Nhà đầu tư thường nghĩ chứng khoán hay bất động sản giàu nhanh. Điều này về cơ bản không đúng với số đông. Dù xét về lâu dài thì đầu tư thực sự sẽ giúp bạn có tài chính vững chắc.
Bạn mua 1 căn hộ/ miếng đất 2 tỷ – bạn vay 1 tỷ. Rồi bất động sản ấy tăng giá thành 3 tỷ – bạn lãi 1 tỷ, trừ lãi vay. Bạn lãi 900 triệu – tương đương với mức lãi/vốn là 90% – Một con số hấp dẫn.
Còn bạn xài tiền mặt 2 tỷ, bạn lãi 1 tỷ. Mức lãi 50% cũng rất hấp dẫn.
Nhưng…
Về mô tuýp chung: Rủi ro thấp lợi nhuận thấp, rủi ro cao lợi nhuận cao.
Thẳng thắn mà nói – đã tham gia vào đầu tư: Thì có chơi có chịu, cứ liệu mà chơi. Nhiều khi hay không bằng hên.
Ở chừng mực nào đó, cái thua của người này, là cái thắng của người khác. Trò chơi xoay trục giữa phe mua và bán.
Nếu biết mảnh đất tăng gấp đôi, thì liệu chủ đất có bán. Hay là thế chấp miếng đất ấy – mua ngay miếng bên cạnh?
1 người lãi 90% – không có nghĩa là giỏi hơn người lãi 50%.
Tất nhiên ở ví dụ trên, chỉ nói về 1 loại hình chấp nhận rủi ro đó là đòn bẩy. Có nhiều thứ rủi ro khác nữa.
Chấp nhận rủi ro cao để kiếm tiền. Mà việc may mắn kiếm được tiền ấy, khiến NĐT tự đắc và dễ thua lỗ số tiền lớn hơn.
Khi Ngọ ở Đà Nẵng, Ngọ có biết 1 người tuổi 3x (x tiểu học) – nhờ đất sốt và có tài sản đỉnh cao đến 30 tỷ. Nhưng rồi tạch! Mất hơn 30 tỷ – âm vốn.
Ảnh chia sẻ: Ta đã từng ở trên đỉnh cao – rồi xuống vực sâu. Nhìn lại kiếm tiền hồi đó là may mắn hơn.
Ngọ hay đùa, ăn mày rất gần ăn mày. Nó chỉ khác dấu huyền.
Đa số người bình thường đều e ngại rủi ro – nhưng lại muốn giàu nhanh. Nó giống như vừa muốn ở Hà Nội, vừa muốn ở Sài Gòn cùng 1 thời điểm.
Buffett từng nói – Nguyên tắc số 1 là không để mất tiền. Nguyên tắc số 2: Không quên nguyên tắc số 1. Tức là nói đến việc bảo đảm an toàn trước, rồi mới làm giàu.
Có 4 mô hình:
- Rủi ro cao – lợi nhuận thấp: Những người thiếu hiểu biết về tài chính.
- Rủi ro cao – lợi nhuận cao: Người ở mức bình thường
- Rủi ro thấp – lợi nhuận thấp: Người ở mức bình thường
- Rủi ro thấp – lợi nhuận cao: Người vượt trội.
Việc thua lỗ xảy ra khi: hoặc là (1) bạn không biết hoặc (2) bạn ảo tưởng mình vượt trội dù thực chất bạn bình thường.
Đối với người bình thường – Ngọ luôn đề xuất chiến lược rủi ro thấp. Nếu bạn bình thường – bạn hoặc thua lỗ ít, hoặc lãi ít. Nếu bạn giỏi thì bạn hoặc thua lỗ ít hoặc lãi nhiều.
Về mặt Toán học: Rõ ràng – việc thua lỗ ít hoặc lãi ít/nhiều. Sẽ tốt hơn là việc chấp nhận thua lỗ nhiều cũng chỉ được lãi ít/nhiều. Vế 1 sẽ thuận lợi với đa số.
Quay lại vấn đề: Khi bạn mua cái nhà, bạn sẽ cần đến 1 tỷ đồng – tiền túi. Nhưng chứng khoán – điều bạn cần chỉ là 5 triệu đồng thì vẫn đầu tư được.
Dù muốn hay không, thì tiền cũng là 1 yếu tố chi phối cuộc sống bạn. Vì lý do đó, Ngọ thích nghiên cứu về tiền và đầu tư. Bạn chờ đến khi có tiền ta mới đầu tư, ví dụ 10 năm sau, thì bạn mới chập chững thì người ta 10 năm kinh nghiệm rồi. Nên hãy bắt đầu sớm dù 5 triệu.
Có 2 thời điểm đầu tư tốt: (1) Cách đây 10 năm, (2) Bây giờ. Ít nhất bạn cũng có những trải nghiệm về tài chính. Và đến với chứng khoán thì cần nghiêm túc.
Nếu mỗi tháng bạn tiết kiệm 5 triệu để đầu tư trong 40 năm- với mức lãi 15%/năm thành 115 tỷ . Nếu bạn giỏi bạn lãi 20%/năm – bạn có 487 tỷ. Bạn đọc bài lãi kép tại đây
Giả định lạm phát là 6%/năm – thì bạn cũng có tương đượng HIỆN TẠI là 18,5 tỷ và 69 tỷ.
Có bao nhiêu gia đình tháng dư 5 triệu, lại được số tiền lớn đến thế!
Nhìn quanh ta con số rất ít. Chưa kể lúc đầu dư 5 triệu thì hơi khó – chứ theo thời gian và lương tăng lên thì con số 5 triệu rất dễ thực hiện.
Ngoài ra có 1 ưu điểm của đầu tư trả góp – bạn có 1 kênh để tiết kiệm tiền. Có 1 người đã từng học Ngọ – làm trong quân đội, tháng thu nhập 10 triệu – mấy năm đầu chẳng có đồng tiền tiết kiệm. Còn bây giờ thì đã có 1 khoảng kha khá.
Thậm chí trước đây, có học viên thấy bỏ mấy trăm triệu mua xe là tiêu sản. Vì nếu đầu tư thì giờ được 2 chiếc xe rồi.
Mỗi người có gia cảnh riêng – xuất phát điểm riêng. Nhưng chúng ta đều mưu cầu giàu có.
Vậy thì chọn 1 cuộc đời giàu chậm còn hơn không bao giờ giàu.