Ở tuổi 31! Ngọ chọn 1 cuộc sống mới: Nghỉ hưu

Ngay lúc thời sinh viên, Ngọ có 1 mục tiêu: Đạt số tiền X và nghỉ hưu tại thời điểm 40 tuổi.

Tại lúc này, số tiền X thì chưa đạt, nhưng Ngọ quyết định nghỉ hưu sớm 9 năm so với mục tiêu cá nhân, và trước 30 năm so với mốc chuẩn đời người

Nghỉ hưu là lựa chọn phong cách sống. Ngọ quyết định nghỉ hưu khi Ngọ tròn 31 tuổi + 4 tháng!

Số tiền X, Ngọ tin (xác suất cao) mình sẽ cán đích cũng sớm thôi!

Và Ngọ cũng chia sẻ thêm những vấn đề liên quan đến việc nghỉ hưu:

I. Về tài chính để nghỉ hưu sớm:

Phuot-0820-8-Ban-Don
Bản Đôn – đi tìm chú voi con

Ngọ là dân đầu tư, thì tiền là đội quân của mình, không có quân thì tướng cũng bất lực. Không có tiền, thì giống như võ sĩ đánh nhau, mà bị trói tay.

“Không tiền thì cạp đất mà ăn”. Cho nên khi quyết định nghỉ hưu sớm, bạn cũng phải đảm bảo một cuộc sống của mình.

Nhưng bao nhiêu tiền là đủ?

Có người thấy 10 tỷ bảo nhiều, có người bảo 100 tỷ rất ít! Thế giới này 9 người 10 ý, tranh luận hoài chẳng đi tới đâu.

Banner-11-2023-Uy-thac-dau-tu-tu-van-chung-khoan

Người thì thấy nó bấp bênh dù có số tiền lớn, kiểu lỡ như bệnh tật quá nặng cần tiền chạy chữa, lỡ như sau này con du học phải có tiền lo tương lai cho nó.

Người ta hay nói từ “lỡ như” – theo ngôn ngữ toán học: lỡ như = khả năng xảy ra xác suất thấp. Ngọ cho bạn góc nhìn trái ngược: “Lỡ như” khi bạn đủ tiền, trong quá trình đi “làm thêm” ấy, “lỡ như” bạn lại gặp tai nạn lao động chết thì sao? – Ngọ quái gỡ nhỉ (mục đích là cho bạn nghĩ về thái cực vế đối diện để hiểu cái gì cũng có giá của nó).

Nếu bạn làm việc vì bạn thích, bạn làm việc là cách tận hưởng thì quá tuyệt vời. Vậy là bạn đang chơi rồi, không còn là làm việc nữa. Bạn là số ít!

Tuy nhiên, khi quá đủ tiền mà ngày nào cũng không thích công việc, thậm chí stress, thì nên chấp nhận hi sinh (một phần) thu nhập để có cuộc sống ý nghĩa – nó cũng đáng lắm!

Tiền càng lên cao thì sự buông bỏ càng thấp. Ví dụ bạn thu nhập 1 tỷ/năm, và dù bạn có 10 tỷ đồng đi, bạn có dám nghỉ hưu thu nhập còn 200 triệu/năm không? Về tâm lý học, con người sẽ thấy mất 800 triệu/năm mà không thể buông bỏ.

Rồi tiếp tục bạn sẽ nói: Khi có 100 tỷ mình sẽ nghỉ hưu, nhưng khi đó thu nhập sẽ là 10 tỷ/năm, bạn nghỉ hưu bạn sẽ thu nhập 2 tỷ/năm – bây giờ mất 8 tỷ/năm.

Nỗi đau mất tiền cứ thế tăng lên, bởi bạn quyết định nghỉ hưu là lúc bạn đánh đổi nhiều nhất. Và khi sự mất mát về sau càng lớn, dẫn đến dũng khí bạn dám càng nhỏ dần.

Trong tài chính, toán học: Một đồng nó chỉ là một đồng, nó là con số. Nhưng xét về tâm lý học hành vi, 1 đồng bạn mất đi nó sẽ cay cú, đau khổ hơn rất nhiều so với niềm vui mà bạn nhận được 1 đồng.

Vì con người đan xen tâm lý vào trong tài chính, nên đối với số đông – tiền bạc là trò chơi kéo dài bất tận đến chết.

Hồi xưa, thời Ngọ làm Viettel, có anh T (được bình chọn là người sáng tạo, và có những ý tưởng đột phá trong công việc nhất phòng – mà phòng Ngọ hồi xưa tự sướng là có IQ trung bình cao nhất tập đoàn) – hồi đó ảnh nói cũng ngán làm cho Viettel rồi, muốn ra ngoài làm riêng, nhưng một mức thu nhập cao tại thời điểm ấy, anh nghĩ ra ngoài sẽ kiếm nhiều hơn, nhưng lại gặp từ “lỡ như”… Tất nhiên, sau nhiều năm, anh cũng ra ngoài khởi nghiệp và có những thành quả nhất định.

P/S: Chia sẻ thêm, là Ngọ biết ơn Viettel rất nhiều! – Mời bạn đọc: Những gì Ngọ học được từ thời kỳ làm Viettel?

Sự buông bỏ của con người là một khả năng là cả về lý tính và tâm lý. Quay lại câu hỏi về tài chính: Bao nhiêu tiền là đủ để nghỉ hưu?

Theo một cuốn sách về đầu tư, William Bengen 1994, mà cũng là thông lệ của người về hưu sớm, số tiền bạn phải có:

Tiền bạn có >=25 lần chi tiêu hàng năm gia đình bạn.

  • Nếu gia đình bạn chi tiêu 20 triệu/tháng = 240 triệu/năm. Bạn phải có tối thiểu 6 tỷ đồng.
  • Nếu gia đình bạn chi tiêu 50 triệu/tháng = 600 triệu/năm. Bạn phải có tối thiểu 15 tỷ đồng
  • Nếu gia đình bạn chi tiêu 100 triệu/tháng = 1,2 tỷ/năm. Bạn phải số tiền tối thiểu là 30 tỷ đồng.
  • Nếu gia đình bạn chi tiêu 500 triệu/tháng = 6 tỷ/năm. Bạn phải có số tiền tối thiểu 150 tỷ

Do đó, mấu chốt để biết được số tiền bạn nghỉ hưu được là dựa vào mức chi tiêu của gia đình bạn.

Ngọ có thói quen ghi chép chi tiêu từ năm 2016 đến nay (Mời bạn đọc bài này). Khi thu nhập Ngọ cao hơn, Ngọ cũng chi tiêu cao hơn, và tính theo tỷ lệ trung bình hàng tháng thì nó đạt đỉnh vào năm 2020. Năm 2021, dù vợ và Ngọ dành thời gian để đi khắp Việt Nam toàn thời gian, nhưng thực tế là chi tiêu hàng tháng (tính trung bình trong 8 tháng, Ngọ viết bài này cuối tháng 8/2021) chỉ tầm 80% so với 2020!

Sau khi đối chiếu nhiều chiều. Nếu duy trì mức sống như hiện tại (hoặc hơn xíu) thì Ngọ đủ tiền để nghỉ hưu rồi!

Phân tích thêm bảng chi tiêu và danh mục đầu tư, nên nếu lấy tiền cổ tức mà sống (chưa kể khả năng tăng giá của cổ phiếu) thì sống cũng ổn rồi.

Chưa kể, Ngọ làm “lặt vặt” thì gia đình Ngọ vẫn đủ tiền mà sống (vẫn có dư), mà không cần đụng đến tiền đầu tư.

Mỗi người sẽ có suy nghĩ khác nhau về tiền, nhưng bạn có thể nhớ 1 mẹo:

Quy tắc 4%: Số tiền bạn có >=25 lần chi tiêu hàng năm gia đình bạn, thì bạn có thể nghỉ hưu. (Con số 25 tức là bằng 100 chia cho 4%)

Còn bạn chưa cảm thấy ổn, hãy xài quy tắc 3%: Tức là số tiền bạn có >= 33 lần chi tiêu hàng năm của gia đình bạn.

Đối với bản thân cá nhân Ngọ, về tài chính – Ngọ đã ĐẠT tiêu chí này.

II. Về lối sống để nghỉ hưu sớm:

Anh-song-Da
Bên dòng sông Đà hùng vĩ

II.1 Hướng lối sống về bên trong để nghỉ hưu sớm!

Để nghỉ hưu sớm, bạn sẽ phải đảm bảo Tổng số tiền >=25 (33) lần chi tiêu hàng năm. Vì ở Việt Nam có tính lạm phát cao, nên số tiền này không nên chỉ là ở tiền mặt hay gửi ngân hàng.

Số tiền này bạn có thể đầu tư các kênh tài chính như chứng khoán (áp dụng cho người hiểu lĩnh vực này), hay đơn giản mua phòng trọ cho thuê… Miễn sao số tiền từ cổ tức hay cho thuê nó phải lớn hơn chi tiêu hàng năm.

Để có tiền, bắt buộc bạn phải có hiểu biết và kỹ năng để kiếm tiền, quản lý tiền, và bắt đồng tiền sinh tiền cho mình.

Để xác định, tổng số tiền cần có là bao nhiêu? Bạn phải biết được tổng chi tiêu hàng năm của gia đình bạn là bao nhiêu? 150 triệu, 300 triệu, 500 triệu, 1 tỷ, 2 tỷ đồng/năm?

Số tiền chi tiêu càng nhỏ, thì tổng số tiền bạn đạt được để nghỉ hưu sớm và tự do tài chính càng nhỏ. Cái này, không thể ép bản thân được, nhưng ta cần chi tiêu hợp lý “ở mức đủ” nhưng không “lãng phí” – Bạn nào muốn tiết kiệm tiền, thì đọc bài tại đây

Khi bạn hướng cuộc sống bạn ra bên ngoài, thì bạn sẽ thấy người ta sắm cái này, cái kia, mua điện thoại đắt nhất, đổi ô tô, cà phê, du lịch liên tục. Nhưng khi bạn hướng vào thế giới bên trong, hạnh phúc đơn giản hơn nhiều. Bản thân là người hướng ngoại, nhưng Ngọ thích suy nghiệm, tư duy về cuộc đời, và thích hướng vào thế giới bên trong hơn.

II.2 câu chuyện ý vị về cuộc đời để nghỉ hưu sớm

Chúng ta luôn có nguyên cớ để giải thích cho cuộc sống của ta, nhưng 2 câu chuyện này sẽ cho thấy nếu bạn chịu nghiên cứu sâu, thì số tiền nghỉ hưu sẽ cũng nhỏ thôi.

Thậm chí, khi bạn giải phóng được đầu óc, bạn còn kiếm được nhiều tiền hơn và nhàn hơn.

Chuyện bên Tây:

Khi đẩy về cực hạn, Elon Musk (chủ Tesla, và phóng tàu lên vũ trụ SpaceX, tại thời điểm viết bài có 180 tỷ USD, và người giàu thứ 2 hành tinh), Elon Musk từng thử sinh sống ở New York trong 1 tháng với chi phí ăn uống là 1 đô la/ngày! (Thu nhập bình quân ở Mỹ khi đó tầm 25.000 USD/năm – Việt Nam thu nhập hiện tại là 3000 USD/năm).

Sau đó, ông chia sẻ đó là bước khởi đầu để ông đạt thành quả như bây giờ, bởi ông không sợ chết đói nữa. Và khi ta không bị áp lực tài chính nữa, ta sẽ giải phóng những tiềm năng to lớn…

Khi còn nô lệ của đồng tiền, thì bạn sẽ không thể thực hiện những ước mơ.

Chuyện bên Ta:

Trong lần đi đến Huế gần nhất 2021, gia đình Ngọ lại thăm Hoàng Thành – lần thứ 4 vào đây. Ngọ chú ý đến bức ảnh tư liệu, cách đây tầm cộng trừ 100 năm, thời đó tùy nữ, binh lính không mang dép – chị thuyết minh còn chia sẻ hồi đó không có dép mà mang. (Có dép đã là sang)

Rồi khi đọc tư liệu về Huế, do một người Pháp, rất khách quan viết – thời ấy đến dịp tết, quan nhỏ được thuộc cấp biếu cặp vịt là sang lắm, quan rất lớn, thì được quan cấp dưới biếu con heo. (P/S: Trước kia xem phim Trung Quốc quá, tưởng là bào ngư, vi cá… đủ kiểu, đúng là phim).

Giờ chắc bạn ăn thịt heo, hay vịt là chuyện thường dân trong bữa ăn hàng ngày rồi. Chúc mừng bạn có cuộc sống sung túc hơn các quan, thậm chí là quan lớn cách đây 100-200 năm!

Quay về thời kỳ bao cấp, chiến tranh… cách đây 50 năm, ăn thì khoai cõng cơm, tem phiếu, thầy giáo thì cả năm được 1-2 bộ đồ, đói khổ …

Bạn cũng đã giàu hơn chính cha mẹ, ông bà chúng ta cách đây 50 năm!

Qua 2 câu chuyện, Ngọ mong muốn bạn hãy chi tiêu hợp lý và tiết kiệm. Để tự do và nghỉ hưu sớm, bạn cần kỹ năng quản lý tài chính cá nhân tốt.

Một doanh nghiệp lợi nhuận  =  0, giống như con người không có tiền tiết kiệm, làm đồng nào xào đồng đó.

Thu nhập – Chi phí = Lợi nhuận. Lợi nhuận tích lũy >= 25 hoặc 33 lần chi phí hàng năm được xem là tự do!

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” – Hồ Chí Minh.

Ta nên  định hướng câu nói này theo kiểu thời đại mới.

II.3 Quay lại chuyện của Ngọ:

Bản thân Ngọ là người sống tối giản, cái này khởi sự là để đầu óc giảm tải suy nghĩ về vật chất, và để tiết kiệm tiền bạc.

Mời bạn đọc: Lợi ích Ngọ nhận được từ khi thực hiện lối sống tối giản?

Sống lâu thành quen, dường như không có nhiều nhu cầu về tiền hay sở hữu. Mà tăng trải nghiệm, 3-4-5 năm nay, đâu có chịu sống yên một chỗ đâu. Chứ đi đi về về giữa Sài Gòn và các tỉnh, chủ yếu là đi chơi.

Có 1 lần đi thăm cô giáo chủ nhiệm lớp 9 (cách đây tầm 3 năm), cô nói – sao cuộc sống em giống người về hưu vậy? Ngọ ngớ người ra – mình đã có “cốt cách” nghỉ hưu sớm rồi sao?

Sau đó, công việc cũng tốt lên dần, và Ngọ lại tái cấu trúc thêm để nhiều thời gian, và thực sự bây giờ, như vợ Ngọ hay trêu:

“Cả năm anh không mua được cái áo, hai vợ chồng công việc thì chẳng có – thất nghiệp, tối mai thì chẳng biết ngủ ở đâu.” – Một cựu bác sĩ cho hay!

Hồi xưa, khi Ngọ độc thân, người ta sẽ nói có vợ sẽ khác, sẽ khó hơn… đủ thứ bla bla. Điều đó có thể đúng với nhiều người, nhưng đúng với Ngọ theo cách hoàn toàn khác hẳn: đi chơi nhiều hơn, ít làm hơn… vợ rời ngành y và 2 vợ chồng cùng nhau bước qua 48 tỉnh thành rồi!

Nói về lối sống, thì Ngọ – gọi thời điểm tối giản là 3 năm, nhưng thực ra đã có thâm niên 5 năm! Khi đã sống nó hoài, thì về lối sống chẳng có gì thay đổi nhiều!

III. Công việc và cuộc sống khi “nghỉ hưu tuổi 31”

Ngam-ruot-bac-thang
Ngắm ruộng bậc thang

1 Tâm niệm của việc nghỉ hưu ở độ tuổi 31

Ngọ rất thích một câu chuyện, và giờ Ngọ chia sẻ lại cho bạn:

“Xưa có một lão hòa thượng sống trong ngôi chùa cổ trên núi cao. Một ngày kia có vị hành giả ghé thăm chùa. Hành giả biết lão hòa thượng đã tu hành đắc Đạo, bèn hỏi ông rằng: “Trước khi đắc Đạo, ngài đã làm những gì?”

Lão hòa thượng trả lời: “Ta chẻ củi, gánh nước, nấu cơm.”

Hành giả hỏi: “Vậy sau khi đắc Đạo thì sao?”

Lão hòa thượng nói: “Ta vẫn chẻ củi, gánh nước, nấu cơm.”

Hành giả lại hỏi: “Vậy cái gì gọi là đắc Đạo?”

Lão hòa thượng ôn tồn trả lời: “Trước khi đắc Đạo, lúc chẻ củi thì nghĩ về gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ về nấu cơm, nấu cơm rồi lại lo ngày mai đi chẻ củi gánh nước. Sau khi đắc Đạo, chẻ củi thì là chẻ củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì là nấu cơm.”

Thực sự, khi bạn thèm khát cái gì đó như: cái nhà, hay ô tô, smartphone xịn xò, những chuyến đi chơi không deadline, hay tự do về tài chính, nghỉ hưu  sớm… thì bạn luôn thấy cái đó lấp lánh, vì bạn chưa sở hữu nó.

“Những thứ không đạt được, chúng ta sẽ luôn cho rằng nó đẹp đẽ, chính vì bạn hiểu nó quá ít, bạn không có thời gian ở chung với nó. Nhưng rồi một ngày nào đó khi bạn hiểu sâu sắc, bạn sẽ phát hiện nó vốn không đẹp như trong trí tưởng tượng của mình.” – Phật giáo

Khi ta chưa đạt được, ta sẽ tưởng tượng… nghỉ hưu sớm, chỉ biết ăn ngủ, vui chơi, du lịch… đủ kiểu. (Cũng như bạn mới mua chiếc ô tô đầu tiên, bạn ngắm nghía nó, lau chùi nó, nhìn thấy ô tô là nhìn thấy sự thành công của mình – nhưng thời gian sau khi mất sự háo hức ban đầu, thì ô tô chỉ là ô tô hay phương tiện, nhiều lúc chẳng khác chiếc xe đạp là bao).

Tại sao, đa cấp nói chung, và đa cấp tài chính nói riêng, cứ mãi thành công về một thứ “khoe” cũ rích! – Nào là túi xách hàng hiệu, nhà lầu, xe hơi, đi chơi sang chảnh… nói chung là “mùi tiền – tiền – tiền”… Rồi bạn đối chiếu với cuộc sống và công việc đầy áp lực của mình, bạn muốn giàu thật nhanh để giải thoát nó.

Ngọ thẳng thắn mà nói: “Thứ giàu nhanh chỉ có trên bẫy chuột”!

Thực sự, khi nghiên cứu về những người nghỉ hưu sớm trước Ngọ, thì thấy đặc điểm chung là:

“Họ tự do về thời gian, họ tự do về địa điểm, tự do về tâm trí, tự do về công việc.”

Ví dụ, những phản biện: “Nghỉ hưu là không đóng góp cho xã hội?”, là “sự trốn chạy, không chịu nổi áp lực”, “nghỉ hưu là nằm dài ra mà ăn”, “hắn là người thất nghiệp”.

Buffett từng nói: “Dù bạn có quan điểm gì, thì cũng có người suy nghĩ ngược lại với điều đó”. Thật nhẹ nhõm là sao với những thứ trái chiều!

Ngọ thích thú với hiệu ứng Dunning-Kruger, có 2 loại người thích nói về vấn đề X, tức là họ là người chẳng hiểu gì về X, hoặc họ là người hiểu sâu sắc về X. Vế đầu chiếm phần đông!

Hầu hết những người nói về chuyện nghỉ hưu sớm, thì chưa đủ thành tố để mà nghỉ hưu sớm! Để được nghỉ hưu sớm, đã phải có hành trình mô hôi, đáng học hỏi rồi!

2. Về công việc sau nghỉ hưu

“Làm những gì mình thích thì đó không phải là công việc mà là thực hiện niềm đam mê của bản thân.” – sưu tầm

Khi 20+ Ngọ mong muốn đạt được X tiền, và nghỉ hưu ở tuổi 40. Rồi ở tuổi ngấp nghé 30, Ngọ lại suy nghĩ mới: “Ngọ sẽ làm việc đến chết” – bởi Ngọ thích công việc Ngọ đang làm.

Rồi khi Ngọ ở tuổi 31 + 4 tháng:  Ngọ quyết định nghỉ hưu!

Dù thực tế “nghỉ hưu sớm” hay là “làm việc mình thích đến chết”, thì tâm thế Ngọ lúc 20 tuổi hay 30 tuổi cũng chẳng khác mấy. Bản chất là giống nhau, chỉ khác nhau là cách dùng từ!

Đối với người 60 tuổi và nghỉ hưu, theo quan sát Ngọ thấy thì cũng cơ bản là không làm việc cơ quan nữa, ví dụ giáo viên thì về làm vườn, hay nhân viên y tế về hỗ trợ cộng đồng “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Bởi khi quyết định nghỉ hưu, Ngọ chỉ muốn làm những việc mình muốn và ở bên cạnh người mình muốn!

Như vậy, bạn sẽ không bị tiền sai khiến phải làm nữa! Giải phóng tâm trí, thì bạn sẽ làm việc tốt hơn.

Bạn làm công việc bạn không thích, phải chịu đựng ông sếp mình không thích, và đồng nghiệp khó ưa! Thì tâm trí bạn chỉ tìm cách đối phó, và một ngày làm việc là 1 ngày cam chịu.

“Đến thời điểm bạn phải làm những điều mình muốn. Làm công việc mà bạn yêu thích. Bạn sẽ nhảy ra khỏi giường vào buổi sáng. Tôi nghĩ rằng bạn sẽ phát điên nếu tiếp tục làm công việc mà mình không thích chỉ vì bạn nghĩ nó sẽ khiến hồ sơ của bạn đẹp hơn. Như thế chẳng khác nào để dành ‘sex’ đến khi già” – Warren Buffett

Ví dụ, bạn thấy Ngọ gõ những chia sẻ này, (nếu xét khía cạnh công việc, thì nó sẽ tốn thời gian và công sức) – Còn đối với Ngọ, Ngọ đơn giản là đang chơi, bạn đọc bài này giống như Ngọ và bạn đang trò chuyện cùng nhau.

Bởi giờ, thẳng thắn mà nói, Ngọ không thấy Ngọ đang làm việc. Không có thời gian biểu, không có thứ 2 hay là chủ nhật! Không bị áp lực về tài chính, không bị gò bó về thời gian, địa điểm.

Để chọn 1 cột mốc đáng nhớ: Ở tuổi 31 – Ngọ chọn cuộc sống mới: Về hưu!

Bài này sẽ là bài khởi đầu để chia sẻ về Series: Nghỉ hưu ở độ tuổi 3X của Ngọ. Mời bạn sẽ đón đọc!

P/S:

Ngày 02/09/1945 – Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập, tại quảng trường Ba Đình

Ngày 02/09/2021 – Ngọ post tuyên bố “nghỉ hưu sớm ở độ tuổi 31”, tại Cao Bằng!

Nguyễn Hữu Ngọ
Đào tạo chứng khoán & Tư vấn đầu tư
SĐT – Zalo: 096.774.6668
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
Chat Zalo: TẠI ĐÂY

BANNER-KHOA-HOC-2023-GIF

7 thoughts on “Ở tuổi 31! Ngọ chọn 1 cuộc sống mới: Nghỉ hưu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!