Tôi xin bắt đầu bằng một mệnh đề gây tranh cãi, mà tôi nghĩ mình đứng về bên thiểu số, rõ ràng sự bắt đầu như vậy là không sáng suốt lắm, nhưng nếu bạn kiên nhẫn xin hãy đọc hết bài này.
Vì tôi hiểu đã là dân nhà quê, cùng từng là sinh viên (nên tôi cũng rất thích miễn phí) tuy nhiên lần lần tôi thay đổi về miễn phí – Tôi không hề thích miễn phí nữa. Chắc chắn sẽ mâu thuẫn đối với nhiều người nhưng xin rằng: Nguồn gốc của sự phát triển đó là Sự thống nhất và đấu tranh các mặt đối lập.
Đối với tôi bây giờ, tôi tin: Trên đời này không có gì là miễn phí: Miễn phí có thể độc hại ghê gớm đến tâm trí và tương lai, và sức khỏe con người!
Vấn đề đặt ra: Cho tiền người ăn xin.
Nhiều người nói rằng: Cho tiền giúp đỡ được người khác, thể hiện tình yêu thương con người có gì đâu mà tính toán. Tôi không phủ nhận người Việt Nam ta giàu tình yêu thương. Nhưng tình yêu thương và cho tiền là 2 việc khác nhau.
Nếu chính quyền không cấm ăn xin, thì giờ Đà Nẵng có trở thành nơi đáng sống nhất Việt Nam không? Tất nhiên đó chỉ là một yếu tố để làm nên một thành phố đáng sống và du lịch.
Trên báo gần đây, tôi đọc được có hiện tượng dân miền núi phía Bắc vì “Bỏ học để đi ăn xin”. Nhiều người nói cho chút tiền hỗ trợ các em tốt hơn, với biện hộ rằng: “Giúp nhau tí có sao đâu, sao mà keo kiệt với người nghèo thế?” Nhà trường, chính quyền ở đây nói gì? “Đừng cho tiền các em, các em sẽ bỏ học hết đó”. Rõ ràng, giúp trẻ một chén cơm như thế là phá của tụi nó cả một cánh đồng lúa trong tương lai.
Tôi có đọc bài báo nói về phương Tây, nói về đi tự thiện: Họ luôn yêu cầu dân, trẻ em phải làm một thứ gì đó – gọi là bỏ công sức. Và sự tự thiện này trở thành: công sức đổi vật phẩm.
Nói về việc cho tiền – Đó là việc trao đi mà không yêu cầu đối tượng nhận phải làm gì đó. Có một nguy hiểm cốt lõi: “Làm cho người nghèo mất đi động lực của sự phát triển”. Không có tiền, chúng ta buộc phải lao động, mà chỉ có tham gia lao động ta mới sinh ra sự sáng tạo. Và chỉ có lao động thực sự góp phần cho xã hội tốt hơn, và người ta thoát nghèo. Cho tiền là một hành động miễn phí mà nhưng nó lãng phí cả một đời người, và thậm chí là cả thế hệ tiếp theo, nếu chúng ta không biết cho tiền.
Trong thời sinh viên, làm đoàn hội: Một công việc đáng lẽ cần 2-3 người làm thì huy động tới cả 10 người. Vì đoàn hội có nguồn nhân lực lãng phí dồi dào, nếu yêu cầu trả tiền bạn là người chủ nhiệm bạn có dám làm vậy. – Nếu là người lãnh đạo, hãy truyền động lực và và nghĩ ra việc cho họ làm hoặc cho cấp dưới chủ động tạo ra việc làm, thậm chí là trao phần thưởng, hoặc phần hỗ trợ thu nhập.
Lãng phí lớn nhất là lãng phí nguồn nhân lực, trí lực. Rồi dẫn thành thói quen khi đi làm: “Nước Việt Nam trở thành nước có hiệu suất lao động kém của Thế giới thua cả Lào”.
Cơm mà cho miễn phí, lấy nhiều mà không ăn.
Nước mà cho miễn phí lấy nhiều rồi đổ.
Tết trẻ em nhận miễn phí tiền từ người lớn (tiền lì xì) rồi chơi game, đánh bài…
Điều quan trọng nhất tôi cho rằng là miễn phí là “Triệt tiêu động lực và sự sáng tạo”, kể cả người nhận miễn phí và người trao miễn phí. Người nhận thì ỷ lại, người trao thì không được đánh giá cao, họ sẽ không giàu năng lượng để làm việc.
Do đó, MIỄN PHÍ cũng có cái giá của nó. Mà đã gắn với một cái giá – thì đồng nghĩa là: Trên đời này không có gì là miễn phí!
Xét về mặt Phật giáo tôi ngộ ra một điều: “Sự tự giúp mình”. Đây là một quan điểm rất giống với Triết học Mác – Lênin là “sự Tự vận động”. Có câu: “Trời chỉ giúp những người biết tự giúp mình”.
Trong lĩnh vực giáo dục:
Tôi luôn ủng hộ, học sư phạm phải đóng học phí. Đóng tiền về lâu dài, giáo viên sẽ truyền thụ cho các em được rằng: “Không có bữa trưa miễn phí”, và “Thứ miễn phí chỉ có trên bẫy chuột”, “trên đời này không có gì là miễn phí“… Rất tốt để các em vươn lên tài năng và nếu các em tài năng các em sẽ xứng đáng nhận thành quả. (Trừ khi học sinh nào quá khó khăn thôi)
Và tất yếu học sinh đi học phải đóng phí.
Ở Việt Nam khá thú vị, bạn có thể học miễn phí ở rất nhiều trường Đại học mà bạn muốn. Cứ bước vào ngồi học đơn giản vậy thôi, tất nhiên học ở đây lấy kiến thức không có bằng cấp. Mà có lẽ đóng tiền thì sinh viên ở nhà vẫn nằm ngủ đâu chịu đi học huống hồ gì mà miễn phí. Tôn trọng giá trị buổi học – Giống như kiểu ta mất tiền ta quyết phải lấy lại.
Một trạng thái có cũng được không có cũng được, sẽ rất khác với một trạng thái phải có. Rõ ràng một thứ tạo ra sự hững hờ khác với một thứ tạo nên sự quyết tâm.
Gạt bỏ những tư tưởng miễn phí, ta sẽ có nhiều năng lực ra để mà hành động suy nghĩ để mà có “Cái để trả phí”. Và tôi muốn nói rằng: Không có gọi là “Phí” mà chỉ có “Tiền Đầu Tư”.
“Ta nghèo không phải vì ta ít tiền mà ta nghèo bởi vì ta nghèo trong suy nghĩ.
Ta bất hạnh không phải vì cuộc sống khốn khó là mà là tâm hồn ta vốn dĩ đã khốn khó”.
P/s: Tất nhiên cũng có trường hợp ngoại lê nên miễn phí, nhưng rất ít và rất hiếm.
Và lưu ý thêm: Khi tâm niệm “trên đời này không có gì là miễn phí” bạn sẽ ít bị dụ vào các chiêu trò giàu nhanh, hoặc marketing! Khi đó, bạn sẽ tốn số tiền nhiều hơn rất nhiều.
Câu chuyện: TRẢ PHÍ ĐÁNG GIÁ NGÀN VÀNG
Ngày xửa ngày xưa ở vương quốc nọ có một đức vua trên đường vi hành tình cờ đã nghe được một ông lão rao bán rằng: “Có một bài học đáng giá nghìn vàng”. Ai bỏ ra một ngàn lượng vàng thì ông ta sẽ bán cho cái đạo lý đó.
Nhiều người nghe thấy lạ thì tò mò đi theo dò hỏi, tuy nhiên gạn hỏi thế nào ông lão cũng chỉ nói: “Ai trả đủ một ngàn lượng vàng thì kẻ đó mới được biết bí mật của bài học”.
Bởi vậy nhiều người cho là lão bị điên vì họ nghĩ chẳng có bài học nào đắt đến như vậy.
Ngày ngày ông lão cần mẫn đi như một người bán rong. Vua ngạc nhiên vội cho cận thần theo dõi và được mật báo rằng ông lão có hành tung như một vị hiền triết – cốt cách khoan thai, đời sống chuẩn mực, đàng hoàng, lời ăn tiếng nói không thừa một chữ, biểu hiện của người siêu phàm, thoát tục…
Nhà vua cả mừng bèn giả dạng thường dân đến gặp và hỏi ông lão rằng bài học gì mà lão rao bán đến một nghìn lượng vàng? Ông lão nói: “Đây là bài học mà có thể làm cho người ta thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời, vượt qua khỏi những lầm lỗi và có thể đạt tới tột đỉnh vinh quang”.
Nghe xong, nhà vua vẫn còn bán tín bán nghi nên bỏ về, nhưng lòng cứ ray rứt bởi sức hấp dẫn của ý nghĩa bí ẩn trong bài học đáng giá ngàn vàng ấy. Rồi nhà vua quyết định mở ngân khố lấy ra một nghìn lượng vàng và hạ chỉ mời ông lão vào hoàng cung.
Ông lão cả mừng vì nhận ra đức vua chính là người hôm trước đã gặp và hỏi lão về bí mật của bài học đáng già ngàn vàng. Vua nói: “Ta chấp nhận hoặc bị lừa mất một nghìn lượng vàng hoặc thật sự sẽ được một bài học vô giá”.
Nói đoạn, nhà vua truyền cho quan thủ ngân chất đủ một ngàn lượng vàng trước mặt ông lão. Nhận đủ số vàng, ông lão cung kính dâng lên đức vua một vuông lụa viết vỏn vẹn 10 chữ: “Phàm làm việc gì, suy nghĩ đến hậu quả của nó”.
Đọc xong 10 chữ ấy, đức vua có cảm giác như mình đã bị lừa, nhưng lời vua nặng tựa Thái Sơn nên không thể rút lại đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Còn ông lão thì lặng lẽ chất vàng vào túi vải, cung kính vái tạ vua rồi rời khỏi kinh thành.
Từ đó nhà vua cứ bị ám ảnh bởi 10 chữ “Phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả”. Và nếu nhà vua chỉ mua câu nói này với một lượng vàng thì chắc hẳn Người đã quên bài học này từ lâu.
Nhưng đằng này, mỗi chữ trị giá tới 100 lượng vàng. Nghĩ vậy, đức vua vừa tức giận vừa tiếc công quỹ và câu nói nặng ngàn vàng đó đã nhập vào tâm nhà vua tự bao giờ để rồi mỗi khi nhà vua làm việc gì đều suy nghĩ đến hậu quả của nó.
Từ khi đức vua mua “bài học ngàn vàng” thì cả triều đình nhận ra nhà vua thay đổi từng ngày. Đức vua trầm tĩnh hơn, khôn ngoan hơn, công tư phân minh, phân định mọi việc sáng suốt, ngồi trên ngai vàng trong hoàng cung mà đoán định tình hình ở biên cương như thần. Đất nước từ đó bắt đầu cường thịnh.
Thần dân thì mừng vui vì đời sống được an lành, thịnh vượng. Nhưng chính nhà vua lại không nhận ra điều đó, ông chỉ bị ám ảnh bởi bài học ngàn vàng và Người luôn tự nhủ: Phàm làm việc gì cũng phải suy nghĩ đến hậu quả của nó!
Nhờ vậy mà nhân cách nhà vua được tu chỉnh, đức vua không còn là một Vương tầm thường kế vị ngai vàng, thích hưởng thụ như ngày xưa mà giờ đây làm việc gì Người cũng suy nghĩ cho dân, cho nước.
Tin rằng, không chỉ ý nghĩa với riêng nhà vua, câu chuyện này sẽ để lại bài học cho nhiều người. Câu chuyện này, Ngọ lấy từ internet.
Nhưng Ngọ cũng thấy rằng, hầu hết số đông rồi chẳng học được điều gì. Bởi họ không trả tiền, câu chuyện trên là MIỄN PHÍ. Hãy lục lọi trí nhớ, những thứ cho bạn bài học & kinh nghiệm; hầu như đều là những thứ mà bạn đều trả phí.
Cho nên cuộc đời, nhiều lúc KINH quá rồi NGHIỆM ra. Hơn là sự miễn phí vô thưởng, vô phạt.
Chúc bạn: Hãy luôn biết suy nghĩ, cân nhắc thật kỹ càng trước khi hành động trong cả cuộc sống lẫn công việc và biết tự chịu trách nhiệm về những gì mình đã quyết định.
Nguyễn Hữu Ngọ
Đào tạo chứng khoán & Tư vấn đầu tư
SĐT – Zalo: 096.774.6668
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
Chat Zalo: TẠI ĐÂY