôi nhé.
Để giải đáp cổ đông lớn và nhỏ là như thế nào, chúng ta sẽ cần tìm hiểu khái niệm cổ đông là gì
I. Cổ đông thực chất là ai?
Cổ đông là cá nhân hoặc tổ chức nắm giữ quyền sở hữu hợp pháp một phần hay toàn bộ phần vốn góp. Nói theo cách đơn giản thì họ là người nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp.
Thông qua nhiều cách mà một cá nhân và tổ chức có thể bước một chân vào công ty cổ phần. Mua cổ phiếu mà doanh nghiệp chào bán trên thị trường hay góp vốn trực tiếp vào thời điểm thành lập công ty.
Cần phân biệt rõ, cổ đông không phải là chủ nợ chủ doanh nghiệp. Đây là khái niệm rất dễ nhầm lẫn. Khái niệm chủ nợ hình thành chỉ khi nào bạn nắm giữ trái phiếu của công ty phát hành. Còn cổ đông sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ gắn liền với các hoạt động của doanh nghiệp.
Nghĩa vụ phải cùng nhau thực hiện các chiến lược, chính sách hoạch định các bước phát triển của tổ chức. Song hành với nghĩa vụ là quyền lợi và lợi nhuận đạt được hoặc các quyền bỏ phiếu, biểu quyết …. đóng góp vào sự phát triển của công ty.
Hiện tại, cổ đông được chia dưới 4 hình thức sau đây:
Đầu tiên có thể kể đến là Cổ đông sáng lập. Đây là những người góp vốn vào giai đoạn đầu thành lập công ty. Theo luật doanh nghiệp quy định thì công ty cổ phần thành lập phải có ít nhất 3 cổ đông sáng lập.
Họ được xem như là người gầy dựng, đặt nền móng cho sự bắt đầu của doanh nghiệp. Từ đó, họ sẽ kêu gọi thêm những người bạn hoặc đối tác để mở rộng cũng như gia tăng tiềm lực tài chính
Cổ đông đặc biệt Chỉ nắm lượng ít cổ phần nhưng lại có quyền phủ quyết một số các quyết định quan trọng. Thường cổ đông đặc biệt sẽ là nhà nước. Những doanh nghiệp có cổ phần do nhà nước nắm giữ sẽ chịu sự kiểm soát của nhà nước đối với các hoạt động của doanh nghiệp
Cổ đông ưu đãi là những cổ đông được ưu tiên một quyền nào đó. Có thể là quyền hưởng tỷ lệ cổ tức nhất định trước khi lợi nhuận được chia cho các nhà đầu tư khác hay nhận lại giá trị của cổ phần khi có yêu cầu.
Tuy nhiên song hành với đó, họ sẽ bị hạn chế một số quyền nhất định như: quyền ứng cử vào bộ máy quản trị của công ty hay các quyền biểu quyết,….
Và cuối cùng là cổ đông thường. Những nhà đầu tư khác không nằm trong ba trường hợp trên sẽ mang tên gọi là cổ đông thường.
Khi bạn nắm giữ dù chỉ 1 cổ phiếu của công ty bạn cũng được xem là cổ đông của công ty
Và nếu tính theo tỷ lệ cổ phần mà mỗi nhà đầu tư nắm giữ, ta sẽ có khái niệm cổ đông nhỏ và cổ đông lớn
II. Vậy Cổ đông lớn là gì? Cổ đông lớn có quyền gì?
Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành.
Cổ đông lớn thường được hiểu sẽ có quyền lực hơn. Nhưng thực chất quyền lợi là như nhau trên mỗi cổ phần. Chỉ là cổ đông lớn sở hữu nhiều cổ phần và có lợi hơn trong quá trình biểu quyết một quyết định nào đó. Vì họ có được số phiếu nhiều hơn, xác suất sẽ cao hơn.
Tùy vào tỷ lệ nắm giữ 75%, 51%, 36%, 10%, 5%… mà có những quyền lợi riêng.
Ví dụ:
- Nhóm hoặc cổ đông sở hữu 75% cổ phần sẽ nắm quyền kiểm soát công ty và thông qua được mọi quyết định của công ty.
- Tuy nhiên 2 con số phổ biến và biết nói khi năm giữ cổ phần là 51% và 36%. Khi nắm giữ 51% thì được đề xuất rất nhiều quyết định và 36% là thì quyền phủ quyết các quyết định quan trọng
Mã cổ phiếu GAS do Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (100% vốn nhà nước) nắm đến 95,76%. Nên mọi quyết sách của GAS do nhà nước quyết định và chi phối!
Hiện nay thì xu hướng kêu gọi các cổ đông lớn ngày càng thịnh hành. Việc gọi mời cổ đông lớn giúp các doanh nghiệp gia tăng được tiềm lực tài chính. Đồng thời tạo lợi cạnh tranh bền vững trong thời đại cạnh tranh đang là xu hướng tất yếu hiện nay.
Gần đây thì SK Group đã quyết định rót 23.300 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD) vào Tập đoàn Vingroup. Và chính sự kiện này, SK Group đã trở thành cổ đông lớn tại Vingroup.
SK Group được biết đến là một trong những tập đoàn thương mại lớn nhất tại Hàn Quốc. Đại gia này hiện đang hạ cánh tại vị trí thứ 4 trong top 10 xứ Hàn. Thương vụ giao dịch này đã giúp Vingroup thực hiện được gần 62% công tác chào bán cổ phần riêng lẻ thông qua tại phiên họp thường niên năm 2019.
Và vào tháng 6/ 2019, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã trở thành cổ đông lớn của Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land). Bằng việc mua lại 18 triệu cổ phiếu của TTC Land trị giá 150 tỷ đồng. Với lượng cổ phiếu nắm giữ, VCSC có được 5,3% cổ phần của công ty.
III. Cổ đông nhỏ – họ là ai?
Đây là những cổ đông chỉ nắm dưới 5% cổ phần của doanh nghiệp. Thường là những nhà đầu tư cá nhân.
Những cổ đông này thường có sự lép vế hơn. Do nắm giữ ít cổ phần nên chủ doanh nghiệp cũng ít phần không kiêng nể.
Vì họ nghĩ những cổ đông nhỏ đầu tư chủ yếu chỉ vì muốn lợi nhuận cho cá nhân. Những hoạt động của doanh nghiệp cũng không mảy may quan tâm đến. Có lời không sao nhưng một khi lỗ là sẽ có tranh chấp xảy ra.
Và dần dần doanh nghiệp cũng thờ ơ các cổ đông nhỏ. Đã có nhiều trường hợp các doanh nghiệp bị đưa ra tòa do các cổ đông nhỏ cảm thấy bị chèn ép và không được tôn trọng.
Một hình ảnh minh họa về tỷ lệ cổ phần của Công ty cổ phần sữa Vinamilk. Ông hoàng trong làng kinh doanh sữa Việt Nam.
Có thấy hiện tại tổng cổ phần các cổ đông lớn nắm giữ tại Vinamilk là 1.160.467.659 tương đương với 66,63% cổ phần hiện tại của doanh nghiệp. Và 580.943.924 số lượng cổ phần mà các cổ đông nhỏ sở hữu.
IV. 2 mặt đối lập giữa các cổ đông
Cổ đông nhỏ & lớn có ảnh hưởng như thế nào đến cổ phiếu nhỉ?
Cổ phiếu của doanh nghiệp thoạt nhìn chỉ đơn thuần phản ánh các hoạt động kinh doanh của công ty trên thương trường. Các thương vụ giao dịch hay sáp nhập đều sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến mệnh giá cổ phiếu. Nhưng tồn tại trong đó là sự phản ánh các hoạt động nội bộ giữa các cổ đông lớn và nhỏ hay cả cổ đông với ban điều hành doanh nghiệp.
Một tổ chức được xem là có tiềm năng phát triển thì phải đảm bảo “trong ấm ngoài êm “. Cổ phiếu tăng đều đều nhưng nội bộ lục đục thường xuyên. Kết quả không sớm thì muộn, doanh nghiệp này cũng sẽ không cánh mà bay khỏi thị trường.
Có thể xét đến các trường hợp dưới đây:
Cuộc tranh đấu ai hơn ai giữa cổ đông lớn và nhỏ ?
Cá lớn cá bé để tồn tại trong một đại dương xanh thì những cuộc ẩu đả xảy ra như cơm bữa. Cá lớn nuốt cá bé hay cá bé mưu mô, tinh ranh hợp sức lừa cá lớn vào bẫy.
Môi trường tự nhiên là thế, thương trường kinh doanh cũng chẳng kém cạnh. Cổ đông lớn với tiềm lực tài chính vững mạnh tất nhiên “ sức nặng” tiếng nói cũng tỷ lệ thuận theo. Rất nhiều nhà cổ đông lớn dựa vào quyền thế mà chèn ép quyền lợi của cổ đông nhỏ.
Hay cổ đông nhỏ vì lợi nhuận ít mà liên kết, xách động đảo chính. Nhưng nếu lợi nhuận đều đều thì họ cũng chẳng mảy may quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì “ nhỏ” , không có sức ảnh hưởng nên họ cũng thờ ơ với doanh nghiệp.
Xét cho cùng, mục đích chính của cả hai đều là đầu tư để thu về lợi nhuận. Nhưng họ lại không nhận thức được chính những hành động mà họ gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động của doanh nghiệp. Kéo mệnh giá cổ phiếu tuột xuống thảm hại trong khi có thể hợp lực giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển.
Vì vậy các NĐT cần xem xét kỹ cơ cấu tổ chức của cổ đông trước khi quyết định xuống tay đặt lệnh cho doanh nghiệp nào đó.
Sự phân biệt đối xử cũng ảnh hưởng không ít đến giá cổ phiếu trên thị trường
Năm 2011, trước khi nghe tin DVD tuyên bố phá sản trong khi giá cổ phiếu vẫn tăng đều đều. Điều này là do các cổ đông lớn và doanh nghiệp thông đồng, lấp liếm che giấu sự thật.
Tất nhiên là họ đã tẩu thoát trước khi hung tung này được lan truyền. Để lại các cổ đông nhỏ lẻ phải đối mặt với cơn khủng hoảng. Ráo riết đặt lệnh sell nhưng có mấy ai tẩu thoát kịp. Chỉ có 4.170 cổ phiếu được thu về trong khi gần 2 triệu cổ phiếu được treo bán.
Từ chia sẻ của anh Huy (cổ đông của DVD lúc bấy giờ): “Tôi không hề biết thông tin gì từ DVD, chỉ đến lúc HOSE công bố DVD đã mở thủ tục phá sản thì hôm nào cũng canh bán nhưng không thể khớp lệnh được. Tới hôm nay 200 triệu đồng của anh chỉ là mớ giấy trắng không đáng giá một xu. DVD bán tài sản chưa chắc đủ trả cho chủ nợ, huống gì tới cổ đông”
Việc cổ đông lớn và doanh nghiệp thông đồng nhau qua mặt các cổ đông nhỏ không phải là chuyện lạ hiếm thấy trong thị trường chứng khoán đầy rẫy quy mô này.
Ví như việc tổ chức các buổi Họp đại hội cổ đông, địa điểm tổ chức xa hay các thủ tục rườm rà xác minh danh tính của các cổ đông nhỏ. Không có sức ảnh hưởng lại phải khó khăn chèo đèo đến, dần dần sự hiện diện của các cổ đông nhỏ cũng trở nên thưa thớt.
Hay mối quan hệ giữa cổ đông và doanh nghiệp
Cũng có cả trường hợp câu hỏi này được đặt ra: “Cổ đông lớn có thực sự có quyền lực? ”
Đó là những doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm tỷ lệ cao. Cổ đông lớn có hay không cũng không quan trọng vì với tỷ lệ vốn nhà nước, họ đã đủ để vận hành doanh nghiệp. Nhưng đây thực sự là tầm nhìn thiển cận. Bởi lẽ, đủ nhưng lại không dư để tiếp tục phát triển tiềm năng của doanh nghiệp.
Và với số vốn “ đủ” đó thì họ cũng chỉ ì ạch qua từng ngày. Và rồi một ngày nào đó Nhà nước thoái vốn, cổ đông lớn cũng chẳng thiết tha mà ở lại. Đến lúc này than trời cũng chẳng cứu được.
Đó là nguyên nhân của nhiều doanh nghiệp đang sở hữu mệnh giá cổ phiếu cao ngất, khi nhà nước thoái vốn thì lại tệ đến thảm hại.
Năm 2018, rộ lên sự xung đột giữa cổ đông lớn Kusto Group và Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons. Cụ thể, Coteccons dự định sẽ tiến hành hoán đổi cổ phiếu để sở hữu 100% cổ phần của Ricons
Theo ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch Coteccons chia sẻ: Nếu sáp nhập, chúng ta sẽ có 3 công ty trong top 5 công ty xây dựng lớn nhất Việt Nam”.
Hiện doanh nghiệp này đã sở hữu 100% vốn đầu tư tại Công ty THNN Đầu tư Xây dựng Unicons và 100% cổ phần Công ty TNHH Convestcons. Quan điểm của doanh nghiệp này là nếu sáp nhập với Ricons sẽ giúp Coteccons mở rộng thị trường hoạt động. Gia tăng vị thế cạnh tranh trên thị trường đồng thời thúc đẩy doanh thu, lợi nhuận
Giấc mộng ngỡ như rất đẹp này đã vấp phải sự phản đối của công đông lớn Kusto Group. Kusto Group lại cho rằng thương vụ M&A này không có chiến lược rõ ràng, không đảm bảo doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt đẹp sau khi dùng cổ phiếu để chi trả cho việc sáp nhập này.
Hiện thương vụ này sẽ không biết đi về đâu nhưng có một sự thật rõ ràng là: mối quan hệ giữa Kusto và Coteccons sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Kết quả xấu nhất nếu không đạt được sự đồng thuận từ hai phía thì khả năng cao đường ai nấy đi sẽ xảy ra.
Thông qua bài viết này, CophieuX tin rằng bạn đã nắm rõ được như thế nào là cổ đông lớn và nhỏ cũng như những ảnh hưởng của chúng đến với mệnh giá cổ phiếu.
Từ lâu, cổ đông lớn và nhỏ luôn là con dao hai lưỡi tồn tại trong mỗi doanh nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động tốt hay kém phụ thuộc rất lớn bởi tác động của các cổ đông.
Là một NĐT thì việc am hiểu doanh nghiệp là quan trọng. Nhưng bên cạnh đó, nắm rõ cấu trúc hoạt động của mỗi doanh nghiệp cũng cần thiết. Điều này sẽ giúp bạn đảm bảo quyền lợi của mình cũng như nắm bắt được xu hướng đầu tư hiện nay.
Điều cần chú ý đối với NĐT cá nhân
Khi bạn đầu tư chứng khoán, với góc độ NĐT cá nhân, thì 99,99% là nhà đầu tư nhỏ; do đó bạn cần:
- Tránh những công ty mà cổ đông lớn, ban lãnh đạo thiếu trung thực, khi lấy quyền lợi mình để làm giàu cho bản thân họ và thiệt hại túi tiền chúng ta.
- Tránh những công ty nội bộ xào xáo.
- Tránh những công ty ban lãnh đạo nắm giữ tỷ lệ cổ phiếu quá lớn, kiểu gia đình trị.
- Tránh những công ty có ban lãnh đạo nắm quá ít cổ phiếu, khi kết quả hoạt động kinh doanh ít phụ thuộc vào kết quả họ nhận, nên họ dễ làm bậy, không cố gắng hay vì lợi ích cá nhân riêng.