Cách TRỊ cuộc sống hỗn độn cho cuộc đời vui nhộn

Hỗn độn thường là 1 cuộc sống của bất cứ ai trong chúng ta. Nhưng chúng ta thường ít quan tâm, nên ta không giải quyết được gốc rễ vấn đề và khiến cuộc đời lận đận.

Và Ngọ viết về những chủ đề này, thì chủ yếu để Ngọ đọc lại hơn là độc giả. Bởi nó rất kén người đọc.

Nghiên cứu về suy nghĩ lan man

Ngọ tin: cuộc sống con người hỗn độn hơn là theo nhịp điệu yên ả. Ngọ đã từng viết  1 bài có tựa đề: “Tâm trí lan man, khiến cuộc sống khó hạnh phúc và giải pháp”.

Nghiên cứu của Daniel Gilbert và Matthew Killingsworth chỉ ra rằng:

Trung bình 46,9% thời gian của con người là suy nghĩ không đâu và lan man. Suy nghĩ lan man không mang lại hạnh phúc.

Nghiên cứu 2250 người, chỉ ra con người lan man >= 30% thời gian! Rõ ràng, nếu chúng ta giảm lan man từ mức từ 46.9% xuống 35% thì đã là bước tiến vượt bậc của sự hạnh phúc. Càng ít suy nghĩ càng nhiều hạnh phúc.

6 mức nhận thức Bloom – ĐH Chicago

Benjamin Bloom – nhà tâm lý giáo dục học của Đại học Chicago – đã đưa ra 6 mức cấp độ nhận thức gồm:

  1. Nhớ/Biết (Remembering)
  2. Hiểu (Understanding)
  3. Vận dụng (Applying)
  4. Phân tích (Analyzing)
  5. Đánh giá (Evaluating)
  6. Sáng tạo (Creating)

Điều ta cần, là nâng lên mức độ nhận thức cao hơn, trong các vấn đề của ta. Khi đó ta thấy đời thật nhẹ nhàng và vui sướng.

Banner-11-2023-Uy-thac-dau-tu-tu-van-chung-khoan

Thang-do-nhan-thuc-Bloom
Thang đo nhận thức Bloom (Đại học Chicago)

Ngọ biết chút ít cờ vua. Nhưng Ngọ tin rằng Lê Quang Liêm, hoặc vua cờ Magnus Carlsen, Garry Kasparov với thời gian 1 phút + 1s; và Ngọ có nguyên 1 tháng trời thì Ngọ cũng sẽ đánh thua họ thôi.

Bởi họ đã lên tư duy bậc cao và trực giác, còn cờ vua Ngọ đang ở tư duy bậc thấp!

Hầu hết vấn đề cuộc sống, khó định lượng như Elo cờ vua. Nên chúng ta khó chấp nhận mình đang tư duy bậc thấp, dễ sinh ra tự tin thái quá dẫn phạm sai lầm lớn và thất bại.

Hiệu ứng Hiệu ứng Dunning Kruger

Vì CophieuX là 1 trang web về tài chính, chứng khoán. Nên Ngọ lấy ví dụ ở trong lĩnh vực đầu tư. Bạn xem ảnh dưới:

So sanh -ket-qua-VNindex
Bảng so sánh kết quả trung bình NĐT với thị trường chung

Trung bình nhà đầu tư chỉ lãi mức lãi 3.3%/năm, trong khi thị trường trung bình tăng 19.6%, một kết quả tệ hại! Bản thân Ngọ vượt trội con số này!

Khi ở level thấp, ta dường như kém cỏi trong việc nhận thức sự kém cỏi của bản thân. (Hiệu ứng Dunning Kruger)

Hieu-ung-dunning-kruger-0222

Đó có lẽ là điều may mắn cho những nhà đầu tư hiểu biết thực sự. Buffett & Chalie Munger đã từng chia sẻ vấn đề này:

“Nếu mọi người không sai lầm thì chúng tôi đã không giàu đến vậy”!

Bản thân Ngọ cũng kiếm được kha khá tiền ở thị trường chứng khoán, vì nhà đầu tư khác “ảo tưởng sức mạnh” nên phạm sai lầm. Nhâm nhi ly cà phê, Ngọ cảm thấy thích thú vì vấn đề này sẽ không mất đi trong tương lai. Bản chất đầu tư số đông luôn thế và họ sẽ luôn thua lỗ!

Thị trường chứng khoán rất hỗn độn. Nó cũng phản ánh sự hỗn độn trong cuộc sống, tâm lý và hành vi của con người.

Sự hỗn độn trong cuộc sống thực tế

Ngọ thích đọc sách và Ngọ nhận thức nhiều lúc Ngọ rất hỗn độn. Dù Ngọ làm việc ít hay làm việc nhiều thì công việc nó không bao giờ hết.

Việc này chưa đâu tới đâu, thì việc khác lại chen vào. Và dù thường Ngọ chẳng làm gì nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là vấn đề được giải quyết.

Bây giờ Ngọ chỉ làm việc vào buổi sáng, từ thứ 2 đến thứ 7, trừ việc dạy học. Vì làm cũng rơi vào ma trận hỗn độn. Ngọ buổi chiều hoặc tối đa phần Ngọ chỉ đọc sách, và vui chơi.

Cuộc sống bạn kiếm được 10 triệu/tháng thì bạn muốn 20 triệu/tháng. Kiếm được 20 triệu thì mong lên 40 triệu. Kiếm được 200 triệu thì mong lên 400 triệu! Và trò này sẽ không bao giờ kết thúc!

Một câu nói vui:

Chúng ta cố gắng làm việc chăm chỉ 10 giờ/ngày để lên chức giám đốc. Rồi, làm việc 12 giờ/ngày.

Sự hỗn độn trong cuộc sống có thể nhận thấy như:

  • Bạn làm hoài không bao giờ hết việc, và việc không giải quyết 1 cách triệt để.
  • Luôn có những sự kiện không như ý chen ngang vào. Như: đau ốm, gia đình có việc, đứa bạn rủ cà phê, công việc được giao thêm…
  • Cuộc đời toàn việc sự vụ và ta cảm thấy dậm chân tại chỗ không thể tiến lên.
  • Ta dễ nổi cáu, stress vì chuyện đâu đâu.
  • Cái ước mơ công việc, hoặc kế hoạch cuộc đời cứ dời dời ra ngày càng xa… và ta sống cuộc đời của người khác, thay cho bản thân.
  • Không có thời gian để nâng cấp bản thân và tận hưởng cuộc sống, hoặc theo đuổi những thứ thú vị.

Và hầu như, Ngọ thấy ai cũng vậy! Khi bất giác được điều này, Ngọ muốn tìm cách để giải quyết nó. Để giúp ta có 1 cuộc sống hạnh phúc, nhàn hạ nhưng hiệu quả hơn.

Khoa học: Lý thuyết hỗn độn

Tại thời điểm ấy – Ngọ đặt tên là: “Lý thuyết hỗn độn”. Ngọ thay vì cố gắng hoàn thành công việc triệt để, Ngọ chấp nhận cuộc đời là “hỗn độn”. Tự nhiên Ngọ cảm giác đời nhẹ nhõm hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, điều đó Ngọ không đồng nghĩa với buông xuôi. Mà sẽ GIẢM sự hỗn độn trong cuộc sống, bởi hỗn độn – vừa ngẫu nhiên và vừa có quy luật.

Ngọ google, nghiên cứu trạng thái này; và nó cũng cho Ngọ một bất ngờ thú vị, trong lĩnh vực TOÁN HỌC!

Cấp 3 Ngọ học chuyên Toán, và những bài Toán cuộc sống khiến Ngọ hứng khởi. Khác xa với những bài toán trong sách vở vô hồn và nhạt nhẽo!

Lý thuyết hỗn độn, thường gọi Thuyết hỗn loạn hay thuyết hỗn mang (Chaos theory)!

Lý thuyết này là một lĩnh vực nghiên cứu trong toán học. Và được ứng dụng vào các ngành khoa học khác như vật lý, cơ khí, kinh tế, sinh học, triết học…

Nếu mang lý thuyết này, vào cuộc sống cũng sẽ là thú vị lắm ấy. Dù Ngọ thích gọi cuộc sống theo đúng nghĩa đen “hỗn độn” luôn. Vì triết học là 1 phần của cuộc sống!

Trước đây, một số người đã biết đến hiệu ứng cánh bướm. Khi có một bài báo của Lorentz – ông cũng đạt 1 giải thưởng tương đương Nobel – tựa đề:” “Predictability: Does the Flap of a Butterfly’s Wings in Brazil Set Off a Tornado in Texas?” . Tạm dịch: Khả năng dự báo : Phải chăng cái vỗ cánh của con bướm ở Brazil có gây một trận bão ở Texas?

Nó cũng chính là một trong những nội dung của lý thuyết hỗn độn. Một sự thay đổi rất nhỏ có thể tạo một ảnh hưởng lớn ngoài sức tưởng tượng.

Bạn có thể tham khảo, bài viết về Lý thuyết hỗn độn ở đây

Để nghiên cứu những thay đổi nhỏ tạo nên một cách 1 cuộc sống chất lượng hơn, bạn có thể đọc cuốn sách Cú hích (Tác giả: Richard H. Thaler – Nobel kinh tế 2017), cuốn sách này Ngọ đọc rồi nhé!

Ngọ muốn dùng từ “hỗn độn” theo đúng nghĩa đen của người Việt. Và xài một số nguyên tắc tâm lý để ta sống, làm việc hiệu quả hơn.

Dự định con người rất nhiều nhưng bị chen ngang nhiều thứ, khiến ta cứ thấy cuộc đời không bao giờ hoàn thành hết việc.

Ngọ đã từng đặt mục tiêu, Ngọ sẽ làm 1 kênh youtube về chứng khoán từ 2020 với mục tiêu là 10.000 follows và cung cấp 30 video!

Muc-tieu-2020

Kết quả là đến tận bây giờ! Khi viết những dòng này, Ngọ cảm giác xấu hổ, khi đề cập trong mục tiêu và kế hoạch 2020 về điều trên!

Cuộc đời có nhiều thứ xen vào và cuối cùng ta lại bỏ nhiệm vụ LÕI của mình. Năm 2022 – Ngọ sẽ quay trở lại mục tiêu làm youtube, để hỗ trợ cho CophieuX và ngược lại, lấy CophieuX để hỗ trợ cho Video mới!

Mẹo làm “thuần hóa” sự hỗn độn cuộc sống

Làm sao để cuộc đời bớt hỗn độn?  Đây là chiến lược Ngọ đề xuất cho bản thân, và gợi ý nếu bạn cũng cảm thấy cuộc đời hỗn độn mà quên đi những ước mơ, nhiệm vụ lõi, thì ta cần:

1/ Chấp nhận cuộc sống vốn dĩ sẽ hỗn độn đến chết.

Kỹ năng chấp nhận là một điều không dễ chấp nhận đối với nhiều người.

Ngọ thoải mái, gõ những dòng này, dù ngoài kia số tiền trên thị trường chứng khoán của Ngọ biến động rất lớn. Bởi ở thị trường chứng khoán, Ngọ chấp nhận nó là “hỗn độn” trong ngắn hạn.

Và khi mở rộng ra cho vấn đề cuộc sống, trong thời gian ngắn hạn – đa phần Ngọ nghĩ sẽ là hỗn độn, ngẫu nhiên và sự vụ.

Trong cuộc sống, chưa hết việc này thì việc khác kéo đến, ta cần giải quyết đến 2-3-5-7 việc một lúc. Và khi bạn càng lên cao, bạn càng sẽ có nhiều sự việc cần giải quyết hơn.

Thường thì người chủ, giám đốc sẽ phải lo nhiều việc, và cáng đáng số lượng lớn công việc hơn so với nhân viên.

Chấp nhận sự hỗn độn, sẽ giúp chúng ta bước vào đó với 1 tâm thế ít bị phiền nhiễu và tập trung vào vấn đề cốt lõi.

2/ Đặt định hướng thay vì kế hoạch cụ thể.

Xin thưa! Ngọ là 1 kẻ không thể làm được theo kế hoạch cụ thể dù đó do Ngọ viết ra. Ngọ không giỏi trong việc tuân thủ, và Ngọ biết chỉ 1 số người làm được, còn đa phần thì chúng ta sẽ thất bại trước những kế hoạch chi tiết.

Nhà hát Opera Sydney nổi tiếng phải đội vốn lên hơn 13 lần dự kiến ban đầu: 7 triệu USD, thực tế: 102 triệu USD. Nó cũng chậm hơn 10 năm so với kế hoạch! Bản thiết kế 1957, xây dựng 1959, dự kiến hoàn thành: tháng 1/1963, thực tế thì đến 1973 mới hoàn thành!

Và Buffett hay Chalie Munger đã từng nói: “Ông sẽ sa thải người nào có kế hoạch quá chi tiết về kinh doanh”, vì môi trường kinh doanh luôn thay đổi cần được thích ứng!

So với người bình thường, Ngọ thấy Ngọ làm theo định hướng tốt hơn so với số đông, và làm theo kế hoạch tệ hơn số đông!

Bản thân Ngọ thấy làm theo định hướng ít áp lực hơn so với kế hoạch. Khi bạn thất bại trước kế hoạch, tâm lý sẽ bị chùng xuống và cần năng lượng lớn để tự chủ. Trong khi định hướng, bạn có sự linh hoạt và thay đổi nhiều hơn.

3/ Đặt thời hạn bắt đầu!

Khi công việc thơ thơ, tôi sẽ đăng ký một khóa học Yoga, tháng sau tôi sẽ mở 1 tài khoản chứng khoán. Khi có thời gian rảnh, tôi sẽ học 1 khóa chứng khoán… Đại ý, toàn khi có thời gian, tôi sẽ… nhưng bạn sẽ không có thời gian đâu!

Cuộc đời là hỗn độn mà!

Ngọ thích đặt thời gian cụ thể để bắt đầu! Ngọ thấy chiến lược này hiệu quả đối với bản thân.

Ví dụ: Ngày 01/01/2021 – Ngọ đặt mục tiêu rời khỏi Sài Gòn, sống cuộc sống du mục và đi khắp Việt Nam trong 1 năm! (Hiện tại đã là đang đi ở năm thứ 2).

Cho-Ma-Le
Ảnh: Ngọ giữa chợ Ma Lé (Hà Giang)

Nhưng thực tế là: Tới gần ngày đó, nước đến chân mới nhảy, Ngọ mới thanh lý, dọn dẹp để sống cuộc sống mới. Đây được xem là sức ỳ tâm lý. Ngày 01/01/2021 – Ngọ cũng đã rời Sài Gòn, đến Tây Ninh.

Sức ỳ tâm lý rất mạnh! Và bạn phải đặt deadline cho bản thân!

Và mục tiêu là tháng 4/2022  – Ngọ sẽ làm 1 video đầu tiên và sẽ úp lên Youtube, nó dở cỡ nào, cũng phải úp lên! Làm được 1 lần sẽ làm được nhiều lần!

P/S: Nhưng lại lỡ hẹn, dời qua tháng 5. Bạn thấy đó, sức ỳ rất lớn!

Chờ đợi công việc “nhẹ nhàng” hơn đồng nghĩa là không bao giờ! Làm ngay và đặt cho mình thời hạn.

4/ Đặt định hướng tạo thói quen trong khung thời gian.

Hầu hết chúng ta sẽ làm theo hứng, thấy cái gì quan trọng thì làm, rất cảm tính. Nhưng thường thì ta xác định sai, cái ta làm hiện tại toàn là thứ ta nghĩ là quan trọng nhưng thực tế chỉ là cảm giác ta thấy khẩn cấp.

Bài viết này, không phải là bài viết quan trọng! Và nó rất kén người đọc! Nhưng Ngọ bị thúc giục trong tâm lý để viết. Nên Ngọ viết thôi!

Ngọ ý thức rằng: bản năng con người rất mạnh. Do đó để chống lại cái này, Ngọ đề ra chiến lược, Ngọ thấy tương đối hiệu quả dù không phải là lúc nào cũng thắng bản thân.

Đó là tạo khung thời gian cho công việc, và ghi chép những suy nghĩ, ý tưởng bất chợt!

Suy nghĩ và ý tưởng bất chợt xuất hiện trong đầu Ngọ rất nhiều – và nó cứ thích xen ngang vào công việc của Ngọ. Bài viết chủ đề này là 1 suy nghĩ bất chợt, dù Ngọ đã định viết cách đây 6 tháng. Nhưng cảm giác không quan trọng, nhưng do tâm lý hỗn độn – nó thúc giục Ngọ viết bài này, và bỏ qua các chủ đề quan trọng hơn.

Ví dụ: Ưu tiên khung thời gian của Ngọ:

Buổi sáng: Làm việc

Buổi chiều: Có thể làm việc đa năng, không liên quan đến công việc chính, vui chơi hoặc đọc sách,

Buổi tối: Buổi tối tương tự buổi chiều.

Tương lai thì có thể khác, nhưng bây giờ lịch Ngọ chỉ là như vậy.

Và mọi sự kiện hỗn độn xin dành cho buổi chiều giải quyết, hoặc ghi vào sổ giải quyết sau, nếu thấy không cần thì bỏ luôn.

5/ Cố gắng kết thúc việc cần làm càng sớm càng tốt!

Công việc nào mà ta chưa xong, thì cứ “ở hoài” trong đầu. Khi bạn hoàn thành nó thì bạn mới quên đi và loại khỏi đầu óc. Đây cũng là 1 hiệu ứng tâm lý, xin lỗi Ngọ không nhớ tên, bạn có thể đọc cuốn Nghệ thuật tư duy rành mạch (Ngọ đã đọc) để rõ hơn.

Cái này, Ngọ chưa hẳn là làm tốt, tuy nhiên nó vẫn là định hướng của Ngọ trong thời gian tới.

Ngọ đã viết hơn 10 bài rồi, nhưng chưa post – và Ngọ cảm nhận những bài viết ấy đều chưa hoàn thành! Nó cứ ở trong đầu Ngọ, và thật sự không dễ chịu nếu cứ để đầu việc ấy lảng vảng trong đầu.

Bởi nó cũng khiến cho “sự hỗn độn” càng tăng thêm trong cuộc sống! Không hề tốt cho bản thân.

Để giải quyết tình tình trạng này có 3 cách:

  • Ghi lại bước thực hiện và thời gian cụ thể để đầu óc không nghĩ về nó. Vào tháng 9 tới, ta sẽ đăng ký học ABC.
  • Việc nào nhỏ, dưới 2 phút thì làm luôn. Chuyển tiền cho bạn A, nhắc B buổi gặp mặt chiều nay.
  • Cố gắng làm việc đơn nhiệm trong khung thời gian của mình, và cứ từ từ làm từng việc một – “dục tốc bất đạt”. Buổi sáng Ngọ sẽ viết, không muốn phải giải quyết việc khác.

6/ Loại bỏ nguồn hỗn độn!

Chiếc điện thoại, email, Zalo, Facebook, tin tức, cuộc gọi ai đó… là nguồn gây hỗn độn hàng đầu.

Bản thân Ngọ là người làm việc online, đầu tư chứng khoán! Nên Ngọ phải sử dụng nhiều chiến lược để loại bỏ và tránh những thứ này hết mức có thể.

Ví dụ: Để màn hình điện thoại trắng đen, chặn các trang website tin tức hoặc facebook, không vào các đội nhóm…

Nó giúp Ngọ giảm bớt hỗn độn và sự căng thẳng ảnh hưởng công việc. Khi loại bỏ nguồn hỗn độn, thì bạn sẽ có không gian và thời gian sống bạn chất lượng hơn.

Lời kết:

Cuộc đời sẽ không bao giờ hết sự hỗn độn. Để kết thúc bài viết, Ngọ quay trở lại vấn đề tài chính:

Khi bạn thu nhập 10 triệu/tháng bạn sẽ bị những “hỗn độn” 10 triệu bủa vây. Bạn nghĩ khi bạn có 100 triệu/tháng vấn đề sẽ được giải quyết. Nhưng khi ấy những hỗn độn ở mức 100 triệu sẽ phát sinh và bủa vây cuộc sống bạn!

Cuộc đời là 1 mớ hỗn độn, nên hãy chấp nhận sự hỗn độn cho cuộc đời vui nhộn!

Nguyễn Hữu Ngọ
Đào tạo chứng khoán & Tư vấn đầu tư
SĐT – Zalo: 096.774.6668
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
Chat Zalo: TẠI ĐÂY

BANNER-KHOA-HOC-2023-GIF

4 thoughts on “Cách TRỊ cuộc sống hỗn độn cho cuộc đời vui nhộn

  1. Hoàng Huy says:

    Dạo này Thầy thăng hoa trong công việc quá ạ… thấy mình may mắn thực sự khi đc biết và học từ Thầy. E chúc a và gđ thật nhiều sức khỏe để chia sẻ giá trị đễn vs mn.!

  2. Nguyễn Bá Khởi says:

    Cảm ơn anh đã chia sẻ kiến thức, suy nghĩ tới mọi người. Mong anh tiếp tục truyền cảm hứng tới mọi người. Chúc anh sức khỏe, hạnh phúc!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!