New Rich – Nhà giàu kiểu mới – cách giàu có thế kỷ XXI

Lần đầu tiên, tôi bắt gặp ý tưởng New Rich khi tôi đọc cuốn sách: “Tuần làm việc 4 giờ” –  Tim Ferriss. Một tác phẩm rất ý nghĩa đối với bản thân tôi.

Đọc 1 cuốn sách bạn chỉ cần học được 1 điều trong đó đã là 1 cuốn sách hay!

Tất nhiên, tôi đã học được không ít điều từ nó. Tuy nhiên, khái niệm mà cho tôi cảm giác sảng khoái nhất là: New Rich – Kiểu giàu mới!

Là một người thích đọc sách, tôi đọc 20-50 cuốn/năm, rất nhiều khái niệm tôi sẽ nhận thức được – thường sẽ mang tính lặp lại để đào sâu và nhắc nhở – ít tính mới mẻ.

Tất nhiên, dù khái niệm nào đi nữa, nếu bạn thích đọc sách bạn vẫn hay như thường – những nhà sư đọc đi đọc lại cuốn kinh vẫn thấy sự tuyệt diệu của nó; những người dự thánh lễ mỗi chủ nhật dù nghe những lời rao giảng lặp lại vẫn hứng thú không ngừng.

New Rich – Kiểu giàu mới. Dù có thể Mới với nhiều người, tuy nhiên đối với tôi nó không còn là New nữa. Nhưng tôi tin, khái niệm này sẽ còn mới với toàn bộ thế giới loài người hàng trăm năm nữa.

Cuốn sách “Tuần làm việc 4 giờ” – lần đầu tiên tôi nghe thấy là lúc tôi mới tốt nghiệp đại học – nguồn gốc là người chị học và làm việc ở Úc 7 năm giới thiệu.

Lúc mới nghe tên, mẹ chị ấy (giờ đã là 1 triệu phú) và tôi có ý phản đối – làm sao có thể tuần làm việc 4 giờ được – Chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ nếu muốn giàu có.

Banner-11-2023-Uy-thac-dau-tu-tu-van-chung-khoan

Sau nhiều năm, tôi luôn là độc giả trung thành và luôn ủng hộ tư tưởng cuốn sách: Tuần làm việc 4 giờ – đặc biệt là New Rich.

Nếu hiểu theo nghĩa đen – nghĩa tuyệt đối, 4 giờ 1 tuần quả thật khó chấp nhận với bất kỳ ai – những con người luôn bận rộn & áp lực.

cau-noi-lam-viec-cham-chi

Nhưng nếu đừng kỳ vọng quá cao, kiểu phải làm 4 giờ 1 tuần mới chấp nhận, mà nếu nó giúp ta tăng hiệu suất gấp đôi hoặc nó giúp có thêm 4 giờ rảnh rỗi mỗi tuần – thì đối với những con người hay bận rộn – đó đã là một thành quả.

Không chỉ đơn thuần dạy về đầu tư chứng khoán, tôi đã từng chia sẻ về kỹ thuật giúp làm hiệu quả trong thời gian ngắn nhất kiểu anh em. Tôi nhận được phản hồi rất tích cực – thậm chí phi thường, đến nỗi tôi cũng kinh ngạc:

“Trước đây em làm việc đến 19h00 còn chưa xong việc, thì giờ đến hết buổi sáng đã  xong việc, thời gian buổi chiều em đọc sách chỉ sau đúng 3 hôm.” 

Chúng ta là con người xã hội, ở góc độ tâm lý học, nếu số đông nói X – ta khó có thể nói Y. Tuy nhiên, nếu bạn có tâm thế cởi mở thì bạn sẽ luôn tiếp nhận những luồng tư tưởng mới không chỉ là giúp bạn giàu có, mà là giàu có kiểu mới: New Rich.

Trong chương trình Sau đại học, lần đầu tiên tôi tiếp cận với định nghĩa Nghèo mới: Nghèo đa chiều dựa trên các yếu tố như giáo dục, y tế, nhà ở, điều kiện sống, thông tin.

Nghèo đa chiều, thu hút tôi hơn việc định nghĩa thế nào là nghèo ở chương trình đại học như thu nhập dưới  một ngưỡng nào đó.

Theo cập nhật năm 2018, của World Bank – Ngưỡng nghèo cùng cực là dưới 1.9 USD/ngày. Đối với những nước thu nhập trung bình thấp thì ngưỡng nghèo cùng cực là 3.2 USD/ngày.

Nghèo thì có nghèo đa chiều – một kiểu nghèo mới – được đưa vào sách giáo khoa. Trong khi giàu có người ta thường quy ra Tiền.

Anh có bao nhiêu tiền? Thu nhập tháng bao nhiêu tiền? Tài sản anh bao nhiêu tiền?

Trong khi thế giới người giàu, lại không có 1 định nghĩa rõ ràng (hoặc có thể tôi chưa tìm thấy), của một tổ chức đáng tin cậy về kiểu Giàu mới, ví dụ như Giàu đa chiều chẳng hạn (để phản ảnh tình trạng ngược với Nghèo đa chiều)

Người thu nhập 10 triệu/tháng – có thể thấy người thu nhập 50 triệu/tháng là khao khát. Người thu nhập 50 triệu/tháng lại nhìn thấy người thu nhập 200 triệu/tháng thì thèm thuồng… Và cứ thế người thu nhập 1 tỷ/tháng có thể thấy người thu nhập 5 tỷ/tháng mong ước…

Khi chúng ta nói đến Nghèo – Giàu chúng ta thường quy ra TIỀN. May mắn, nếu bạn tiếp cận hướng rộng hơn bạn sẽ tìm thấy thuật ngữ Nghèo đa chiều. Còn giàu là gì?

Chúng ta biết đến danh xưng triệu phú (>1 triệu USD), siêu giàu (>30 triệu USD), tỷ phú (>= 1 tỷ USD)… Tuy nhiên, đối với nhiều người thì có nhà lầu, xe hơi đã là giàu.

Trong quá trình sống, và làm nghề tài chính & giáo dục của mình – tôi đã tiếp xúc, chứng kiến nhiều người mà tôi cho rằng: “Những người NGHÈO lắm tài sản” hoặc “Những người NGHÈO lắm TIỀN”.

Ta sẽ đi từng bước nhỏ:

Nếu bạn ở Sài Gòn hay Hà Nội, hoặc những thành phố lớn – Bạn thấy không hiếm người sống trong căn nhà 5-10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sống 1 cuộc sống phải cơ cực, chạy bữa từng ngày – nhà cửa thì ẩm thấp, ăn uống thì kham khổ.

Ngược lại, cũng có người ở miền quê, bạn có thể xây ngôi nhà cấp 4 tầm 400 triệu, trên mảnh đất 500 – 1 tỷ/200 m2, cách cách thành phố, thị xã tầm 10 phút đi xe – với 1 số tiền trong tài khoản. Bạn hoàn toàn có 1 cuộc sống chất lượng hơn nhiều.

May mắn cho tôi, vì tôi làm nghề tài chính nên những triệu phú tôi gặp, những câu chuyện tôi nghe không hề hiếm, kiểu như:

Người có 5 căn nhà thành phố hạng 1-2, khi gặp nhau câu chuyện luôn là cuộc sống vất vả, nợ nần, mời nhau ly nước 5 người là không dám vì không có tiền. Ví dụ có 4 căn nhà rồi, giờ có 2 tỷ thì vay thêm 3 tỷ để mua căn 5 tỷ… rõ ràng đây là trò chơi khổ bất tận.

Bạn có quyền mua thêm căn nhà nữa, nhưng hãy sống một cuộc sống hạnh phúc và vui vẻ!

Hoặc những người ngồi cà phê cùng tôi, ăn trưa hoặc nói chuyện: Có người tầm 100 tỷ đồng – thậm chí là trên 500 tỷ đồng.

Tuy nhiên, họ lại rất vất vả – tất nhiên ai cũng thích tiền dù có 100 tỷ – nhưng có người đêm hôm cố gắng tận dụng từng phút để kiếm tiền, bất chấp hiểm nguy, đi nhanh cho kịp giờ, lái xe đêm cho tiết kiệm thời gian, thậm chí đã từng gặp tai nạn, hoặc cào đầu bứt tóc để làm kinh doanh.

Tùy vào mức độ, nhưng cuộc sống luôn có những người nghèo lắm tiền.

Định nghĩa giàu nghèo có thể dựa vào mức sống, thu nhập, tài sản hoặc theo tiêu chuẩn cá nhân của từng người, có thể gia đình hạnh phúc, con cái ngoan ngoãn, thành đạt – chứ không phải là có tiền & con cái hư hỏng.

Chứng kiến cuộc sống xung quanh, đa phần tôi thấy người ta đều tất bật với cuộc sống dù bao nhiêu tiền đi nữa, thậm chí thay vì bán đi tài năng để có tiền, người ta sẽ bán đạo đức để có tiền.

new-rich-nguoi-giau-moi

Một người giàu mới (New Rich) không chỉ có mỗi riêng tiền!

Trước khi đi vào khái niệm New Rich, tôi muốn nêu lên 1 thực trạng ở Việt Nam & 1 công trình nghiên cứu khoa học:

Thực trạng: Tôi nghĩ sẽ không ít người đồng tình với Giáo sư – Nhà Giáo Nhân Dân Nguyễn Lân Dũng: 1 trong 5 thói xấu của không ít người Việt là Ham tiền – hiếu danh – coi thường danh dự – vô cảm và hèn nhát – coi nhẹ ý nghĩa “đồng bào”.

Do đó, tôi tin ham tiền & có tiền một cách mù quáng không hẳn là sự giàu có!

Có lẽ, nếu chọn giữa hạnh phúc & tiền bạc nhiều người chúng ta sẽ chọn về hạnh phúc. Rõ ràng câu nói của Đặng Lê Nguyên Vũ: “Tiền nhiều để làm gì?” quá là rất thú vị.

Nếu chọn 1 trong 2, bạn chọn hạnh phúc hay tiền bạc?

Nghiên cứu khoa học:

Đây là nghiên cứu  năm 2010 của ĐH Princeton, và của nhà kinh tế học Angus Deaton & tâm lý học Daniel Kahneman (Nobel Kinh tế 2002):

Nếu thu nhập trên 75.000 USD/năm (thu nhập trung bình người Mỹ khi đó gần 50.000 USD), thì gia tăng thêm thu nhập không làm tăng thêm hạnh phúc.

Qua đây, tôi cũng phủ nhận những câu nói dân gian: “Tiền không mua được hạnh phúc” – đó là sai lầm!

Dưới 1 ngưỡng nào đó, tiền mua được hạnh phúc – nhiều tiền hơn bạn sẽ thấy hạnh phúc hơn.  Tiền không mua được hạnh phúc khi bạn ở trên một ngưỡng nhất định!

Vậy ở Việt Nam, nếu đối chiếu và tinh chỉnh nghiên cứu bạn nghĩ bao nhiêu tiền sẽ là ngưỡng giới hạn của hạnh phúc?

Có lẽ, 20 triệu/tháng với người ở Sài Gòn hoặc Hà Nội???

Rõ ràng, đây là một khái niệm để bạn có thể hình thành một con người giàu mới (New rich) có cả tiền bạc & sự hạnh phúc!

Elon Musk (CEO SpaceX, Tesla) với tài sản hơn 70 tỷ USD (tháng 7/2020) – đã từng thí nghiệm cuộc đời mình khi trẻ – sống ở thành phố New York đắt đỏ chỉ với 1 USD/ngày. Ông kết luận mình không thể chết đói, và theo đuổi nguyện ước của cuộc đời.

Và tôi tin rằng: Nếu chúng ta không thể chết đói, chúng ta hoàn toàn có thể sống cuộc đời thú vị và ý nghĩa.

Thế nào được gọi là giàu? Nếu khảo sát hoàn toàn có thể có hàng trăm đáp án khác nhau.

  • Giàu là có nhiều tiền.
  • Giàu là sống một cuộc sống ý nghĩa.
  • Giàu là cống hiến cho xã hội…

Tranh cãi khái niệm là 1 điều ngốc nghếch nếu chỉ để khẳng định đúng sai. Xắn tay lên và thực hiện nó đáng quý hơn rất nhiều.

Đừng kỳ vọng sự hoàn hảo, chúng ta chỉ cần tốt hơn ta của ngày hôm qua.

Theo sách “Tuần làm việc 4 giờ”

New Rich = Có thời gian + Có tiền

Tôi biết – đó là ước muốn của rất nhiều người – họ nghĩ họ sẽ cố gắng có thật nhiều tiền để rồi bạn sẽ có nhiều thời gian.

Điều tôi tin, miễn là mỗi ngày trôi qua thú vị, và bạn tập trung vào những điều quan trọng, thì ít nhất bạn đã có thời gian rồi. Tiền nó sẽ đến sau!

“Hãy theo đuổi sự ưu tú, “tiền” sẽ theo đuổi bạn”.

Buffett từng chia sẻ: “Sự khác biệt của người thành công và người cực kỳ thành công, là người cực kỳ thành công biết nói KHÔNG với hầu hết mọi thứ.”

Su-khac-biet-giua-nguoi-thanh-cong-va-cuc-ky-thanh-cong

Chúng ta có thể không phải người thành công, hay người cực kỳ thành công – chúng ta chỉ là người thức tỉnh bản thân để ta tốt hơn chính ta trong quá khứ – thì học cách nói không với một số thứ đã là tốt hơn với việc chẳng bao giờ biết nói không.

Tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, cuộc sống này vốn dĩ rất ít việc. Việc quan trọng nhất là sống một cuộc đời thú vị.- Nguyễn Hữu Ngọ

Sống một cuộc sống New Rich không hề khó! Theo tinh thần phật giáo – biết buông bỏ; nếu ta buông bỏ bớt những thứ không cần thiết, bạn sẽ có rất nhiều thời gian để làm những điều quan trọng. Chắc chắn, chất lượng cuộc sống bạn tăng lên đáng kể – và tiến tới một cuộc sống có chất.

Nguyên cả toàn bộ cuộc đời 70 năm, ông bà ta đúc kết 3 việc của đời người: “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà”.

Hỡi những con người bận rộn, cho tôi hỏi: Việc đâu mà lắm thế?

Không có 1 lời khuyên chuẩn xác, nhưng nếu bạn muốn nâng cao hiệu suất và chất lượng cuộc sống cũng như công việc. Bạn hãy nghiên cứu về nguyên lý 80/20, 5S, Kaizen… tôi tin bạn sẽ tiến bộ vượt trội hơn rất nhiều hiện tại.

Tôi không phải là triệu phú về tiền bạc, đặc biệt khi tôi viết bài này tôi mới 30 tuổi – tôi cần thời gian để gia tăng tài sản. Nên tôi không thể dạy cho bạn cách trở thành triệu phú được.

Tôi không phải là triệu phú về tiền bạc. Tôi chỉ là triệu phú về thời gian, tôi cũng chỉ là triệu phú về sự hạnh phúc.

Tôi đầu tư chứng khoán. Tôi dạy chứng khoán. Và tôi sống với một tinh thần: New Rich.

Nguyễn Hữu Ngọ
Đào tạo chứng khoán & Tư vấn đầu tư
SĐT – Zalo: 096.774.6668
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
Chat Zalo: TẠI ĐÂY

BANNER-KHOA-HOC-2023-GIF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!