Mô hình đầu tư CANSLIM là gì? Thực Chiến cụ thể TTCK Việt Nam

Mô hình CANSLIM là gì? Phương pháp đầu tư CANSLIM nó như thế nào? Bộ lọc CANSLIM có gì đặc biệt? Chia sẻ các tài liệu về CANSLIM?

Đó là những câu hỏi đặc trưng mà CophieuX nhận được của nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường!

Phương pháp CANSLIM là gì?

CANSLIM là một chiến lược giao dịch theo thị trường tăng giá để xác định các cổ phiếu có tiềm năng tăng giá cao.

Phương pháp này sử dụng 7 tiêu chí để chọn cổ phiếu, mỗi tiêu chí được thể hiện bằng một trong các chữ cái trong tên chiến lược (CANSLIM ).

Phương pháp CANSLIM là một phương pháp đơn giản, và cũng được nhiều NĐT sử dụng. Đặc biệt là mới bạn môi giới hay công ty chứng khoán.

CANSLIM = Đầu tư tăng trưởng + Phân tích kỹ thuật

CANSLIM = Phân tích cơ bản  + Phân tích kỹ thuật

Thực tế áp dụng trên TTCK Việt Nam, CophieuX – Ngọ nhận xét: Bất cứ phương pháp nào cũng có ưu điểm, và nhược điểm đi kèm.

Không nhất thiết bạn phải vào Võ Đang, Thiếu Lâm để đứng đầu thiên hạ; mà bạn cố gắng thành trưởng môn phái khác thì bạn cũng thuộc hàng cao thủ rồi.

Không cần thiết phải thành Buffett Việt Nam. Bạn cứ là chính bạn nhưng kiếm được tiền từ chứng khoán, và sống vui vẻ, tự tại là tuyệt vời rồi!

Banner-11-2023-Uy-thac-dau-tu-tu-van-chung-khoan

CANSLIM là một phương pháp đầu tư tốt, và nếu bạn hiểu đúng và vận dụng tốt, chắc hẳn bạn sẽ thành công.

Trong nghề nhiều năm, CophieuX – Ngọ nhận thấy:

Không ít NĐT kiếm được rất nhiều tiền nhờ hiểu và vận dụng đúng phương pháp CANSLIM. Đồng thời cũng không ít NĐT mất tiền vì không hiểu rõ và vận hành sai mô hình CANSLIM. Phương pháp khác cũng vậy luôn.

Mô hình CANSLIM là gì?Tổng quát về CANSLIM

 Mô hình phương pháp đầu tư CANSLIM gồm 7 tiêu chí ứng với mỗi chữ cái trong từ CANSLIM

  1. C: Current Quaterly Earnings Per Share (Lãi ròng trên mỗi cổ phiếu của quý gần nhất)
  2. A: Annual Earnings Increases (Lãi ròng tăng hàng năm)
  3. N: New Products, New Management, New Highs (Sản phẩm mới, sự quản lý mới, mức giá trần mới)
  4. S: Supply and Demand (Cung và cầu)
  5. L: Leader and Laggard (Cổ phiếu dẫn đầu và cổ phiếu tụt hậu)
  6. I: Institutional Sponsorship (Sự gia tăng của các định chế tài chính)
  7. M: Market Direction (Xu hướng thị trường)

Trước khi đi vào chi tiết hơn, bạn có thể tạm hiểu CANSLIM:

CANSLIM = C (Lãi quý) + A (Lãi năm) + N (Yếu tố mới) + S (Cung cầu) + L (CP đầu bảng) + I (Tổ chức mua) + M  (Xu hướng thị trường)

Lịch sử Mô hình CANSLIM

Không ít NĐT tư duy theo kiểu “ăn xổi ở thì”, nên 90% sẽ thua lỗ – thậm chí là bản thân bạn khi đọc bài viết này.

CophieuX- Ngọ hy vọng: Nếu bạn trở thành fan của phương pháp CANSLIM thì bạn cũng hiểu nguồn gốc của nó.

CANSLIM đã được phát triển từ thập niên 1950 bởi Wiliam O’Neil. Sau này khi đã thành công, ông không phát triển mình trở thành quản lý quỹ, mà trở thành chủ tờ báo chuyên về tài chính, dựa vào CANSLIM.

Ưu và nhược điểm của phương pháp CANSLIM

Nhược điểm

Theo phương pháp CANSLIM, bạn cần nghiên cứu tỉ mỉ thị trường hàng ngày vì sự đảo ngược xu hướng có thể xảy ra vào bất kỳ ngày nào.

Các cổ phiếu tăng trưởng cao nhất trên thị trường thường có biến động rất nhanh. Việc đầu tư vào các cổ phiếu biến động nhanh cũng sẽ gặp rủi ro khá lớn.

Cổ phiếu sẽ lên nhanh và giảm giá nhanh, thậm chí tốc độ giảm giá còn nhanh hơn khi tăng giá. Nếu không nhanh chóng bán cổ phiếu hay không thể bán được cổ phiếu, các trader theo phương pháp CANSLIM sẽ bị thua lỗ đáng kể.

Ưu điểm

Phương pháp CANSLIM đặc biệt phổ biến đối với các nhà đầu tư tăng trưởng. Về cơ bản, CANSLIM là hệ thống các quy tắc, giúp các nhà đầu tư có lộ trình đầu tư rõ ràng.

Việc đầu tư có phương pháp rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư an tâm hơn. Nhất là khi thị trường chứng khoán biến động liên tục hàng ngày. O’neil – cha đẻ của phương pháp CANSLIM đã từng nói:

“Mua một cổ phiếu mà không biết khi nào hoặc tại sao bạn nên bán nó giống như mua một chiếc xe không có phanh, hoặc ở trong một chiếc thuyền không có đồ bảo hộ tính mạng, hoặc tham gia các bài học bay dạy bạn cách cất cánh nhưng không thể hạ cánh.”

TRƯỚC khi vào Chi tiết về phương pháp CANSLIM, CophieuX liệt kê Top 5 quyển sách CANSLIM TIẾNG VIỆT 100% & Link tải miễn phí:

  1. Làm Giàu Qua Chứng Khoán
  2. Kiếm Tiền Bằng Cách Đầu Tư Chứng Khoán
  3. Nhà đầu tư thành công
  4. Làm Giàu Từ Chứng Khoán
  5. 24 Bài học sống còn để đầu tư thành công trên thị trường chứng khoán

Cụ thể hơn về CANSLIM

Ngay phía trên, Ngọ đã chia sẻ: CANSLIM = C (Lãi hiện tại) + A (Lãi năm) + N (Yếu tố mới) + S (Cung cầu) + L (CP đầu bảng) + I (Tổ chức mua) + M  (Xu hướng thị trường).

Ta đi vào chi tiết:

Tiêu chí 1 CANSLIM: C = Thu nhập hiện tại (Current Earnings)

Tiêu chí này được hiểu: Tăng trưởng lợi nhuận của những quý hiện tại (càng cao càng tốt so với quý cùng kỳ năm trước.

Cụ thể:

  • Tăng trưởng lợi nhuận quý gần nhất so với quý cùng kỳ năm trước: >=20%. Càng cao càng tốt.
  • Tăng trưởng lợi nhuận quý gần nhì so với quý cùng kỳ năm trước: >=20%. Càng cao càng tốt.

Ví dụ: So sánh quý 2/2021 so với quý 2/2020. Nếu mức tăng trưởng EPS là 16%, thì cổ phiếu đó sẽ không đạt ngưỡng 20%. Dựa vào phương pháp CANSLIM, ta sẽ LOẠI công ty này trong danh mục đầu tư của mình.

Ngoài ra, bạn cần chú ý thêm:

  • Sự tăng trưởng doanh thu: Tìm kiếm những công ty tăng trưởng doanh thu >=20% hoặc cao hơn. Không nên mua các cổ phiếu mà hiện tại chưa có lợi nhuận hoặc làm ăn thua lỗ.
  • Lợi nhuận/Vốn sở hữu >= 17%. Những công ty có chỉ số ROE tốt thể hiện đây là những công ty được quản lý tốt, có lợi thế cạnh tranh và quản lý tốt.
  • Một cái bẫy khác khi đề cập đến lợi nhuận là lợi nhuận đột biến. Lợi nhuận đột biến đến từ bán tài sản cố định như máy móc, nhà xưởng…chẳng hạn. Điều này sẽ làm tăng EPS hiện tại, có thể đánh lừa các trader về tốc độ tăng trưởng của EPS.
    Những lợi nhuận đột biến thường chỉ xuất hiện 1 lần nên cần trừ ra khi tính EPS hiện tại của công ty. NĐT nên nhớ: lợi nhuận phải đến từ những hoạt động cốt lõi, kinh doanh của doanh nghiệp.

Các NĐT giá trị coi chỉ số P/E như một công cụ cơ bản để đánh giá cổ phiếu có giá trị để mua và bán. Trong khi theo CANSLIM, P/E không liên quan nhiều đến quyết định nên mua hay bán cổ phiếu. P/E chỉ là kết quả chứ không phải nguyên nhân.

Nhiều cổ phiếu P/E cao lại tiếp tục tăng giá, trong khi P/E thấp lại tiếp tục rớt giá. Do đó theo phương pháp CANSLIM, không nên mua cổ phiếu chỉ vì tỷ lệ P/E thấp.

Tại sao nó lại cần thiết?

Không phải ngẫu nhiên yếu tố đầu tiên của CANSLIM là Thu nhập quý hiện tại, để đánh giá một cổ phiếu có nên mua vào hay không?

Một sự tăng trưởng thu nhập lớn sẽ thu hút phần đông NĐT cả cá nhân, lẫn tổ chức tham gia, kéo theo việc tăng giá mạnh. Do đó phương pháp CANSLIM, tập trung vào những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất.

Yêu cầu mức tăng trưởng >=20%. Tốt nhất là 25% trở lên, tăng trưởng càng cao càng tốt! Cao, cao lên nữa, cao lên mãi!

Tuy nhiên bạn cần đánh giá xem xét sự tăng trưởng đó có thật sự không? Hay nhờ Tôn Ngộ Không biến phép để có một báo cáo tài chính đẹp! Nhằm gây hại cho NĐT cá nhân thiếu kiến thức & kinh nghiệm

Nên bạn cần doanh nghiệp phải tăng trưởng cả doanh thu và phải đến từ các hoạt động cốt lõi.

Tiêu chí 2 CANSLIM: A = Tăng trưởng lợi nhuận hàng năm (Annual Earnings Increases)

Bất kỳ công ty nào đều có thể báo cáo mức lợi nhuận cao vào thời điểm nào đó. Nếu chỉ nhìn vào tốc độ tăng trưởng của EPS quý hiện tại so với quý cùng kỳ năm trước là chưa đủ.

Tiêu chí 2 là đảm bảo cho sự tăng trưởng bền vững và thật của doanh nghiệp

Theo phương pháp CANSLIM, bạn nên tìm kiếm những cổ phiếu có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của EPS trong 3 năm qua phải từ 25% trở lên.

Ví dụ: Một công ty năm đầu có lợi nhuận 4 đồng/ cổ phiếu, 5 đồng/ cổ phiếu ở năm tiếp theo, 6 đồng/ cổ phiếu ở năm tiếp theo, 2 đồng/ cổ phiếu ở năm tiếp nữa và 2,5 đồng/ cổ phiếu ở năm sau đó.

Báo cáo lợi nhuận của năm tiếp theo là 2,5 đồng/ cổ phiếu so với năm trước đó 2 đồng/ cổ phiếu thì vẫn không phải là bản báo cáo tốt mặc dù tăng 25%.

Tiêu chí bổ sung:

  • Đảm bảo ROE >=17%
  • Lợi nhuận công ty đạt đến kỷ lục mới trong quý gần nhất/ năm gần nhất

Tại sao điều này lại cần thiết?

Một công ty có thể cắt giảm chi phí hoặc các biện pháp “phù thủy” để tăng thu nhập trong một, hai quý.

Tuy nhiên để tăng thu nhập trong 2-3 năm sẽ rất khó, tiêu chí 2 này đảm bảo doanh nghiệp tăng trưởng do nội tại của chính bản thân nó.

Sự che giấu đối với những vấn đề tiềm ẩn nhưng nguy hại như sản phẩm, tỷ suất lợi nhuận, thị trường…sẽ khó khả thi.

Do đó, hãy đảm bảo cổ phiếu bạn mua có sự tăng trưởng nhiều năm cao trong nhiều năm. Ít nhất cũng phải 4 quý gần nhất.

Lưu ý là Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm 20-25% là tối thiểu. Mức tăng trưởng là 50%, thậm chí là 100% và cao hơn nữa càng tốt.

Tiêu chí 3 CANSLIM: N = Sản phẩm mới, Ban quản lý mới, Mức cao mới (New Products, New Management, New Highs)

Tiêu chí này để đảm bảo doanh nghiệp phải có những yếu tố mới, để doanh nghiệp bứt phá hoặc một mức giá mức cao mới

  • Sản phẩm hay dịch vụ MỚI dẫn đầu, hoặc thay đổi ngành công nghiệp để đảm bảo doanh nghiệp tăng trưởng mạnh cả doanh thu & lợi nhuận
  • Một nhà lãnh đạo mới (CEO) MỚI, hoặc xu hướng công nghiệp mới có lợi cho công ty.
  • Mức giá cổ phiếu cao MỚI

Tại sao tiêu chí này lại cần thiết?

Những nhà đầu tư trên thị trưởng chứng luôn dễ dàng: “Tiễn cái cũ & Tậu cái mới”. Do đó họ luôn hướng đến tương lai, tìm kiếm những công ty theo kịp thời đại trong “trò chơi” này.

Ví dụ: McDonald’s với quyền cấp phép cung cấp đồ ăn nhanh giá rẻ, từ năm 1967 đến 1971 đã đem về cho cổ đông của công ty lợi nhuận 1.100%.

Với một môi trường kinh doanh thay đổi mạnh mẽ, hoặc thay đổi hoặc sẽ chết. Chu kỳ của doanh nghiệp cũng sẽ có SINH – LÃO – BỆNH- TỬ, tức là Khai sinh – Phát triển – Trưởng thành & Lụi tàn.

Doanh nghiệp sẽ chỉ phát triển nếu được tái tạo và những yếu tố mới (mô hình kinh doanh, sản phẩm, CEO mới) theo kịp thời đại. Ví dụ sự thoái vốn nhà nước trong các công ty quốc doanh…

Hoặc cổ phiếu này có bứt phá từ mô hình giá đã ổn định hoặc leo lên một mức cao mới. Nhằm đảo bảo cổ phiếu không có những NĐT đu đỉnh trước chờ thời điểm hòa vốn để bán, và cổ phiếu sẽ tăng giá hơn.

Nếu còn phân vân liệu cổ phiếu có đáp ứng tiêu chí “mới” của CANSLIM hay không, NĐT cần tự hỏi là liệu yếu tố mới này có đủ liên quan để tác động đáng kể đến giá cổ phiếu hay không. Nếu câu trả lời là “ Không” thì nên loại công ty này khỏi danh mục đầu tư của mình.

Tiêu chí 4 CANSLIM: S = Cung – Cầu cổ phiếu (Supply and Demand): NĐT gia tăng nhu cầu mua cổ phiếu.

Lý thuyết cung và cầu là một trong những nguyên lý cơ bản của kinh tế. Ở cấp độ cơ bản nhất, lý thuyết cho rằng khi có nhiều cầu hơn cung, giá cả sẽ tăng và khi có nhiều cung hơn cầu, giá sẽ giảm.

Tiêu chí CANSLIM này đảm bảo: Những cổ phiếu tốt rồi cũng cần nhu cầu thị trường mua nó.

  • Đầu tư vào cổ phiếu có thanh khoản nhưng có lượng cổ phiếu cổ phiếu lưu hành không nhiều, nhưng có lượng cầu lớn.
    Bởi vì lượng cầu không cần quá lớn có thể đẩy giá lên cao, và nếu lớn thì cổ phiếu càng tăng nhanh hơn, do đó những cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa sẽ được đánh giá cao hơn
  • Mua khi giá bứt phá tăng lên kèm theo khối lượng giao dịch tăng tối thiểu 40-50% khỏi nền tảng so với 20 -50 phiên trung bình giao dịch trước đó.
  • Một số dấu hiệu CophieuX khuyến nghị là chất xúc tác giúp tăng cầu cổ phiếu: Nội bộ mua vào, hay công ty mua cổ phiếu quỹ, tổ tức mua vào…

Tại sao điều này lại cần thiết?

Theo quy luật cung cầu có sẵn trên thị trường chứng khoán, nếu có nguồn cung hạn chế + lượng cầu mạnh mẽ thì giá cổ phiếu sẽ đẩy lên cao. Ngược lại tình trạng thừa cung cổ phiếu và cầu thấp thì giá cổ phiếu sẽ giảm.

Ví dụ: DQC (Bóng đèn Điện Quang) – có số lượng cổ phiếu đang lưu hành là 27 triệu cổ phiếu. Trong khi đó VNM (Vinamilk) có số lượng cổ phiếu lưu hành là 2 tỷ cổ phiếu.

Do đó, khi dòng tiền tìm đến, thì DQC sẽ dễ dàng tăng giá nhanh hơn so với VNM.

Cách để đo nhu cầu cổ phiếu là xem xét khối lượng giao dịch trung bình hằng ngày. Hãy tìm những ngày mà khối lượng giao dịch cổ phiếu cao hơn hoặc thấp hơn so với trung bình.

Lưu ý: Cổ phiếu tăng mạnh + Khối lượng giao dịch tăng đột biến, điều đó cho thấy nhu cầu lớn. Do các quản lý quỹ tương hỗ, nhà đầu tư lớn, hoặc nhóm lớn cá nhân đồng thuận và họ ráo riết mua vào cổ phiếu => giá cổ phiếu tăng cao.

Tóm lại, quy luật cung và cầu là một yếu tố cần để ý trong phương pháp CANSLIM. Cổ phiếu có tính thanh khoản thấp và ban lãnh đạo tự tin mua lại cổ phiếu là tiêu chí của chữ S trong phương pháp CANSLIM này.

Tiêu chí 5 CANSLIM: L= Cổ phiếu dẫn đầu hay Cổ phiếu đội sổ (Leader or Laggard)

Theo phương pháp CANSLIM, NĐT nên mua cổ phiếu của các công ty thực sự lớn, các công ty đứng đầu trong ngành nghề đó, sản phẩm của công ty đứng ở vị trí số 1 trong lĩnh vực của nó.

Tiêu chí gồm:

  • Cổ phiếu xếp hạng hàng đầu trong nhóm ngành của nó.
  • Thuộc TOP 20% những cổ phiếu tăng giá nhiều nhất trong 52 tuần
  • Giá cổ phiếu gần ở mức cao nhất trong 52 tuần của nó.

Lưu ý thêm: Lúc thị trường giảm điểm, những cổ phiếu nào không giảm hoặc giảm ít (tính theo %) là tín hiệu tốt).

Tuy nhiên cổ phiếu cũng cần đảm bảo những tiêu chí khác trong 7 tiêu chí CANSLIM.

Tại sao điều này lại cần thiết?

Trong chứng khoán, mọi thứ đều tương đối. Những nhà đầu tư lớn không chỉ tìm kiếm các cổ phiếu tốt, mà họ còn muốn tìm thứ tốt nhất trong trong số những sản phẩm tốt nhất.

Họ tìm kiếm những sản phẩm có thu nhập và doanh thu tăng trưởng bùng nổ và hợp thời. Họ chuyển tiền vào các công công ty chất lượng đó, với sức mua lớn giá cổ phiếu sẽ tăng nhanh.

Những cổ phiếu tăng trưởng (C & A), bởi yếu tố mới (N), kích hoạt lượng cầu (S) sẽ đẩy giá cổ phiếu cao hơn (L).

Ngoài ra, bạn không nên mua những cổ phiếu đang đi xuống mặc dù giá rẻ. Những cổ phiếu giảm giá nhiều nhất thường là những cổ phiếu yếu kém nhất.

Theo CANSLIM, bạn hãy chỉ tập trung vào các cổ phiếu dẫn đầu và những cổ phiếu có giá tăng lên những mức giá mới trong vòng khoảng 3 tháng.

Tiêu chí 6 CANSLIM: I = Sự ủng hộ của các định chế tài chính, quỹ, nhà đầu tư lớn (Institutional Sponsorship): Theo chân người khổng lồ.

Để đảm bảo sự đồng thuận của các nhà đầu tư lớn, như một dấu hiệu xác nhận chất lượng. Đặc biệt hơn điều này được thực hiện với những tổ chức (ngân hàng, công ty bảo hiểm, các tổ chức từ thiện, giáo dục…) uy tín và hiệu quả vượt trội thị trường.

Cụ thể:

  • Số lượng quỹ sở hữu cổ phiếu gia tăng trong các quý gần đây.
  • Sự nắm giữ của các nhà đầu tư nước ngoài vượt trội so với 1-3 năm trước.
  • Khối lượng giao dịch trung bình tăng. Bạn nên mua cổ phiếu có khối lượng giao dịch từ vài chục ngàn cổ phiếu mỗi phiên.
  • Nội bộ bán ra, hay quỹ bán ra, số lượng quỹ giảm là một tín hiệu xấu.

Tại sao cổ đông là các tổ chức lại rất quan trọng?

Các tổ chức có nhiều chuyên môn và nguồn lực hơn các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đầu tư từ tổ chức mang lại điềm báo tốt cho một công ty. Đây là bằng chứng cho thấy sự tín nhiệm từ những người am hiểu thị trường vào công ty đó (ít nhất là hơn so với các nhà đầu tư nhỏ lẻ).

Nếu một cổ phiếu mà không có bất kỳ nhà đầu tư tổ chức nào mua thì cơ hội tăng giá của cổ phiếu đó là không nhiều.

Tuy nhiên, KHÔNG phải tất cả các tổ chức đầu tư đều có ý nghĩa giống nhau. Cần phải phân tích chất lượng của các nhà đầu tư tổ chức

Tiêu chí 7 CANSLIM: M = Xu hướng của thị trường (Market Direction)

Ngay cả khi một cổ phiếu đáp ứng 6 tiêu chí của phương pháp CANSLIM, nếu trader định hướng sai lầm về hướng thị trường, trader đó có thể sẽ bị mất tiền.

Tiêu chí 7: Ta nên mua cổ phiếu khi thị trường đi lên & khi thị trường giảm ta nên thực hiện phòng thủ.

Cụ thể:

  • Thực hiện mua mới chỉ trong một xu hướng thị trường đang tăng (uptrend)
  • Hãy hành động phòng thủ, giảm tỷ trọng khi thị trường bắt đầu suy yếu

Tại sao điều này lại cần thiết?

Xem xét đánh giá xu hướng thị trường là điều quan trọng. Theo nhiều cách thì chữ M trong hệ thống CANSLIM – xu hướng thị trường- là quan trọng nhất.

Theo phương pháp CANSLIM, cần nghiên cứu tỉ mỉ thị trường hàng ngày vì sự đảo ngược xu hướng có thể xảy ra vào bất kỳ ngày nào.

Không nên quá tin tưởng vào các dự đoán của nhà phân tích thị trường, chuyên gia hay nhà dự đoán. Nhiều khi, các nhà phân tích thị trường tuyên bố thị trường có xu hướng tăng thì các chuyên gia lại nghi ngờ và không chắc về điều này.

Một cổ phiếu đạt 6 tiêu chí CANSLIM nhưng thiếu M, tức là xu hướng thị trường chung đang giảm – Sẽ rất khó cổ phiếu tăng giá cao, dù đó là cổ phiếu tốt.

75% cổ phiếu sẽ đi theo xu hướng chung của thị trường. Thị trường chung chúng ta được biết đến ở đây là chỉ số Vn-Index

Nói ngắn gọn: Nếu bạn mua một cổ phiếu khi thị trường đang tăng mạnh, bạn có 75% khả năng đúng. Nhưng nếu bạn mua cổ phiếu khi thị trường đang trong xu hướng giảm, bạn có tới 75% khả năng sai.

Thực chiến phương pháp CANSLIM tại Thị trường Việt Nam!

Dù bạn biết và hiểu về mô hình CANSLIM là gồm những gì rồi. Thì quan trọng nhất là bạn phải áp dụng nó vào được thực tế tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Nhà đầu tư có xu hướng tìm chén thánh để ăn nhanh, nhưng thực tế ngoài tiêu chí lựa chọn cổ phiếu như CANSLIM còn cái yếu tố về bản thân nhà đầu tư nữa (tâm lý, tính kỹ luật…), đó là điều rất quan trọng, nếu bạn muốn thành công.

1.Lọc cổ phiếu theo mô hình CANSLIM theo tiêu chí 1 & 2:

Lọc thanh khoản:

  • KLGD >= 5.000 cổ phiếu/phiên thì còn 511 mã cổ phiếu
  • ROE>=15%: Còn 145 mã cổ phiếu
  • Tiêu chí “Chữ C” – Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận & doanh thu quý >= 15%: Còn 41 mã
  • Tiêu chí “Chữ A”: – Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận & doanh thu 4 quý >=15%: Còn 5 mã.

Loc-co-phieu-CANSLIM

Ta mới chỉ đánh giá tiêu chí 1 & 2 + Thanh khoản >= 5000 cổ phiếu/phiên + ROE>=15%: Nhưng toàn thị trường giờ còn có 5 mã đáp ứng tiêu chí!

Vậy chỉ còn 5 mã, trong khi còn 5 tiêu chí chưa kiểm tra!

Trước đây bạn có thể kiểm tra tiêu chí 1 & 2 ở màn lọc ở công ty chứng khoán Đông Á. Nhưng hiện tại không còn khả dụng

Tang-truong-canslim

Hoặc bạn có thể đánh giá thủ công!

  1. Lọc cổ phiếu tiêu chí số 3 – N – (New – mới) theo Mô hình CANSLIM:

Tiêu chí số 3, tức là tìm lý do MỚI cho sự tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận.

  • Bạn lãnh đạo mới, sản phẩm mới, hay chính sách mới, chuyển biến vĩ mô mới, lãi suất, giá dầu.

Giá dầu giảm + hoạt động kinh doanh mở rộng => SKG sẽ tăng mạnh cả doanh thu và lợi nhuận.

  • Giá cổ phiếu đạt vùng giá cao nhất trong 52 tuần. (Giá cổ phiếu hiện tại >=90% X Giá cao nhất)

Tiêu chí 4: S – Cung cầu cổ phiếu

Moc-cao-Mo-hinh-CANSLIM

Số lượng cổ phiếu giao dịch trung bình >=  vài chục ngàn cổ phiếu mỗi phiên.

Ví dụ như biểu đồ chứng khoán ở trên: Ta xem xét giá cổ phiếu có nằm ở vùng giá >=90% giá cao nhất hay không?

Số lượng cổ phiếu giao dịch có đạt không?

Tiêu chí 5: L: Xem doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh hay không?

Để xem xét doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh tốt hay không? Thì yêu cầu bạn có kiến thức về kinh doanh nhất định.

Tuy nhiên ở góc độ bạn đầu, bạn có thể xem xét những cổ phiếu có ROE>=15%. Tôi đã giúp bạn lọc ở tiêu chí 1 & 2. Tuy nhiên bạn cũng cần đánh giá ROE >=15% có bền vững không, nó sẽ tồn tại ít nhất 3 năm.

Một số mã có lợi thế cạnh tranh như: DSN, VNM, FPT

Tiêu chí 5 này của bộ lọc CANSLIM giúp bạn chọn cổ phiếu dẫn đầu thay vì đội sổ.

Tiêu chí 6: Sự bảo trợ của tổ chức.

Để xem sự bảo trợ tổ chức, ví dụ mã PNJ (CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận), bạn có thể xem ở: http://s.cafef.vn/Lich-su-giao-dich-PNJ-4.chn

PNJ-Mo-hinh-Canslim

Nhìn vào kết quả các tổ chức, ta nhận thấy trái ngược với trước đây, tổ chức có xu hướng BÁN RÒNG nhiều hơn, so với những giai đoạn trước đây!

Tiêu chí 7: Xu hướng thị trường chung có tăng hơn?

Theo mô hình CANSLIM thì 75% cổ phiếu sẽ giao động cùng chiều với thị trường, nên nhà đầu tư cần xem xét thị trường chung đang uptrend hay downtrend để ra quyết định mua bán hợp lý.

Khi nào cắt lỗ theo phương pháp CANSLIM?

Chỉ cần làm theo 7 tiêu chí của phương pháp CANSLIM, NĐT đã có thể chọn cổ phiếu tốt nhất. Bước tiếp theo là hiểu thời điểm mua và bán cổ phiếu.

Quy tắc số 1 để trở thành NĐT thành công theo O’neil là nhanh chóng bán cổ phiếu để cắt lỗ. Bạn không thể luôn luôn đúng, do đó cần hạn chế thua lỗ ở mức thấp nhất.

Ý tưởng CANSLIM là hãy nhanh chóng lỗ. Điều này có nghĩa là nên cắt tất cả các khoản lỗ ở mức 8%

“Học cách luôn bán cổ phiếu nhanh chóng khi bạn lỗ một khoản nhỏ hơn là chờ đợi và hy vọng giá sẽ tăng trở lại.” – O’neil

Theo tác giả của phương pháp CANSLIM: thực tế là hầu hết các NĐT thay vì cắt lỗ nhanh chóng thì lại “nín thở” và hy vọng cổ phiếu quay trở lại mức hòa vốn để bán.

Đây là tâm lý né tránh sự mất mát của con người. Cũng là một trong những sai lầm khiến các nhà đầu tư càng lún sâu vào thất bại.

8% là giới hạn tối đa để cắt lỗ.

NĐT phải bán cắt lỗ không chần chừ. Không chờ một vài ngày nữa chuyện gì sẽ xảy ra hay hy vọng cổ phiếu tăng giá trở lại.

O’neil nhấn mạnh đi nhấn mạnh việc phải bán ngay cổ phiếu khi thị trường giá xuống xuất hiện – chỉ xuất hiện lại khi thị trường này qua đi. Thị trường giá xuống( downtrend) có thể kéo dài từ 5-6 tháng, thậm chí là 2 năm.

Khi nào nên bán cổ phiếu theo phương pháp CANSLIM?

Theo CANSLIM, NĐT nên chốt lời ở mức 20% – 25%. Do đó, việc giữ cổ phiếu ngắn hạn hay lâu dài thực ra không quá quan trọng.

Qua những phân tích của O’neil: những cổ phiếu thành công, sau khi đột ngột tăng giá khoảng 20% – 25% thì giảm giá và định hình một mức giá mới và trong một số trường hợp sẽ tăng giá trở lại. Bạn nên bán ngay khi giá tăng khoảng 20%.

Theo phương pháp CANSLIM, điều quan trọng là bạn phải mua đúng cổ phiếu, thời điểm mua đúng và bán ngay khi thời điểm thích hợp.

Khi áp dụng đúng những nguyên tắc này thì thời gian nắm giữ cổ phiếu của bạn có thể sẽ là 3 hay 6 tháng hay thậm chí là 1 – 2 – 3 năm nếu cổ phiếu vẫn thỏa mãn tiêu chí CANSLIM.

Tổng kết về phương pháp CANSLIM

Phương pháp CANSLIM cố gắng tìm kiếm những cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng cao. Để được danh mục đầu tư theo CANSLIM, cổ phiếu phải đáp ứng đủ 7 tiêu chí của phương pháp này.

C: EPS quý hiện tại tăng ít nhất 20% so với cùng kỳ năm trước.
A: Tăng trưởng EPS mỗi năm từ 25% trở lên trong vòng 3 năm trở lại đây, ROE từ 17% trở lên.
N: Doanh nghiệp có dòng sản phẩm mới, dịch vụ mới, ban giám đốc mới, cách quản lý mới.
S: Cổ phiếu có tính thanh khoản thấp và ban lãnh đạo tự tin mua cổ phiếu quỹ
L: Chỉ tập trung vào các cổ phiếu dẫn đầu và những cổ phiếu có giá tăng lên những mức giá mới trong vòng khoảng 3 tháng.
I: Mua cổ phiếu có ít nhất vài cổ đông là các tổ chức và các cổ phiếu có nhiều tổ chức, quỹ mua trong những quý gần đây.
M: Xem xét xu hướng chung của thị trường

Nhận xét: về phương pháp đầu tư CANSLIM

Phương pháp CANSLIM thường được ứng dụng tốt nhất ở các thị trường có mức độ biến động cao.

CANSLIM  là một chiến lược theo đà tăng giá. Điều này có nghĩa là CANSLIM  được thiết kế để kiếm tiền từ cổ phiếu khi thị trường có xu hướng tăng.

Để hiểu và thực hành mô hình CANSLIM rất đơn giản. Tuy nhiên khi ứng dụng mô hình CANSLIM vào Việt Nam thì lượng cổ phiếu đạt tiêu chuẩn CANSLIM rất hạn chế.

Do đó từ Mô hình CANSLIM, bạn có thể xây dựng cho mình 1 mô hình mới đơn giản và phù hợp hơn với CANSLIM. Để có thể nhận được nhiều mã cổ phiếu để xem xét hơn!

Nguyễn Hữu Ngọ
Đào tạo chứng khoán & Tư vấn đầu tư
SĐT – Zalo: 096.774.6668
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
Chat Zalo: TẠI ĐÂY

BANNER-KHOA-HOC-2023-GIF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!