Ngọ đã từng đọc, 1 nghiên cứu hay cuốn sách, nói rằng người giàu sẵn sàng kiện người thân hơn người nghèo.
Đây là 1 ý kiến khá thú vị, trong khi chúng ta sống trong một nền văn hóa đại khái và chung chung.
Ngọ đặt câu hỏi: thế nào là giàu?
Nếu như lấy kinh tế học, hay luật pháp ra, thì ta dễ dàng biết thế nào là giàu và nghèo. Con số có thể rõ ràng, có thể ở góc độ % hoặc tuyệt đối.
Còn ở nền văn hóa chúng ta thì 1 tỷ có thể là giàu mà 100 tỷ có thể là nghèo.
I. Tiền bạc của ta mới có tính da thịt
Dần dần, xoay quanh cuộc sống Ngọ đều là những văn bản, hơn là nơi nói suông! Giống như những khái niệm rõ ràng và luật định!
Nếu cháu thi đậu đại học, cô sẽ cho 1 chiếc xe máy! – Rồi cháu đậu, nhiều khi chiếc xe máy chẳng thấy đâu. Chỉ là sự hững hờ của người ở lại.
Cuộc sống của Ngọ thích xoay quanh những văn bản về tính cam kết, và Ngọ đã thực hiện.
Nếu X đọc sách trong 3 tháng, mỗi ngày tối thiểu 1 dòng/1 trang và tối đa 1 tháng quên 1 ngày, thì Ngọ sẽ gửi tiền cho X. (X là 1 nhóm người thân). Tất nhiên có ký văn bản.
Tổng cộng những vụ này, Ngọ đã phải mất 30 triệu đồng! – Đó là tính da thịt cuộc chơi! Cho nên đối với Ngọ, ông nào nói mồm quá thì chỉ là nói mồm thôi. Bởi cái này nó không tốn chi phí.
II. Tiền bạc và người thân
Đến bây giờ, hầu như những văn bản kiểu này, tính tổng là Ngọ mất tiền kha khá, đôi khi thường ký 1 chiều kiểu khuyến khích hỗ trợ. Nhưng đôi khi là cũng kiếm được vài đồng từ người thân. Người nhỏ tuổi nhất là đứa lớp 2.
Với trò thú vị, nếu chú Ngọ đưa con trước X đồng, và trong 1 năm nếu chú thấy con 1 lần xem điện thoại, hoặc người thân thấy con cầm điện thoại thì sẽ mất 10.000/lần! – Hoặc là các trò chơi đánh bài, XYZ đủ trò.
Hoặc có 1 đứa cháu, giờ đang học đại học kinh tế HCM. Khi Ngọ ở Đà Nẵng, nó đến chơi vài hôm. Câu cửa miệng nó: “Thật là áp lực”.
Ngọ quy định chỗ chú, con có thể nói từ đó tùy thích, miễn mỗi lần con nói chú thu 2.000 đồng. Đủ tiền thì đích thân con phải đi mua nước ngọt chú uống. Ngày đầu vi phạm 5 lỗi, ngày 2 vi phạm 2 lỗi… và hết luôn từ đó.
Tính kỹ ra, Ngọ đã “tổn thất” vì mấy vụ văn bản này tầm 40 triệu đồng! Nếu bên kia hoàn thành những cam kết khác, trong vòng 3 năm tới, theo các văn bản “tổn thất” có thể lên đến 150 triệu đồng!
Cuộc đời này – sẽ thú vị hơn và có cam kết bằng văn bản, kèm tiền bạc. Chứ không nói suông! Đó là tính da thịt cuộc chơi.
III. Lời nói và hành động khi thiếu tính da thịt
Hầu như ta sống trong xã hội tài chính với văn hóa là nói quá nhiều. Lên mạng là chuyên gia, ai ai cũng có ý kiến về tài chính, kinh doanh, xã hội…
Ngọ để ý vì điều gì không có rủi ro, thường không đáng tin.
Dễ dàng nói là cổ phiếu A tốt? Tuy nhiên, ta lại không mua A.
Nhiều khi ta nói mua cổ phiếu định giá thấp, doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, đội ngũ lãnh đạo sáng suốt, phải điểm mua hợp lý. Nhưng kết quả đầu tư, thì trước đây tự tin trước mặt vợ vì thu nhập cao. Tuy nhiên, giờ không dám nói về tiền với vợ: anh vừa thua 500 triệu đồng!.
Ngọ có nhiều màn lọc để đánh giá 1 sự kiện, và 1 trong những màn lọc đó là da thịt trong cuộc chơi.
IV. Tiền của người khác, chuyện của người khác
Ví dụ, ta dễ dàng nói sống hiền hậu, nhưng khi phát khùng lên ta vẫn chửi như thường.
Nhiều khi Ngọ cũng vậy thôi, nếu bạn không cảm thấy thế, thử để 1 ai đó tán con bạn 1 phát, xem bạn thế nào?.
Cho nên nếu thầy tu nói phải sống không tham. Tuy nhiên cổ phiếu HPG tăng quá mà muốn xây chùa nhanh hơn, thì vẫn có người liều đầu tư tiền vào Hòa Phát.
Có con mới thấu nỗi lòng cha mẹ
Ông bà ta hay nói là: “Có con mới thấu nỗi lòng cha mẹ”.
Một tiến sĩ – bác sĩ nhi khoa có thể kê đơn thuốc cho những đứa trẻ khác, nhưng lại rất sợ kê đơn thuốc cho con mình. Khi con của cô bác sĩ này bị đau, cô còn đi tham vấn lời khuyên của những bác sĩ khác nữa. Và cô nói với sinh viên của mình: Khi nào em có con mới thấu hiểu.
2 câu chuyện trên, là câu chuyện có thật, Ngọ được kể từ người khác – mà người đó nghe trực tiếp từ chia sẻ trong cuộc.
Vì có những thời gian nghiên cứu về con người, nên Ngọ hết sức thấu hiểu và thông cảm với những vị trên. Bởi cảm xúc chưa trải nghiệm thì thực sự khó.
Thực ra, Ngọ ngưỡng mộ 2 vị trên, vì chia sẻ những khó khăn và bài học của mình. Vì chúng ta chỉ toàn nói miệng là cần X để tốt hơn mà chưa từng trải qua.
Những cái gì trải qua thì Ngọ sẽ kết hợp giữa tính da thịt cuộc chơi và khoa học. Còn chưa trải qua, thì Ngọ sẽ nói về khoa học – và trải nghiệm của người khác – dù thực tế, Ngọ biết để thấu hiểu điều này rất khó.
V. Tính da thịt trong chứng khoán
Trong đầu tư, ở Soros có thể nói 1 đằng, sau đó 1 tiếng sau ông thay đổi. – Bởi ở trong sự nghiệp đầu tư của ông, điều này là cần thiết. Dù người khác sẽ thấy khó chịu, với 1 người xoay như chong chóng!
Vì Ngọ đầu tư cho người khác, về mặt tâm lý sẽ khó khăn khi mua cổ phiếu X sau đó 1 tuần lại bán cổ phiếu X đó, với mức giá y chang không đổi. Trong khi Ngọ nói mua vì rẻ!
Vừa kiên định, vừa dễ thay đổi ý kiến mới là nhà đầu tư tốt. Có nghĩa ta nên hiểu là chiến lược chậm thay đổi, nhưng chiến thuật thì thay đổi, tùy vào góc nhìn và thời cuộc. Nhiều người sẽ thấy đứa này lạ quá.
Dạo gần đây, Ngọ đang luyện tập góc nhìn 2 chiều – dù về định hướng là tư duy 4 chiều. 2 chiều tức là phải nhìn 2 mặt cùng 1 vấn đề!
Vì yếu tố thành kiến chứng thực, nên thực tế dù chúng ta hay nói cái gì cũng có ưu nhược, hay tùy cái tùy hoàn cảnh. Nhưng Ngọ thấy đây chỉ là câu cửa miệng về phản đối ý kiến người khác để trông có vẻ khách quan và lịch sự hơn, hiếm khi thực sự họ thấy 2 mặt của một vấn đề.
Hầu như chúng ta chỉ nhìn thấy 1 mặt. Bởi thế Ngọ nói, Ngọ đang luyện điều này để nó trở thành phản xạ, và sau này nâng lên tư duy 4 chiều.
Cho nên thay vì chỉ nói, thì ta thực hành – nó có tính da thịt cuộc chơi. Hãy để cho CPU não của bạn chạy nhiều luồng hơn.