Nhiều người không muốn chơi chứng khoán, nhưng 2022 thật thú vị khi cho chúng ta góc nhìn mới. Đó là chứng khoán hóa mọi thứ.
Dù tưởng đó là 1 công việc rất bình thường. Ví dụ gia đình, cố gắng chạy đông chạy tây để qua Nhật làm việc, và gửi về chăm lo cho gia đình.
Không kể cuộc sống từ gói phở, nhà đất… cũng biến động. Một trong những trải nghiệm là chứng khoán hóa tiền tệ giữa đồng yên và tiền đồng Việt Nam.
Khi đồng lương xoay quanh tỷ giá.
Từ thời giữa 2016-2021, tiền yên xoay quay 200-220vnd. Đồng nghĩa khi bạn gửi 10 Man Nhật (100.000 yên) sẽ được trên dưới 21 triệu.
Thậm chí những anh chị em xa nhà gần đây, thời cuối 2020 đầu 2021 là tầm 225 đồng/1 yên
Còn bây giờ dưới 165 đồng/yên.
Giảm 27%!
Kiểu như:
“Lúc 20x thì bảo chờ 21x gửi về.
Lúc xuống còn 19x thì bảo thôi cố đợi lên 20x.
Lúc xuống 18x thì lại bảo thôi cố đợi lên 19x.
Lúc xuống 16x kêu toang:))”
Hoặc:
“Hồi 206 vẫn còn tiếc ko dám gửi, tụt xuống 200 vẫn bảo : để nó lên tí nữa.
Lúc 19x thì: chắc nó sớm về 200 thôi,
Nào ngờ nó đi mãi mà ko thấy về”
Chắc anh em ở Nhật sẽ cảm nhận rõ điều đó.
Mà thực tế không chỉ ở Nhật mà là ở hầu hết quốc gia khác, như Hàn Quốc, Đài Loan …đều mất giá đồng tiền so với tiền Việt.
Do đó, dù 1 người lao động bình thường – thì thành ra phần tiền lương vẫn lên xuống như chứng khoán.
Tránh không khỏi nắng!.
Ai sẽ là người được hưởng lợi?
Khi Ngọ có cuộc sống tự do, 1 dạng phong trào FIRE – Ngọ bắt đầu thích nhìn ra thế giới nhiều hơn. Tất nhiên khi các nước mất giá, tiền đồng tăng giá – thì những người có con du học, đi du lịch, hoặc nhập hàng về bán sẽ lợi hơn.
Ví dụ khi Ngọ qua Thái, đi thăm hoàng cung – 1.000 baht/2 người – trước đây có mức giá tầm 750 , thì giờ chưa tới 630k!
Hoặc qua Lào, người ta nói ở đây đắt đỏ – nhưng thực tế về cơ bản – Ngọ thấy khá rẻ.
Vào quán Amazon, uống ly trà xanh latte tại Luang Prabang, tầm 25.000 đồng Việt Nam, trong khi ở Việt Nam như Highland, Coffee House, hay Cộng Café phải 50k. – Bởi tiền Lào mất giá 1 nửa!
P/S: Đồng nội tệ mất giá thì lạm phát cũng tăng, nhưng thời điểm Ngọ đi – dù tiền Kíp mất giá 1 nửa, nhưng các nhu yếu phẩm cũng tăng, nhưng không phải tăng gấp đôi. Nên Ngọ mua được rẻ hơn trước đây!
Luận về Bộ ba Bất khả thi:
Trong bộ ba bất khả thi:
(1) Tỷ giá hối đoái cố định
(2) Tự do lưu chuyển vốn
(3) Chính sách tiền tệ độc lập.
Một quốc gia chỉ chọn 2 trong 3 để thực hiện.
Quốc gia nào làm cả 3 sẽ rơi vào khủng hoảng (thực tiễn năm đầu năm 1990 ở các quốc gia châu Á).
Ở Việt Nam – nói về vấn đề tỷ giá: Việt Nam thực thi cơ chế neo tỷ giá có điều chỉnh (crawling peg) – nó thiên hướng gần với tỷ giá hối đối cố định hơn là thả nổi.
Bởi vì vậy, mà đồng tiền Việt Nam rất ít mất giá với USD, trong khi các đồng tiền khác như yên, euro, won, baht Thái… mất giá nhiều. Ở mức độ tương ứng – các đồng tiền khác mất giá so với tiền Việt, và tiền Việt tăng giá so với các đồng tiền khác.
…
Xa hơn tí trong cuộc đời – cũng có những điều bất khả thi. Nếu chúng ta cái gì cũng muốn thì chúng ta chẳng được cái gì.
Ví dụ trong đầu tư, ta tạm giả định:
Năng lực – Lợi nhuận – Rủi ro.
- Đòi hỏi bạn phải giỏi hơn, nếu bạn muốn lợi nhuận cao hơn, rủi ro thấp hơn.
- Đòi hỏi chấp nhận rủi ro cao, nếu năng lực bạn chưa cao, muốn lợi nhuận cao.
- Chấp nhận lợi nhuận thấp, nếu bạn muốn rủi ro thấp, mà năng lực chưa cao.
3 dòng trên thì Ngọ nói vui nhưng không sai đâu. Bản thân Ngọ chọn vế đầu: phải giỏi, nên ngay cả bây giờ dù mức sinh lời Ngọ rất tốt, Ngọ vẫn cứ học thôi. Học suốt đời!
Rồi giá cả các mặt hàng như xăng dầu, cá, tôm, heo lợn, cà phê, hồ tiêu… cũng lên xuống như chứng khoán.
…
Cho nên cuộc sống cũng chứng khoán mà thôi!
Cho nên bây giờ không biết chứng khoán cũng không được.
Cho nên phải chủ động đến với nó thôi.