Đây là lần thứ 4 – Ngọ đến với Sapa. Trong đó lần lâu nhất là lần 3, khi ấy Ngọ ở đây 30 ngày! Đi lần này, Ngọ đi với tư thế căn nhà di động Happy House.
Ngọ thích cái không khí se lạnh của Sapa, đến đây 50% là tiết trời có mưa nhẹ! Dù sao cũng không ảnh hưởng lắm, vì Ngọ ở đây cũng lâu, nên đi dạo, đi chơi không ảnh hưởng mấy.
Nói về chuyện thăm thú, Ngọ ghé lại những chốn xưa, như đi lên đỉnh đèo Ô Quy Hồ, đi con đường thung lũng Mường Hoa, con đường Fansipan, vào Tả Van.
Ngọ cảm giác Sapa quá quen, ăn những món quen thuộc, đến những nơi quen thuộc, và thăm những người quen thuộc.
Một điểm ấn tượng để ngắm cảnh Sapa của Ngọ đó là Hầu Thào, ở đây nhìn view rất đẹp, vì nó ở trên cao nên có thế nhìn cả thung lũng và 2 dãy sườn núi 2 bên, trông rất ấn tượng.
Tuy không nhiều, Ngọ cũng cố gắng chia sẻ với bạn những bài học ở Sapa, biết đâu giúp ích cho bạn. Có những cái bài học đã cũ với cả Ngọ và bạn. Có những câu hỏi: Ngọ chỉ đặt ra để bạn tự trả lời.
Chuyện giá cả, và câu hỏi lớn
Ngọ thấy những chiếc khăn rất đẹp dạng thổ cẩm, Ngọ tin rằng nó được dệt theo dạng công nghiệp. Ngọ biết một nơi cửa hàng đẹp và sang trọng, bán với giá 50K – niêm yết rõ ràng. Ngọ nghĩ đây là sản phẩm mồi để đến với cửa hàng người ta – Ngọ cũng ghé cửa hàng này 2 lần.
Tuy nhiên, khi nên khu Cổng Trời Ô Quy Hồ, có 4 chị mua 4 cái khăn này là 100K/cái!.
Mẹ Ngọ cũng từng mua mấy cái đồ thổ cẩm 2 triệu mấy, về làm quà. Mà đôi khi Ngọ nghĩ nó chỉ xứng đáng tầm 60%!
Bản thân Ngọ sống tối giản, và thích đi dạo nghiên cứu đủ trò, đó là thú vui và sự tò mò của Ngọ.
Ngọ không giỏi trả giá, nhưng vì nhiều thời gian nên thấy mấy chị đang mua hàng, Ngọ hay dừng lại xem. Cho nên cũng hình thành một mức giá cao thấp tương đối, về nhiều thứ.
Trải nghiệm đi và lắng nghe, bạn sẽ thấy những điều hay ho.
Điều này, dường như quá bình thường với tất cả chúng ta, nhất là đi mua hàng hay các khu chợ. Câu hỏi lớn Ngọ đặt ra là:
Đối với những thứ không quen thuộc, làm sao để bạn có quyết định sáng suốt?
Ví dụ ở Sapa hay bất cứ điểm du lịch nào: Đối với những sản phẩm du lịch, bạn mua ít bị hớ nhất?
Ví dụ trong tài chính: Làm sao bạn có thể chọn người thầy giáo dạy chứng khoán tốt nhất? Hay chọn người ủy thác tốt?
Vì Ngọ đã 11 năm trong ngành này, kiếm được tiền từ đầu tư, và cũng dạy học và nhận ủy thác. Do đó, Ngọ rất dễ trả lời, nhưng với những người chưa hiểu biết sâu về tài chính đúng là rất khó cho họ.
Đừng cầu mong ta quyết định hoàn hảo 100%, đặc biệt 1 quyết định đúng là nó đúng tại thời điểm ra quyết định, chứ không phải dựa hoàn toàn vào kết quả, rồi diễn dịch cho hợp lý.
Câu hỏi: Làm thế nào để quyết định tốt nhất có thể, trong môi trường không chắc chắn?
Đừng bao giờ ngừng học.
Ngọ ở nhà cô S. – hiện tại cô ở một mình người Phú Thọ, thuê nguyên cái homestay này, và quản lý. Con cái của cô cũng có 1 cái gần đó nhé.
Ngọ thích cô khá chăm học, hiện cô đang học Tiếng Anh. Nếu cô chờ khách khuya, thì lôi Tiếng Anh ra học, còn nếu được ngủ sớm xíu, thì sáng sớm cô thức dậy và học. Và nhiều thứ khác nữa.
Khi cô ly hôn, vì bên kia có quen biết hơn nên cô bị thiệt, định giá rẻ bèo, thậm chí sai đơn vị định giá (theo cô). Khi đó, cô được nhờ (thuê) luật sư đến tòa án phúc thẩm cao hơn, và kết quả là sau khi trừ chi phí được tăng 50% phần của cô! Cô còn được tư vấn về giảm tòa án phí và thi hành án.
Bài học: Hãy nhờ những người có chuyên môn và thực tâm giúp bạn!.
Dù cuộc đời vốn dĩ bất cân xứng thông tin, kiến thức, mối quan hệ – đừng cầu mong sự công bằng, nhưng đối với người thường, cứ nhờ người chuyên gia thực tế nhất giúp bạn.
Chốt lại: Bài học, hãy luôn luôn học và vì chúng ta có vòng tròn năng lực nhất định, nên nhờ người thực sự có chuyên môn giúp bạn.
Chốt ở Sapa:
Ngọ luôn luôn có những trải nghiệm và kinh nghiệm ở Sapa, tuy nhiên Ngọ chỉ chia sẻ 1 phần nào đó. Hi vọng kinh nghiệm của người này, là “học bổng” cho những bạn chịu tìm hiểu.
Kinh nghiệm để mình trả giá cái gì đó, thì học từ người khác sẽ hữu ích hơn rất nhiều. Đừng để quá nhiều điều KINH hãi quá rồi mới NGHIỆM ra.