Giá tham chiếu sàn UPCOM, HoSE và HNX là mốc tham chiếu để ta đặt giá mua cổ phiếu được Chuẩn Nhất. Tuy nhiên nó cũng có những lắt léo, mà nhiều nhà đầu tư không biết, do đó gây thiệt hại khi mua hoặc bán cổ phiếu.
Cách tính giá tham chiếu sàn UPCOM, HOSE, HNX lại quy định lại khác nhau giữa các sàn – nhất là giá tham chiếu sàn UPCOM khác 2 sàn còn lại.
Nhà đầu tư cũng nhầm lẫn Giá tham chiếu này với giá đóng cửa và mở cửa. Lẫn lộn giữa Giá tham chiếu Ngày không hưởng quyền là khác biệt so với thông lệ. Dễ khiến người mới mua hớ, và mất 1 số tiền không đáng có.
Ngoài ra, xung quanh việc Giá Tham Chiếu sàn Upcom, Hose, và sàn HNX lại có những câu chuyện dở khóc dở cười.
Bài viết này, Ngọ xoắn tay áo lên, để cùng bạn hành trình bóc tách và tìm hiểu thông tin chi tiết về giá tham chiếu, và cách tính giá tham chiếu sàn Upcom, và những câu chuyện lạ đời về giá tham chiếu.
I.Giá tham chiếu sàn Upcom, HOSE, HNX là gì?
Giá tham chiếu sàn Upcom, HoSE, HNX – là một mức tham khảo, một mức giá cơ sở để giúp nhà đầu tư quyết định mua bán cổ phiếu, trong phạm vi biên độ quy định của nó.
Và thông thường, đa số khởi đầu ngày cổ phiếu sẽ khớp ở mức giá tham chiếu này. Tuy nhiên luôn có trường hợp không thông thường, chúng ta cũng sẽ giải quyết trong bài này.
1.Cách tính giá tham chiếu sàn Upcom
Cách tính giá tham chiếu sàn Upcom được tính bằng trung bình gia quyền giao dịch ngày gần nhất.
Ở đây, chỉ xét lô chẵn thôi. Tại thời điểm hiện tại, lô chẵn quy định là số lượng cổ phiếu giao dịch chia hết cho 100. Bạn mua hoặc bán 100, 300, 1000 là lô chẵn; bạn mua ít hơn 100 được quy định là lô lẻ. Những gì bạn thấy trên bảng điện tử là lô chẵn đấy.
Giả định thứ 3 (20/06) có các giao dịch sau:
- 100 cổ phiếu – được mua bán giá 20.000 đồng
- 200 cổ phiếu – được mua bán giá 19.500 đồng
- 400 cổ phiếu – được mua bán giá 21.000 đồng
Thì giá tham chiếu sàn Upcom, là giá trung bình cộng có trọng số các mức giá trên, cụ thể giá tham chiếu thứ 4 (21/06) là:
(20.00 X 100 + 19.500 X 200 + 21.000 X 400 )/ (100 +200 +400) = 20.428 đồng!
Con số được làm tròn xuống thành 20.400 đồng!
Do đó, giá tham chiếu sàn Upcom ngày thứ 4 (21/06) là 20.400 đồng.
2.Cách tính giá tham chiếu sàn HOSE, HNX
Ở Việt Nam, có 3 sàn phổ biến để anh chị mua cổ phiếu là Upcom, Hose, HNX – ngoài ra còn có sàn OTC. Hãy nghĩ các sàn giống như các chợ để mua bán thôi, bạn mua cổ phiếu ở đâu cũng được.
Thông thường, đối với giá tham chiếu sàn HOSE, HNX là giá cuối ngày (giá đóng cửa) của ngày giao dịch gần nhất.
Ví dụ: Giá đóng cửa thứ 3 (20/06) là 15.400 đồng/cổ phiếu. Thì giá tham chiếu thứ 4 (21/06) sẽ là 15.400 đồng/cổ phiếu.
Rõ ràng, việc tính giá tham chiếu sàn HOSE, sàn HNX rõ ràng đơn giản hơn hẳn so với cách tính giá tham chiếu sàn Upcom.
Ngoài ra, đối với sàn OTC – không hề có giá tham chiếu. Cái này giống như mua bất động sản hơn, gặp nhau ngoài đời, tự chào giá, tự trả giá. Khi 2 bên thấy thuận mua vừa bán là giao dịch, giống bán nhà vậy thôi.
II.Biên độ dao động với mức giá tham chiếu
Đối với những cổ phiếu trên sàn chứng khoán, bạn chỉ được mua trong phạm vi biên độ dao động một ngày so với giá tham chiếu. Giá tham chiếu hôm nay là 20.000 đồng, thì bạn chỉ có thẻ mua xung quanh mức giá này, cụ thể:
Ở sàn HOSE, Biên độ dao động là 7%. Tức là bạn có thể mua mức giá sàn: 20.000 – 7% X 20.000 =18.600 đồng. Giá Trần là: 20.000 + 7% X 20.000 đồng = 21.400 đồng. Do đó, bạn chỉ đặt giá trong phạm vi 18.600 – 21.400
Tương tự sàn HNX, biên độ dao động là 10%. Nên, bạn có thể đặt giá trong đoạn 18.000-22.000
Còn giá tham chiếu sàn Upcom là 20.000 đồng, và biên độ sẽ là 15%. Nên bạn đặt giá trong đoạn 17.000 đến 23.000 đồng!
Tóm lại, Biên độ giá tham chiếu 3 sàn HOSE, HNX, UPCOM lần lượt là 7%, 10%, 15%
Bài học từ biên độ và giá tham chiếu
Vì biên độ dao động sàn Upcom là 15% so với giá tham chiếu lớn nhất – nên nó cũng có thể xem là sàn có rủi ro nhất, dễ lỗ nhiều. Và cũng là sàn có cơ hội nhất đối với nhà đầu tư lướt sóng, dễ lời nhiều.
Theo lý thuyết trong 1 ngày, khi mua cổ phiếu sàn Upcom – và thực tế đôi khi diễn ra mua giá sàn và bán giá trần, hoặc ngược lại:
Trường hợp tích cực – bạn mua giá 17.000 đồng và bán giá 23.000 đồng, bạn lãi 6.000 đồng, tương ứng 6.000/17/000 = 35,3%
Nhưng quá đen cho bạn, bạn mua giá 23.000 đồng và bán giá 17.000 đồng. Bạn lỗ 6.000 đồng, tương ứng lỗ 6.000/23.000 = 26.1%
Cho nên trong đầu tư, nếu bạn lỗ 26.1% thì bạn phải lãi đến 35.3% mới hòa vốn!
Bạn lỗ 50% thì cần lãi gấp 2 mới hòa vốn. Và nếu bạn lỗ 90%, thì bạn phải lãi 900% mới hòa vốn! Do đó, mà Warren Buffett luôn lưu ý câu nói bất diệt:
Nguyên tắc số 1: Không được để mất tiền,
Nguyên tắc số 2: Không quên nguyên tắc số 1.
Giá tham chiếu sàn Upcom, HoSE, HNX trên bảng điện.
Khi bạn nhìn trên bảng điện tử, bạn sẽ thấy giá tham chiếu sẽ có màu vàng.
Khi bạn thấy giá tăng cao hơn giá tham chiếu sẽ hiển thị màu xanh, và nếu cao nhất tối đa một ngày sẽ là giá trần sẽ hiển thị màu tím.
Khi giá cổ phiếu giảm điểm, thấp hơn giá tham chiếu sẽ hiển thị màu đó, và giảm đến giới hạn tối đa là giá sàn – hiển thị màu xanh lơ.
Giá trần – giá sàn là giá biến động ở mước độ tối đa trong biên độ một ngày như ta xem xét ở trên ấy.
III.Những điều “không thông thường” của giá tham chiếu
Xin lỗi, Ngọ phải nói hầu hết nhà đầu tư đều là gà trong đầu tư – và đó cũng là hình ảnh của Ngọ trong quá khứ. Cách đây 10 năm, cũng có những quả đi vào lòng đất, thua và buồn thúi ruột. May mắn, Ngọ tiến hóa nhanh và có được thành quả tuyệt vời.
Chúng ta ít thua lỗ vì những thứ thông thường, mà thua lỗ vì những thứ không thông thường. Ngọ chia sẻ bạn vài điều ngoại lệ sau:
-
Giá tham chiếu lần đầu niêm yết.
Giá tham chiếu ngày đầu giao dịch thường do công ty tính toán, để được tối ưu nhất, thông thường giá này không rẻ, không phù hợp với cả phân tích cơ bản – vì thiếu thông tin. Cũng không phù hợp với lướt sóng, vì thiếu biểu đồ đánh giá tin cậy.
Ta để ý biên độ dao động so với giá tham chiếu rất là cao, từ 20%-40% tùy sàn, trong khi thông thường là 7%-15%.
Do đó, nó cũng rủi ro và phần thưởng nhiều hơn. Thông thường rủi ro nhiều hơn.
-
Giá tham chiếu sàn Upcom, HoSE, HNX trong ngày không hưởng quyền
Khi bạn mua cổ phiếu bạn có quyền được hưởng cổ tức, mua cổ phiếu ưu đãi (Ngọ hay đùa, thông thường là ngược đãi), thì trong ngày không hưởng quyền, giá tham chiếu sàn Upcom, Hose, HNX sẽ không theo cách thông thường!
Chúng ta xem xét 2 trường hợp sau, để có giá tham chiếu phù hợp. Lưu ý: Bản chất 3 sàn này giống nhau.
Trường hợp 1: Theo cách thông thường
Nếu giá đóng cửa sàn HOSE, HNX, hoặc giá bình quân gia quyền sàn Upcom thứ 3 (20/06) là 20.000 đồng – thì giá tham chiếu ngày tiếp theo thứ 4 (21/06) là 20.000 đồng.
Trường hợp 2: Công ty có trả cổ tức là 2.000 đồng/cổ phiếu
Nếu ngày thứ 4 (21/06) là ngày không hưởng quyền – ai mua trước ngày này (từ 20/06 trở về trước) và nắm giữ sẽ được hưởng nhận 2.000 đồng cổ tức.
Thì ngày không hưởng quyền này giá tham chiếu sẽ điều chỉnh giảm tương ứng mức cổ tức được nhận. Vậy giá tham chiếu mới thay vì 20.000 đồng trong trường hợp thông thường, thì giá tham chiếu mới sẽ là 18.000 đồng.
Hiểu nôm na nguyên tắc cân bằng: Bạn mua 20.000 đồng thì bạn nhận 2.000 đồng, tôi mua 18.000 đồng thì không nhận 2.000 này. Xét về mặt toán học thì như nhau.
Bạn có thể hiểu sâu sắc hơn trường hợp này khi đọc bài: Cổ tức là gì? Hiểu về cổ tức từ A-Z chi tiết.
Nhưng có 1 cái bẫy nhỏ chỗ này, nhiều bạn không để ý chỗ này nên mất tiền oan! Bạn thấy giá đóng cửa sàn HOSE, HNX hôm trước hoặc bình quân Upcom hôm trước là 20.000 đồng.
Bạn biết đây là giá tham chiếu hôm sau và bạn đặt mua giá 19.000 đồng. Bạn hi vọng đặt mua rẻ hơn 1.000 đồng.
Tuy nhiên giá tham chiếu mới trong trường hợp này là 18.000 đồng – nên bạn mua 19.000 đồng là mua hớ 1.000 đồng (so với tính toán của bạn).
-
Giá tham chiếu – nhưng mất ý nghĩa của giá tham chiếu
Đối với nước phát triển như Mỹ, người ta thường sẽ không có biên độ dao động so với mức giá tham chiếu. Hãy nghĩ đơn giản giá tham chiếu là mức giá cơ sở hoặc mức giá tham khảo thôi.
Trong bất động sản, người mua bán nhà thường tham chiếu theo kiểu cách đây 2 tháng tôi mua cái nhà 5 tỷ, giờ muốn bán 5,5 tỷ. Hoặc ước chừng so với nhà ông hàng xóm bán… Thuận mua vừa bán.
Cho nên giả sử ở Mỹ, thấy kiểu gian lận tài chính, hoặc biến cố xấu xảy ra, một cổ phiếu có thể giảm 50%-60% một ngày, hoặc tăng có thể gấp đôi trong 1 ngày.
Vì ở Việt Nam có biên độ dao động là quanh giá tham chiếu. Nên có điều gì đó “lớn lao” xảy đến cả tiêu cực hoặc tích cực – đáng lẽ nên giảm/tăng 50%, thì vì biên độ dao động 7%-15% thì cần cả 5-10 phiên mới đến giá mục tiêu mới.
Do đó, vừa tốn thời gian – vừa kém thanh khoản không ai mua – người ta mua để kéo giá về mục tiêu mới thôi. Ta xem xét cổ phiếu Novaland:
Rõ ràng giá tham chiếu không có ý nghĩa trong trường hợp này.
Bài học Ngọ muốn chia sẻ với anh chị: Công ty lớn không có nghĩa là cổ phiếu tốt. Và tất nhiên công ty nó không đồng nghĩa cổ phiếu xấu. Và luôn cẩn thận khi mua cổ phiếu.
IV.Vai trò của giá tham chiếu
Ông bà ta nói có ưu thì có được, còn dân đầu tư thì Ngọ nói có được thì sẽ có mất. Miễn sao cái phần được nó nhiều hơn thì ta chọn thôi.
Đặc biệt với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam thì rất cần giá tham chiếu. Bởi lẽ:
70%-80% số tiền giao dịch ở thị trường Việt Nam là của nhà đầu tư cá nhân. Mà cá nhân thì thường ít kiến thức và tâm lý dễ bầy đàn hơn. Nên dễ biến động.
Việc có mốc giá cổ phiếu tham chiếu và biên độ dao động khiến cho tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn, giảm sự phấn khích quá mức khi cổ phiếu tăng trần, và hoảng loạn khi cổ phiếu giảm sàn.
Bởi Ngọ chứng kiến, chỉ cần nhà đầu tư mất tiền, thị trường đỏ, thì mặt số động xanh tái, sợ sệt. Còn mà cổ phiếu tím (tăng trần) thì thấy nó “ngon hơn một cặp môi gần” – mượn ý thơ Xuân Diệu.
V.Chia sẻ thêm của Ngọ về cổ phiếu
Ngay cả Warren Buffett cũng sẽ có những thời điểm giống bạn bây giờ, nhiều khi phải hiểu những thuật ngữ đơn giản nhất như Giá tham chiếu sàn Upcom, HoSE, HNX… dạng như vậy.
Bạn cũng vậy, do đó, bạn mới đọc bài này để hiểu hoặc kiểm tra thông tin. Cách đây hơn 10 năm – Ngọ cũng vậy thôi. Từng chút, từng chút một.
Tuy nhiên, cũng như bất cứ ngành nghề nào cũng có những khó khăn và cạm bẫy riêng của nó, và người thành công – Ngọ tạm gọi là kiếm được tiền bền vững trên thị trường sẽ luôn là thiểu số. Bởi nó dễ dàng thì ai cũng giàu rồi, chẳng ai đi làm thuê đâu…
Ngọ viết bài này, trong 1 quán cà phê phố cổ… và Ngọ hay chia sẻ với mọi người rằng:
Bạn uống cà phê đó là đầu tư, bạn đi du lịch hay chăm sóc con cái đó là đầu tư, đừng có suốt ngày đắm chìm với tin tức, diễn đàn hay bảng giá.
Chứng khoán rất nhàn – nếu bạn hiểu nguyên lý.
Định lý Sturgoen nói rằng: 90% của mọi thứ đều là vớ vẩn, kể cả môi giới, những bài viết, hay thầy dạy chứng khoán. Bạn chỉ cần theo 1-2 người hợp ý bạn và giúp bạn thế là đủ. Bạn không thể vươn xa, nếu đọc và nghe những người tầm thường – tính Ngọ có phần ngạo mạn nhưng thực tế.
Ngọ có dạy chứng khoán, sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, chi phí thua lỗ và nhàn hạ ngay lập tức. Tuy nhiên bạn muốn đọc sách thì có thể vào kho sách của Ngọ tải sách chứng khoán về đọc nhé. Ngọ đọc mỗi năm tầm 50 cuốn sách đó!