Đi lang thang khắp mọi miền Việt Nam, Ngọ học được nhiều bài học về tài chính và đầu tư từ những nơi xa lạ. Để Ngọ kể cho bạn nghe!
Trong năm 2022, Ngọ đã hoàn thành hành trình xuyên Việt, qua 63/63 tỉnh thành Việt Nam lần 2 của mình.
Nếu mà tính tổng thời gian để hoàn thành hành trình này là gần 2 năm.
Nguyên nhân là vì một phần 2021, dịch Covid nên hạn chế đi lại. Ngọ “dậm chân tại chổ” ở Cao Bằng tới 4 tháng trời. Một phần vì Ngọ đi phượt kiểu nghỉ dưỡng là chính. Gặp chổ nào hay, nơi nào đẹp, ưng cái bụng là ở một vài tuần mới đi qua chổ khác.
Chuyến xuyên Việt lần 2 này, Ngọ không đi theo kiểu lấy thành tích, mà đi để khám phá nhiều hơn.
Đây là cảnh nhà bè nuôi cá trên sông ở gần cồn Sơn Cần Thơ. Và như bạn thấy trong hình, Ngọ đang thử massage chân bằng cá Koi.
Ngoài cá Koi, nơi đây còn có những loài cá khá thú vị như cá cung thủ hay những loài cá siêu to khổng lồ, cá lóc bay… Có người sẽ thích màu sắc rực rỡ của cá Koi, người lại thích nét uyển chuyển của cá chép phụng…
Nếu bạn am hiểu về nuôi cá, giả dụ là ông vua của ngành nuôi cá đi. Bạn cũng chưa thể trở thành nhà Sinh vật học tài ba. Càng không thể vỗ ngực để chém gió về đủ mọi loài động vật trên trái đất này. Bạn chưa thông minh đến mức đó đâu.
Vậy mà đáng buồn thay, ngành tài chính lại đầy rẫy chuyên gia chém gió như vậy!
Bạn có biết cây cầu này ở đâu và tên là gì không?
Ngọ xin trả lời đây là cây cầu Xóa nợ ở Đà Nẵng. Gọi là cầu Xóa nợ vì nhiều người thua cờ bạc, lô đề, làm ăn, đầu tư… nhảy cầu để mong được xóa nợ.
Nói đến đây thì chắc nhiều bạn cũng sẽ biết nhiều cây cầu xóa nợ khác ở khắp Việt Nam.
Rõ ràng là mọi thứ từ làm ăn, kinh doanh, đầu tư, tình cảm… đều có những chuyện không như ý mình. Ông bà ta hay nói là ” Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên.”.
Trong kinh doanh và đầu tư, ai muốn giàu nhanh thường đánh cược rủi ro cao. Một là xây nhà lầu, hai là ngủ gầm cầu.
Ngọ thì thích triết lý giàu chậm mà chắc. Đi đúng đường thì dù chậm cũng sẽ về đích. Sai ngay từ bước đầu thì càng chạy càng phí công!
Nhắc đến Tây Nguyên thì không ai có thể quên hương vị cà phê Ban Mê.
Nói đến cà phê thì Ngọ lại nhớ đến câu chuyện về một làng tỷ phú nổi lên cách đây mấy năm.
Chuyện là vì cà phê và tiêu được giá nên có một làng nọ trở nên giàu có. Hàng năm người dân ở đây thu tiền tỷ. Mọi người ở đó hết xây biệt thự, sắm xe hơi rồi lại vay ngân hàng để mua thêm rẫy canh tác.
Sau vài năm, giá tiêu và cà phê rớt thê thảm, ngôi làng tỷ phú ngày đấy trở thành những con nợ. Có nhiều người phải bỏ đi biệt xứ để trốn nợ.
Ắt là giá cả được quyết định bởi nhiều yếu tố. Trong đó có quy luật cung cầu. Khi tiêu đang ít thì giá tiêu cao. Giá cao thì hàng trăm người đổ xô trồng tiêu. Đến lúc thu hoạch nhiều hơn nhu cầu thì giá rớt không phanh.
Làng tỷ phú nay chỉ còn là hoài niệm!
Bước hình trên là một đoạn thư của một họa sĩ, được treo trong bảo tàng ở Huế.
Đọc những giọng trên, chắc bạn cũng thấy cái ngông của người viết.
Tuy không biết bạn nghĩ gì, nhưng Ngọ rất thích cá tính của người họa sĩ trên. Thẳng thắn và đam mê là những gì Ngọ cảm nhận được. Người giỏi thường như vậy. Không a dua để xu nịnh hay lấy lòng người khác.
Người khác có thể vẽ vời những bức tranh màu hồng về đầu tư. Ngọ thì hay nói thẳng toẹt về chứng khoán, hay tạt gáo nước lạnh vào mặt để cho nhà đầu tư tỉnh mộng…
Khác với số đông, Ngọ hay chê bai những chuyên gia tài chính và đầu tư dở ngoài kia. Ngọ đang muốn giúp họ bớt hoang tưởng về năng lực bản thân – và Ngọ cũng muốn nhà đầu tư cá nhân bớt bị lùa, bị phỉnh.
Đây là bức hình Ngọ chụp ở chợ phiên Đồng Văn – Hà Giang. Bức hình này cũng được triển lãm ở cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc năm 2021.
Tất nhiên với nhiếp ảnh, Ngọ chỉ là một gã nghiệp dư. Thấy chổ nào hay hay thì cầm máy lên chụp chứ không phải dân nhà nghề.
Bạn thấy đấy, bây giờ ai có điện thoại trên tay đều có thể chụp ảnh. Nhưng để chụp được những bức ảnh đẹp thì không phải ai cũng chụp được. Ai cũng chụp ảnh được nhưng mấy người chụp ảnh mà kiếm được cơm?
Thậm chí, có nhiều người chụp đứt đầu, đứt chân, tối thui mà vẫn cho rằng mình chụp đẹp. Người nói ngọng thậm chí còn chẳng biết là mình nói ngọng. Nghe thì hơi vô lý nhưng thật 100% đấy.
Khi bạn học đại học, bạn rất dễ phát hiện lỗi sai của kẻ học phổ thông. Bậc giáo sư lại nhìn ra cái lỗi của kẻ có trình độ đại học.
Do vậy, khi bạn làm mà kết quả càng ngày càng tệ, hãy tìm người thầy giỏi để “bắt mạch” những lỗi sai của bạn. Xui xui, gặp phải thầy dởm thì “lợn lành chữa thành lợn què”.
Đây là bữa cơm đãi khách của đồng bào Mông ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Ở đây, chủ yếu là trồng lúa trên những quả đồi, mà sau này chúng ta nay gọi là ruộng bậc thang. Một số khác thì trồng thảo quả.
Cuộc sống của dân bản địa khá khó khăn, vì thu nhập thấp mà chi phí mua thức ăn lại khá cao, cộng với khí hậu khắc nhiệt.
Khi chúng ta đang háo hức được đi check-in ngắm tuyết ở miền núi phía Bắc, thì bạn có biết là nhiều bà con đồng bào đang khóc ròng vì mất mùa thảo quả.
Đi để thấy chúng ta quá may mắn!
Còn đây là ảnh Ngọ ở làng tranh Đông Hồ – Bắc Ninh. Ngoài tranh Đông Hồ, ở nước mình còn có nhiều làng tranh dân gian khác như tranh hàng Trống, tranh làng Sình…
Tuy vẫn được giữ gìn, bảo tồn và phát triển dòng tranh truyền thống, nhưng rõ ràng là ngày nay nhiều dòng tranh khác đang cạnh tranh khốc liệt với tranh Đông Hồ, tranh hàng Trống, làng Sình…
Cạnh tranh là một điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Cạnh tranh giúp thanh lọc những cá thể yếu ra khỏi thị trường, mang lại giá trị cho người tiêu dùng.
Kể cả cá nhân mỗi chúng ta, trong công việc đều có thể bị cạnh tranh và thay thế. Do đó, hãy luôn cải thiện và hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Làm sao để nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình trên thị trường lao động? Đó là đầu tư cho bản thân và kiến thức – phi vụ đầu tư có lãi nhất!
Nguyễn Hữu Ngọ
Đào tạo chứng khoán & Tư vấn đầu tư
SĐT – Zalo: 096.774.6668
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
Chat Zalo: TẠI ĐÂY