Có 2 bản thể trong cuộc sống và đầu tư đó là bản thể trải nghiệm và bản thể khoa học. Tức là con người sẽ sống với niềm tin của mình và phớt lờ với những thứ còn lại.
Bạn tin chứng khoán là cờ bạc, thì nó sẽ mãi là cờ bạc. Bạn tin nó là khoa học thì nó là khoa học. Hai bên tranh luận đều là vô ích! – Niềm tin khác nhau dẫn đến cách đầu tư khác nhau. (Tên khoa học là thành kiến chứng thực)
Trong chứng khoán có nhiều phong cách đầu tư như đầu tư theo tin tức, phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản, dựa vào hành động tay to đội lái, niềm tin mua mã môi giới phím hay thầy giáo của mình.
Khi chúng ta tin thị trường tăng, thì chúng ta sẽ ghét người cảnh báo thị trường xuống – và “dân dã” gọi là chim lợn; còn khi ai ai tung hô mua là thắng thì bìm bịp.
Bìm bịp đấu với chim lợn, như bò đấu với gấu… Thực tế, chứng khoán là một trò chơi 2 bên đặt cược mua bán một cổ phiếu, dựa vào niềm tin của họ.
Tuy nhiên, cái khó nhất là nhiều người cứ bám mãi niềm tin mà không xét lại bối cảnh hiện tại của nó. Một cổ phiếu trước đây 10.000 đồng có thể là đắt và rủi ro, tuy nhiên giờ 20.000 đồng thì rẻ và nhiều cơ hội.
Khi chúng ta quá cố gắng bám víu vào niềm tin của mình và ý kiến của bản thân, thì chúng ta sẽ không thấy được diễn biến thực tế diễn ra đối với cổ phiếu.
Ngọ có 1 hành xử thú vị đối với cổ phiếu của minh, bạn có thể tham khảo: Khi Ngọ mua 1 cổ phiếu xong, Ngọ thường quên đa số lý do Ngọ mua nó, Ngọ chỉ có niềm tin duy nhất là nó đạt tiêu chí của Ngọ, và Ngọ hiểu doanh nghiệp đó thôi – Bởi khi Ngọ chọn mã kỹ càng, khi nó nằm trong danh mục Ngọ thì Ngọ mặc kệ “dòng đời xô đẩy”, ta vẫn cứ an nhiên đi chơi, vi vu.
Sau đó một thời gian, hoặc có những biến động mạnh trong giá cổ phiếu, ví dụ giá cổ phiếu tăng 40%-50%, Ngọ lại xem xét lại mã đấy giống như một người nghiên cứu một mã mới. Đôi khi quá trình phân tích lại này có thể lâu hơn, nhưng bù lại Ngọ thấy nó công bằng hơn. Ngọ gọi là: “Tránh ăn mày quá khứ”.
Có thể đó là tính hay quên hoặc vô tư của Ngọ, tuy nhiên, chính điều này Ngọ giúp giảm sai lầm bởi lỗi tâm lý và tư duy cố hữu của nhà đầu tư.
Thứ duy nhất không đổi của thị trường chứng khoán là sự thay đổi! Cho nên ta luôn rộng mở tiếp nhận điều thú vị của cuộc sống và chứng khoán.
Sau đây là những lỗi tâm lý, và tư duy khiến chúng ta hiếm chịu chấp nhận cái mới để tiến bộ trong đầu tư. Hi vọng những phát ngôn của nhà đầu tư giỏi sẽ giúp bạn học được nhiều điều bổ ích.
“Một trong những kỹ năng quan trọng nhất để trau dồi kỹ năng quản lý danh mục đầu tư là biết khi nào lập luận của bạn sai và thừa nhận những vụ đầu tư sai lầm. ” Dan Davidowitz
“Charles Darwin từng nói rằng bất cứ khi nào ông ấy phát hiện ra điều gì đó mâu thuẫn với kết luận của mình, ông ấy phải viết ra phát hiện đó trong vòng 30 phút. Nếu không làm vậy, đầu óc của ông ấy sẽ loại bỏ những thông tin trái ngược, giống như cơ thể từ chối cấy ghép. Khuynh hướng tự nhiên của con người là bám vào niềm tin của mình, đặc biệt nếu chúng được củng cố bằng những trải nghiệm gần đây. ” Warren Buffett
“Bạn phải rất cẩn thận với ‘hiệu ứng cam kết‘. Một nhà đầu tư thông minh đã mô tả hiệu ứng cam kết là hiện tượng các nhà đầu tư chê bai những ý kiến của người khác và đánh giá hết sức dè dặt về triển vọng của những công ty mà không đầu tư. Nhưng khi công ty đó đã nằm trong danh mục đầu tư thì mọi thứ về nó lại vô cùng hoàn hảo, như là sự giải thích cho lý do đầu tư công ty đó. Đây là là hiệu ứng mà tôi cố gắng chống lại”. Thomas Russo
“Hiệu ứng mỏ neo là một sai lầm tế nhị và phổ biến trong tư duy đầu tư.” Ed Thorp
“Thiên kiến xác nhận – tin vào những gì bạn muốn tin và bỏ qua những thông tin trái ngược – nó đã phá hủy vô số danh mục đầu tư và các doanh nghiệp.” Scott Fearon
“Nếu chúng ta chỉ xem những thứ để xác nhận niềm tin của mình, chúng ta sẽ không bao giờ phát hiện ra mình có sai hay không. Hãy tự phê bình và quên đi những ý kiến mà bạn tâm đắc nhất. Tìm kiếm những bằng chứng chống lại ý kiến và kết luận của bạn. Hãy xem xét các kết quả, quan điểm và câu trả lời thay thế khác. ” Peter Bevelin
“Chúng tôi cố gắng tránh hiệu ứng mỏ neo nguy hiểm nhất, đó là những đánh giá trước đây của mình. Chúng tôi thực sự cố gắng bỏ qua những ý kiến trước đây của mình ”. Charlie Munger
“Sức ì ngăn cản mọi người làm theo những dấu hiệu rõ ràng về việc họ nên mua hoặc bán. Có thể cổ phiếu mà họ đang sở hữu có nguy cơ lớn bị giảm giá. Khi đọc báo chí đưa tin về tin xấu của một doanh nghiệp, có thể khiến nhiều nhà đầu tư không mua cổ phiếu của công ty đó hơn là khiến người đang sở hữu bán chúng đi. ” Leon Levy
“Tất cả chúng ta đều muốn đọc thông tin mới và để nó xác nhận niềm tin cố hữu của chúng ta. Ý tôi là, điều này đã được mặc định trong bản chất của con người. Và điều đó có thể gây thất bại trong thế giới đầu tư và kinh doanh.” Warren Buffett
“Tôi tin rằng điều quan trọng là các nhà đầu tư nên tránh tìm kiếm thông tin củng cố phân tích ban đầu của họ. Thay vào đó, các nhà đầu tư phải chuẩn bị và sẵn sàng thay đổi phân tích và suy nghĩ của họ, khi có những sự thay đổi mới gây ảnh hưởng bất lợi tới những nguyên tắc cơ bản của một ngành hoặc công ty. Tốt các nhà đầu tư nên có tư duy cởi mở và linh hoạt. ” Ed Wachenheim
“Mọi người có xu hướng thu thập các kết luận và tư duy cố định, không thường xuyên kiểm tra lại hay thay đổi, cho dù bằng chứng thực tế cho thấy các kết luận đã sai.” Charlie Munger
“Tôi luôn kín tiếng trong việc thảo luận về các vị thế của danh mục đầu tư hiện tại. Bởi nó gây ra hiệu ứng cam kết và nhất quán, có thể gây hại cho chúng tôi. ” Mohnish Pabrai
“Khi công khai những kế hoạch đầu tư, việc thay đổi quyết định của người đó có thể trở nên khó khăn hơn.” Nick Sleep