Ngọ là nhà đầu tư! Nhiều bạn muốn hiểu về lợi thế cạnh tranh là gì? Cần Ngọ cho ví dụ về lợi thế cạnh tranh sao cho đơn giản nhất.
Ngọ “thấy sao sao” khi nhiều người thích đánh giá về lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp. Nhưng bản thân họ chẳng có lợi thế cạnh tranh so với người khác. Đa phần lương cũng chẳng nhiều, chức vụ cũng chẳng cao (nếu làm thuê) hay không có công ty riêng.
Điều này, Ngọ cảm giác thiếu “da thịt trong trò chơi”. Tức ta hay bàn những thứ đâu đâu mà không tập trung vào bản thân cá nhân.
Lợi thế cạnh tranh – Mối quan hệ giữa đầu tư và cuộc sống
Ừ, thì nhà đầu tư phải biết về lợi thế doanh nghiệp. Khi chỉ số ROE >= 15% trong suốt nhiều năm chứng tỏ doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh.
Tuy nhiên ở góc độ con người – chúng ta nên tôn vinh hành động làm hơn là nói. Thử hỏi lợi thế cạnh tranh bạn là gì?
Câu nói: “Ăn khoai lang nói chuyện thế giới” hay mệnh đề ngược lại: “Nếu bạn không nói chuyện thế giới thì mãi ăn khoai lang”. Đây là 2 góc nhìn vừa bổ sung vừa ngược chiều nhau.
Chúng ta hiểu lợi thế cạnh tranh là gì? Điều đó sẽ giúp chúng ta nhận diện được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp bạn đang làm, nhận diện được lợi thế cạnh tranh doanh nghiệp mình định đầu tư.
Ở góc độ cá nhân, thì bạn hiểu được lợi thế cạnh tranh là gì, bạn sẽ nhận diện được lợi thế cạnh tranh của mình khi xây dựng sự nghiệp, thậm chí đi tán gái hoặc tạo ra lợi thế riêng.
Thằng ít tiền đi cua gái xinh, mà cứ “xòe tài chính” ra. Thì cứ hát mãi ca khúc: Đời tôi cô đơn.
Đối với Ngọ, cuộc sống là đầu tư, và đầu tư là cuộc sống.
Vì sự liên kết này, nên khi tìm hiểu những mảng miếng của kinh tế học, Ngọ thực sự thấy thú vị khi không chỉ nhìn nó ở góc cạnh kinh tế, đầu tư mà còn cả cuộc sống cá nhân nữa.
Lợi thế cạnh tranh là gì?
Lợi thế cạnh tranh đề cập đến các yếu tố cho phép một công ty sản xuất hàng hóa, dịch vụ tốt hơn hoặc rẻ hơn so với các đối thủ của mình.
Những yếu tố này cho phép công ty tạo ra nhiều doanh thu hơn hoặc tỷ suất lợi nhuận vượt trội so với các đối thủ trên thị trường.
Michael Porter (1985) lần đầu chính thức trình bày thuật ngữ này, ông mô tả như sau:
“Lợi thế cạnh tranh nằm ở trung tâm hiệu quả trên thị trường cạnh tranh. Tuy nhiên, sau một vài thập niên phát triển mạnh mẽ, nhiều doanh nghiệp đã đánh mất tầm nhìn về lợi thế cạnh tranh trong cuộc đua tăng trưởng và theo đuổi đa dạng hóa. Ngày nay, tầm quan trọng của lợi thế cạnh tranh là rất lớn.
Doanh nghiệp trên toàn thế giới đang phải đối mặt với mức tăng trưởng chậm hơn cũng như sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ trong nước và toàn cầu trong khi chiếc bánh thị phần không còn đủ lớn cho tất cả”.
Các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều khái niệm khác nhau, sau đây là là một số định nghĩa khác:
Kay, 1999: “Một năng lực đặc biệt trở thành một lợi thế cạnh tranh khi được áp dụng trong một ngành công nghiệp hoặc được đưa ra một thị trường”
Barney, 1991: “Một doanh nghiệp được cho là có lợi thế cạnh tranh khi thực hiện được một chiến lược tạo ra giá trị mà không đối thủ hiện tại hay tiềm năng nào có thể thực hiện được”.
Besanko, Dranove và Shanley, 2000: “Khi một doanh nghiệp có được tỉ suất lợi nhuận kinh tế cao hơn tỉ suất lợi nhuận kinh tế bình quân của các doanh nghiệp khác trong cùng một thị trường, thì doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trong thị trường đó”
Nói đơn giản, theo cách Ngọ hay hiểu là:
“Lợi thế cạnh tranh là cái tôi có nhưng ông không có, hoặc ông khó bắt chước. Và nó mang lại giá trị cho tôi.”
Ví dụ về lợi thế cạnh tranh
Ví dụ về lợi thế cạnh tranh của Vinamilk
Bản thân Ngọ, khi viết bài này – Ngọ có nắm cổ phiếu trong danh mục!
Tất nhiên, với cách đầu tư của Ngọ giống mô hình quỹ, khác với nhà đầu tư cá nhân, mua ít mã. Ngọ sở hữu tương đối nhiều mã so với 1 nhà đầu tư bình thường. Vinamilk có 1 số lợi thế cạnh tranh sau:
- Vinamilk là một thương hiệu mạnh, thương hiệu nổi tiếng.
Năm 2021, Vinamilk là đại diện duy nhất của khu vực Đông Nam Á trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu với vị trí thứ 8/10. Hiệu ứng thương hiệu Vinamilk được định giá gần 2,4 tỷ USD.
Chính vì vậy đem lại cho công ty rất nhiều lợi thế trong việc đưa một sản phẩm mới tới thị trường, khách hàng và người tiêu dùng.
- Thị phần trong nước lớn.
Ước tính tới cuối năm 2020, Vinamilk vẫn chiếm thị phần cao nhất ngành sữa với 43,3%. Nếu tính thêm cả Mộc Châu Milk (công ty con Vinamilk), 2 doanh nghiệp này chiếm hơn 45% thị trường trong nước.
Điều này sẽ đảm bảo lợi nhuận bền vững cho Vinamilk!
- Hoạt động phân phối, nguyên liệu và sản phẩm
Hệ thống phân phối phủ khắp, giúp hoạt động tiêu thụ sản phẩm của công ty, phân phối hàng hóa được đảm bảo thuận lợi nhất.
Có hệ thống nhà máy sản xuất và vùng nguyên liệu sạch và lớn. Nhiều sản phẩm đa dạng trên nhiều phân khúc thị trường.
Ví dụ về lợi thế cạnh tranh của Shoppee, Lazada, Tiki
Ngọ cũng hay thường lên các trang thương mại điện tử để mua hàng, sàn Ngọ mua nhiều nhất là Tiki, và sản phẩm là sách!
Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh của các sàn thương mại, không phải ở góc nhìn của Ngọ hay của bạn. Một ví dụ về lợi thế cạnh tranh trong mắt khách hàng, có thể xem là lợi thế của chính các trang thương mại trên.
Báo cáo thương mại điện tử mới đây của Qandme chỉ ra rằng, Shopee đang chiếm ưu thế về giá cũng như đa dạng mặt hàng. Trong khi đó, Tiki lại được đánh giá cao về độ tin cậy của khách hàng.
Cụ thể, điểm đa dạng sản phẩm (53%); giá tốt (44%); giao hàng tốt (39%) và thông tin hữu ích (42%) của Shopee đều áp đảo hai đối thủ xếp dưới là Tiki và Lazada. Lợi thế của Tiki đến từ điểm hàng cao cấp, độc đáo (33%) và đáng tin cậy (33%).
Xét ở góc độ học thuật, thì Ngọ xem đây là thế mạnh giữa các sàn hơn là lợi thế cạnh tranh.
Ví dụ về lợi thế cạnh tranh của cá nhân nhà đầu tư
Chúng ta ai cũng có những điểm mạnh hơn bạn bè, đồng nghiệp mình và đồng nghĩa sẽ có điểm yếu hơn so với họ. Và điều ta cần là phát huy điểm mạnh này!
Nếu một người cái gì cũng giỏi hơn, mạnh hơn một người – từ học vấn, tính cách, kiếm tiền, quan hệ, kỹ năng…đều hơn ta. Đừng lo lắng, khi đó ta sẽ áp dụng lợi thế cạnh tranh tương đối. Ngọ sẽ trình bày ở phần lợi thế tương đối bên dưới.
Mà cuộc đời này, ta cạnh tranh với 100 triệu dân Việt Nam và 7 tỷ dân toàn cầu. Bạn sẽ luôn tìm được vị trí mà bạn có lợi thế cạnh tranh.
Ví dụ: Con người có 8 loại trí thông minh, dựa vào thuyết đa thông minh của Howard Gardner (ĐH Harvard):
- Trí thông minh logic- toán học
- Trí thông minh không gian
- Trí thông minh vận động
- Trí thông minh tương tác giao tiếp
- Trí thông minh nội tâm
- Trí thông minh thiên nhiên
- Trí thông minh ngôn ngữ
- Trí thông minh âm nhạc
Do đó, để lợi thế cạnh tranh ta có giá trị, ta nên chọn nơi sống, nghề nghiệp mà ta có phát huy được sở trường; hoặc do đối thủ yếu hơn.
Hồi trước, khi Ngọ chia sẻ những kiến thức về tài chính, thì thực sự không nhiều người viết – đó có thể là có chút: “Đại dương xanh”.
Tuy nhiên khi nhiều tổ chức tài chính, với lượng bơm tiền khổng lồ nhảy vào cuộc chơi. Họ thuê mấy em ít kinh nghiệm, kiểu sinh viên mới ra trường viết nội dung thì bài viết của Ngọ sẽ tụt hạng google xuống.
Thậm chí nhiều bạn giỏi công nghệ thông tin, SEO, rồi sử dụng boot để copy dán thì Ngọ sẽ không bằng.
Nhiều bài viết của Ngọ bị copy, đôi khi copy toàn bộ. Ngọ thừa nhận, kiến thức là sự chuyển giao của quá khứ về hiện tại, là sự học tập. Ngọ sẽ không phát triển được nhờ sách – nhưng ít nhất nó phải thể hiện văn phong của mình.
Hồi xưa, Ngọ viết kiểu mang tính đơn giản mà hàn lâm, do đó giờ Ngọ để chặng bớt người copy, Ngọ viết theo hướng cá nhân hóa.
Vì thứ nhất: nó có văn phong, cái hồn của mình; thứ 2: nó xác định trình độ của mình so với những người cùng ngành. Đó là cách để biết lợi thế cạnh tranh của mình đối với đối thủ.
Các loại lợi thế cạnh tranh là gì?
Theo Michael Porter, có 2 loại lợi thế doanh nghiệp cạnh tranh cơ bản:
- Lợi thế chi phí
- Lợi thế khác biệt
– Lợi thế chi phí: Công ty mang lại những lợi ích tương tự như các đối thủ của mình nhưng ở mức chi phí thấp hơn. Do đó, khách hàng mua hàng vì giá sản phẩm thấp hơn đối thủ.
– Lợi thế khác biệt: công ty mang lại những lợi ích vượt xa các sản phẩm cạnh tranh. Do đó, khách hàng mua khi doanh nghiệp có sự khác biệt mà khách hàng đánh giá cao.
Ngoài ra, các nhà nghiên cứu và Porter cũng thêm vào 1 chiến lược cạnh tranh mới
Lợi thế tập trung
Chiến lược tập trung lý tưởng là doanh nghiệp cố gắng nhắm đến một vài thị trường mục tiêu hơn là cố gắng nhắm đến mục tiêu tất cả mọi người.
Chiến lược này thường được sử dụng cho các doanh nghiệp nhỏ hơn vì họ không đủ các nguồn lực hoặc khả năng thích hợp để nhắm mục tiêu lớn.
Chiến lược tập trung bao gồm các phân đoạn theo địa lý, nhân khẩu học, hành vi và thực tế.
Bằng cách thu hẹp thị trường xuống các phân khúc nhỏ hơn, các doanh nghiệp có thể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Porter tin rằng một khi các doanh nghiệp đã quyết định họ sẽ nhắm mục tiêu vào nhóm nào, thì điều cần thiết là phải quyết định xem họ sẽ áp dụng phương pháp dẫn đầu về chi phí hay phương pháp khác biệt hóa
Porter đề cập rằng điều quan trọng là không sử dụng cả 3 chiến lược chung chung vì có khả năng cao là các công ty sẽ không đạt được chiến lược nào. Điều này có thể được gọi là “bị mắc kẹt ở giữa”, và doanh nghiệp sẽ không thể có lợi thế cạnh tranh.
Thêm vào đó, kinh tế học không chỉ dừng lại ở đó mà còn tiếp tục 3 lợi thế:
Lợi thế của người tiên phong
Người/doanh nghiệp đầu tiên áp dụng một số sản phẩm hoặc cách tiếp cận mới để có được lợi thế cạnh tranh chỉ vì chưa ai làm. Lợi thế như vậy có thể xảy ra nếu doanh nghiệp có thể giành được thị phần lớn hơn của thị trường có sẵn, khi họ hiện là duy nhất.
Do đó, khi các đối thủ cạnh tranh đã bắt chước theo, người tiên phong có thể đã đạt được lợi thế về quy mô hoặc sự công nhận thương hiệu để duy trì lợi thế của mình.
Có những công ty đã hoạt động tốt khi lần đầu tiên tham gia vào một thị trường mới. Nhưng cũng nhiều người bắt chước nhanh chóng đã có thể vươn lên dẫn đầu, ngay cả khi khởi đầu muộn.
Những người mới bắt chước sau này có thể tránh được những sai lầm của người tiên phong – do đó tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Lợi thế dựa trên thời gian
Có những doanh nghiệp mà thời gian là một lợi thế cạnh tranh. Trong thời buổi ngày nay, thời gian có thể xem tương ứng như giá cả.
Ví dụ, thời gian tung sản phẩm mới ra thị trường có thể rất quan trọng trong lĩnh vực thời trang và công nghệ cao, nơi vòng đời sản phẩm ngắn.
Trong những trường hợp khác, khả năng giao hàng nhanh chóng hoặc chính xác là quan trọng. Nhiều khách hàng sẽ trả nhiều tiền hơn để được giao hàng nhanh chóng và đáng tin cậy.
“Nhất cự ly nhì tốc độ” – 1 câu thành ngữ đã thể hiện rõ điều này, trong cả kinh doanh lẫn cuộc sống.
Lợi thế dựa trên công nghệ
Những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ có thể có những tác động quan trọng trong cạnh tranh.
Một trong những lợi thế dựa vào công nghệ là sự đổi mới, đổi mới dựa vào công nghệ để tạo lợi thế cạnh tranh – điều quan trọng hơn cả đó là biết cách khai thác công nghệ.
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter
Trong kinh doanh, hay trong cuộc sống lợi thế cạnh tranh không hoàn toàn là bất bại, vì nhiều yếu tố.
Trước đây Vinasun, có lượng Taxi phủ khắp Sài Gòn và không đối thủ, nhưng từ khi taxi công nghệ xuất hiện, Vinasun kinh doanh đi xuống, thậm chí thua lỗ, mã chứng khoán trên sàn là VNS.
Mô hình 5 áp lực cạnh tranh được đề cập sách “Competitive Strategy: Techniques for Analyzing Industries and Competitors” (Chiến Lược Cạnh Tranh – Những Kỹ Thuật Phân Tích Ngành Công Nghiệp Và Đối Thủ Cạnh Tranh) vào năm 1980. Gồm:
- Đối thủ cạnh tranh trong ngành
- Tiềm năng của những doanh nghiệp mới tham gia vào ngành
- Sức mạnh nhà cung cấp
- Sức mạnh khách hàng
- Nguy cơ, đe doạ từ các sản phẩm thay thế
Áp lực cạnh tranh được xem là những yếu tố môi trường làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp, hay tác động xấu đến bạn.
P/S: Có 1 thằng đẹp trai tán người yêu của bạn – đó là 1 áp lực cạnh tranh trong tình trường.
Ta xem xét từng yếu tố:
Đối thủ cạnh tranh trong ngành:
Số lượng đối thủ cạnh tranh: Số lượng càng nhiều thì dù họ là cá yếu thì vẫn rỉa miếng bánh của ta bình thường.
Ta phải tốn tiền và nguồn lực để đối chọi. Kiến đông thì vẫn giết voi như thường.
Ở doanh nghiệp, thì số lượng đối thủ càng nhiều – đồng nghĩa với số lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp trên thị trường càng nhiều.
Sức mạnh của doanh nghiệp chúng ta sẽ càng giảm đi, vì khách hàng có nhiều lựa chọn và nhiều mức giá.
Chất lượng đối thủ cạnh tranh: Trâu bò đánh nhau thì bên thắng cũng chảy máu, giống như thị trường thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee – cứ choảng nhau suốt.
Đối thủ càng mạnh thì doanh nghiệp của ta càng tốn nhiều nguồn lực.
Bài học: Ta lựa chọn nơi mà càng ít đối thủ cạnh tranh, hoặc đối thủ cạnh tranh yếu thì càng dễ kiếm ăn.
Ví dụ: Điện máy Xanh, khi thị trường còn phân mảnh với nhiều đối thủ nhỏ thì họ lại mở hệ thống lớn chiếm thị phần và lợi nhuận.
Cho nên ở góc độ tạo lợi thế cạnh tranh, thì về quê cũng có thể là lựa chọn tốt, nếu bạn hơn những người ở quê – khỏi cần ở Sài Gòn hay Hà Nội.
Tiềm năng của những doanh nghiệp mới tham gia vào ngành
Hoa thơm thì ong bướm nhiều, người yêu mà xinh thì phải chấp nhận nhiều thằng đến cua.
Trong kinh doanh, thị trường mà thơm ngon thì sẽ có nhiều doanh nghiệp mới gia nhập ngành.
Do đó, những ngành mà chi phí hoặc nỗ lực để thâm nhập thị trường ít thì càng nhiều doanh nghiệp muốn tham gia.
Ngược lại, nếu chúng ta xây dựng được những rào cản gia nhập bền vững và chắc chắn, thì hoàn toàn có thể bảo toàn vị trí thuận lợi. Tận dụng được lợi thế một cách hợp lý.
Cái này ngài Warren Buffett gọi là “moat” – pháo đài (con hào kinh tế)!
Bài học cuộc sống: Làm điều dễ chưa chắc đã dễ vì nhiều người sẽ gia nhập.
Làm điều khó có khi lại dễ vì người khác sẽ tốn thời gian và nỗ lực nhiều hơn.
Sức mạnh nhà cung cấp
Nhà cung cấp là đầu vào của doanh nghiệp nên ảnh hưởng đến chi phí, khi nhà cung cấp tăng chi phí thì lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm.
Dựa vào số lượng nhà cung cấp:
Càng ít nhà cung cấp trong ngành thì công ty càng phải lệ thuộc nhà cung cấp. Ngược lại, khi có nhiều nhà cung cấp thì công ty có thể đàm phán cố định chi phí đầu vào thấp, từ đó nâng cao lợi nhuận của mình.
Chất lượng nhà cung cấp:
Khi đi họp đại hội cổ đông PNJ, khi PNJ mới gia nhập vào bán đồng hồ.
Đối với những thương hiệu lớn, tức là những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao; thì PNJ ít được ưu đãi hơn. Còn những doanh nghiệp đồng hồ ít tiếng tăm hơn thì được chiết khấu nhiều hơn, ưu đãi hơn.
Do đó, sản phẩm nhà cung cấp càng độc đáo, thương hiệu càng mạnh thì doanh nghiệp chúng ta phải chịu chi phí càng cao.
Trong kinh doanh, điều này không quá lạ, vì bản chất kinh doanh là vậy và Michael Porter cũng đã chia sẻ:
Bài học: Bạn càng phụ thuộc vào ai đó mạnh, thì bạn càng khó quyết định được cuộc đời.
Tiền do Sugar Daddy cung cấp, thì phải sống cuộc sống của Sugar Baby!
Sức mạnh khách hàng
Số lượng khách hàng:
Nếu số lượng khách hàng nhỏ, điều này có nghĩa khách hàng sẽ có nhiều quyền lực hơn để thương lượng về giá cả và chất lượng sản phẩm.
Ngược lại, công ty có nhiều khách hàng thì sẽ dễ dàng tính giá sản phẩm cao hơn, từ đó gia tăng được lợi nhuận.
Chất lượng khách hàng:
Bạn để được nhập hàng vào siêu thị, bạn sẽ phải chiết khấu nhiều hơn so với kênh bán lẻ truyền thống.
Bạn của Ngọ từng nhập hàng vào Siêu Thị BigC – nhưng vì doanh nghiệp nhỏ, nên không có lời, thậm chí bù lỗ cho kênh này, mục đích là để lấy danh tiếng: “Sản phẩm tôi cung cấp tại siêu thị”.
Chất lượng khách hàng càng cao thì công ty sẽ tốn bao nhiêu chi phí để tìm ra khách hàng cho sản phẩm của mình?
Bài học: Bạn có nhiều công ty muốn bạn vào làm việc, hay nhiều chàng theo đuổi bạn, thì bạn sẽ có giá cao hơn.
Nguy cơ, đe doạ từ các sản phẩm thay thế
Buổi sáng ta có thể ăn phở hoặc ăn bún, sau đó ta uống trà hoặc cà phê.
Rõ ràng: bún, phở hay trà, cà phê là các sản phẩm thay thế nhau. Do đó, những người cung cấp bún, phở hoặc công ty cung cấp trà, cà phê có thể chịu áp lực cạnh tranh thay thế nhau.
Nên sản phẩm chúng ta càng ít thứ có thể thay thế thì ta càng có giá và tăng sức mạnh doanh nghiệp. Ngược lại, nếu chúng ta có nhiều thứ thay thế thì ta sẽ sức mạnh ta sẽ dễ thay thế.
Bài học: Hãy trở thành người khó thay thế – dựa vào kỹ năng, hiểu biết, kinh nghiệm, tính cách, tiền tài, nhân cách – thì bạn càng được giá.
Liên hệ từ doanh nghiệp đến cuộc sống:
Một doanh nghiệp tạo dựng được lợi thế cạnh tranh tốt sẽ có được lợi nhuận bền vững.
Doanh nghiệp ấy sẽ tăng trưởng ổn định theo thời gian, và giảm được các áp lực cạnh tranh của thị trường.
Con người cũng vậy, nếu ta không có lợi thế cạnh tranh trong cuộc sống, thực sự cuộc đời sẽ rất nhiều áp lực.
Và tiếp sau, Ngọ viết cách để tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và bản thân. Dựa trên nền kiến thức học thuật – đã được đơn giản hóa – để thành kiến thức thực nghiệm và kiến thức đường phố.
Là một người thích dấn thân, và luyện tập – Nên Ngọ cảm giác hứng thú khi viết phần tiếp theo.
Lợi thế cạnh tranh tuyệt đối là gì? Ví dụ về lợi thế cạnh tranh tuyệt đối.
Đây là khái niệm do nhà kinh tế học vĩ đại Adam Smith đưa ra. Nếu bạn học các ngành kinh tế, bạn sẽ thấy nó được đưa vào môn Kinh tế học vĩ mô.
Ta sẽ cùng xem 1 minh họa:
Dựa vào phương trình cân bằng năng lực lao động, ta thấy:
- Ở Mỹ: 2 ô tô = 1 Thùng rượu, và mỗi người Mỹ sản xuất được số xe gấp 4 lần Pháp
- Ở Pháp: 6 thùng rượu = 1 ô tô , và mỗi người Pháp sản xuất được số rượu gấp 3 lần Mỹ
Do vậy:
- Mỹ có lợi thế tuyệt đối so với Pháp về sản xuất xe ô tô.
- Pháp có lợi thế tuyệt đối so với Mỹ về sản xuất rượu nho.
Định nghĩa: Lợi thế tuyệt đối (absolute advantage) là khái niệm dùng để chỉ trường hợp một nước có khả năng sản xuất ra lượng sản phẩm lớn hơn các nước bằng lượng đầu vào giống nhau.
Nếu tự cung tự cấp:
- Nếu có 2 người Mỹ, vừa sản xuất ô tô và rượu thì sẽ được: 4 ô tô và 2 thùng rượu.
- Nếu có 2 người Pháp, vừa sản xuất ô tô và rượu thì sẽ được: 1 ô tô và 6 thùng rượu.
- Tổng cộng cả 2 nước sẽ là: 5 ô tô và 8 thùng rượu.
Bây giờ ta chuyên môn hóa:
- 2 người Mỹ chỉ chuyên sản xuất ô tô thì sẽ được là 8 ô tô.
- 2 người Pháp chỉ chuyên sản xuất rượu thì sẽ được 12 thùng rượu.
- Tổng cộng cả 2 nước sẽ là: 8 ô tô và 12 thùng rượu
Do đó, ta trao đổi nhau và ý tưởng chuyên môn hóa sẽ giúp cho đôi bên cùng có lợi. Thay vì ban đầu ở Mỹ: 2 ô tô = 1 thùng rượu thì bây giờ sẽ là 2 ô tô = 3 thùng rượu; còn bên Pháp ban đầu 6 thùng rượu = 1 ô tô thì bây giờ 6 thùng rượu = 4 ô tô!
Ở đây ý tưởng chuyên môn hóa sẽ giúp ích cho cả 2 quốc gia trên. Mở rộng ra, chuyên môn hóa sẽ giúp ích cho tất cả các quốc gia, doanh nghiệp, và cá nhân dựa vào thế mạnh và lợi thế tuyệt đối của mình.
Bài học ở đây: Ngọ giỏi về hoạt động nghiên cứu, đầu tư và dạy học, còn bạn giỏi về kỹ sư, kiến trúc, xây dựng.
Do đó, Ngọ tập trung vào hoạt động mình giỏi và thuê bạn giúp Ngọ hoạt động kỹ sư, xây dựng. Còn bạn tập trung vào hoạt động kỹ sư và thuê Ngọ cho hoạt động nghiên cứu, đầu tư, dạy học.
Đây là hình thái chuyên môn hóa, để tối ưu hóa! Làm thứ giỏi nhất và thuê phần còn lại!
Lợi thế so sánh – Lợi thế tương đối là gì? Ví dụ về lợi thế cạnh tranh tương đối.
Đây là lý thuyết được David Ricardo (1772 – 1823) người Anh được coi là cây “đại thụ” của kinh tế chính trị học cổ điển đưa ra. Nó là sự bổ sung cho lý thuyết lợi thế tuyệt đối.
Ban đầu 2 lý thuyết trên được ứng dụng cho kinh tế học vĩ mô, tức là ở chủ thể đất nước. Tuy nhiên ta sẽ ví dụ lợi thế cạnh tranh tương đối này trong hoạt động con người.
Ta sẽ cùng xem 1 minh họa về giá tiền công lao động:
Nhìn vào minh họa, ta thấy cái gì Ngộ cũng giỏi hơn Ngố:
- Công việc nghiên cứu thì Ngộ làm được 10 đồng còn Ngố chỉ làm được 3 đồng
- Công việc sửa điện thì Ngộ làm được 5 đồng còn Ngố chỉ làm được 4 đồng.
Nếu bạn là Ngộ, điều đó thật tuyệt vời, bạn có quyền lựa chọn nhiều hơn. Nếu bạn là Ngố thì cũng đừng mà xoắn lên. Chúng ta sẽ vận dụng lợi thế so sánh!
Ngộ sẽ làm 2 giờ nghiên cứu và nhận 20 đồng. Nếu Ngộ 1 giờ sửa điện, 1 giờ nghiên cứu chỉ nhận 15 đồng. Ngộ sẽ tập trung nghiên cứu!
Ngố sẽ làm 2 giờ sửa điện và nhận được 8 đồng, thay vì 1 giờ nghiên cứu và 1 giờ sửa điện chỉ là 7 đồng! Ngố sẽ tập trung sửa điện!
Sự khác biệt này do đánh đổi về chi phí cơ hội.
Vậy ta có nhận xét:
- Ngộ có lợi thế tương đối so với Ngố về công việc nghiên cứu.
- Ngố có lợi thế tương đối so với Ngộ về công việc sửa điện.
Khi nói về lợi thế tương đối (lợi thế so sánh) và minh họa ở trên, về lý thuyết:
- Khi A1/B1 > A2/B2: Thì Ngộ sẽ có lợi thế tương đối với Ngố về mặt hàng A, và Ngố sẽ có lợi thế tương đối với Ngộ ở mặt hàng B.
- Khi A1/B1 < A2/B2: Thì vai trò sẽ đảo ngược, Ngố sẽ có lợi thế tương đối mặt hàng A, còn Ngộ có lợi thế tương đối mặt hàng B.
Ví dụ về lợi thế cạnh tranh tương đối Jordan & thợ sơn:
Michael Jordan là một ngôi sao bóng rổ người Mỹ nổi tiếng. Jordan có chiều cao ấn tượng và thể lực tốt nên có thể sơn nhà nhanh chóng.
Giả sử, Jordan có thể sơn nhà trong 6 giờ. Nhưng nếu trong khoảng thời gian đó, anh ta có thể đóng quảng cáo và kiếm 50.000 USD.
Ngược lại, Joe có thể sơn nhà trong 10 giờ. Trong cùng khoảng thời gian đó, anh ta có thể làm việc tại một nhà hàng thức ăn nhanh và kiếm được 100 USD.
Dù Jordan có sơn nhà nhanh hơn, nhưng trong việc sơn nhà người có lợi thế so sánh lại là Joe. Xét về lợi ích kinh tế, một cuộc trao đổi có lợi nhất là Michael đi đóng quảng cáo, kiếm 50.000 USD và trả Joe 100 USD (hoặc thậm chí 200-400 USD) để Joe sơn nhà.
Bài học: Nếu bạn cái gì cũng giỏi, hãy chọn cái tạo giá trị nhất làm và thuê cho các hoạt động còn lại.
Nếu bạn không giỏi, hãy làm thứ mà người giỏi họ không làm, bạn sẽ có lợi thế so sánh với người giỏi ở đây.
Nhược điểm chính của lợi thế tuyệt đối, và lợi thế tương đối: Lý thuyết này là ứng dụng cho hoạt động kinh tế vĩ mô, để tạo lợi thế cạnh tranh giữa các quốc gia.
Bởi vì chỉ có 200 quốc gia, nó bị ngăn cách giữa lợi ích kinh tế, hàng rào thuế quan, cấm vận, chiến tranh…
Nên về nguyên lý, tất cả các quốc gia sẽ phải sản xuất hầu hết các ngành, không thể chuyên môn hóa hoàn hảo được – và chỉ có thế mạnh ở một số mặt hàng, như Việt Nam là nông sản, dệt may, lao động…
Còn các quốc gia như Mỹ, Nhật là công nghệ, vốn…
Tuy nhiên, ở góc độ con người – Việt Nam có tới 100 triệu dân, thế giới có 7 tỷ dân.
Việc chuyên môn hóa sẽ tạo lợi ích lớn hơn khi ta xác định được lợi thế tuyệt đối, hay so sánh của mình. Và Ngọ thấy hứng khởi vì điều này.
Cách tạo lợi thế cạnh tranh cho cá nhân và doanh nghiệp!
Chúng ta đã đi qua phần hiểu lợi thế cạnh tranh là gì. Hiểu về các loại lợi thế cạnh tranh, lợi thế tuyệt đối và lợi thế so sánh. Suy cho cùng đối với con người mục đích của việc học là để áp dụng cho công việc, cho doanh nghiệp và cho cá nhân.
Vì là Ngọ thích nghiên cứu, trải nghiệm, dấn thân – nếu ai đó nói biết mà không làm thì xem là không biết.
“Kiến thức mà không áp dụng được là kiến thức chết” – Do Thái.
Không cần phải hoàn hảo 10/10, miễn là ta tốt hơn so với chính ta đã là NGỘ của việc hiểu biết. Nếu trước đây ta 1/10 giờ lên được 2/10 đã là tốt!
Theo dữ liệu của World Inequality Database (WID), giai đoạn 1995-2021: Top 1% giàu nhất chiếm 25,5% tài sản, Top 10% giàu nhất nắm 58,6% tài sản, và 50% nghèo nhất nắm 5,6% tài sản.
Cuộc sống là cuộc chơi mà phần thưởng là cá chép hóa rồng. Cuộc sống giống như chơi cờ vua, cờ tướng ta tập trung nâng trình độ elo (năng lực) của mình theo thời gian.
Cho nên, ta cần tận dụng lợi thế cạnh tranh của mình để thoát top % ta đứng hiện tại và vươn lên top tốt hơn tiếp theo. Hấp dẫn nhất là top 1%!
Ở góc độ doanh nghiệp: Ta có thể tập trung tạo lợi thế cạnh tranh dựa vào: Sản phẩm, Giá cả, chi phí, hoạt động phân phối, hoạt động quảng bá, con người, dựa vào quy trình, dựa vào chăm sóc khách hàng, công nghệ, máy móc thiết bị, thương hiệu…
Chúng ta chỉ tập trung vào 1-2-3 cái lõi, phần còn lại ở mức trung bình. Còn cái gì chúng ta cũng muốn hết thì ta thành ra tầm tầm bậc trung.
Ở góc độ con người: Hãy tập trung làm những việc mình giỏi nhất, sinh ra giá trị nhất đừng lan man. Ta có thể luyện tập để trở nên tốt hơn, khi đó ta từ lợi thế so sánh thành lợi thế tuyệt đối.
Ngay cả bản thân Ngọ, Ngọ xác định 2 lĩnh vực Ngọ tập trung là dạy học và đầu tư. Và tất cả các hoạt động Ngọ chỉ xoay quanh 2 điều trên! Do đó, Ngọ sẽ có thể cạnh tranh.
Ở góc độ đầu tư, Buffett từng chia sẻ vấn đề này với cụm từ: Vòng tròn năng lực
Và đây là cách để tạo nên 1 gia tài khổng lồ!
Hãy làm điều giỏi nhất, thứ còn lại ta thuê và mua!
Dù đó là kiến thức chứng khoán, hay đó là xây nhà!