Chỉ số P/E âm nghĩa là sao? Cách chọn cổ phiếu khi P/E âm

Tỷ lệ P/E âm nghĩa là doanh nghiệp bị lỗ, nhưng nếu lỗ tạm thời thì cổ phiếu dễ X2 tài khoản cao hơn.

Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư không rõ ý nghĩa và cơ hội để đầu tư vào những cổ phiếu dạng này. Ngọ sẽ chia sẻ với bạn tất tần tật về trường hợp này.

I. Chỉ số P/E bị âm thì sao? Chỉ số P/E âm nghĩa là sao?

Chỉ số P/E tính bằng cách chia giá hiện tại của cổ phiếu của công ty cho thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS).

Ví dụ: Giá cổ phiếu là 15 đồng, và EPS = 1,5 đồng, thì P/E = 15 / 1,5 = 10.

Nếu kết quả tính của P/E là âm, và vì giá cổ phiếu luôn >=0. Điều đó có nghĩa là công ty hiện đang chịu thua lỗ và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) là âm.

Thông thường, đây là một tình trạng tài chính xấu đối với một công ty niêm yết và có thể gây lo ngại cho các nhà đầu tư. Nhưng đối với một số loại hình doanh nghiệp, đây là  cơ hội để chúng ta mua về vì giá xuống thấp kỷ lục.

DN có PE am
Đây là minh họa những doanh nghiệp vốn hóa >1000 tỷ và có P/E âm

II. Lý do doanh nghiệp có P/E âm?

Vì chúng ta biết P/E âm, là doanh nghiệp có lợi nhuận lỗ. Thông thường doanh nghiệp lỗ thường không tốt.

Banner-11-2023-Uy-thac-dau-tu-tu-van-chung-khoan

Nhưng nhiều doanh nghiệp trên thế giới lỗ trong thời gian dài như Amazon, Tesla. Ở Việt Nam cũng có đó là trường hợp xảy ra đối với Grab hoặc Tiki. Dù lỗ như vậy, nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng trong thời gian đó.

Có 2 trường hợp doanh nghiệp lỗ:

  • (1) Một là vì nó yếu kém dẫn đến “lỗ bền vững”.
  • (2) Hai là lỗ mang tính chất “lỗ tạm thời”.

Một số lý do doanh doanh nghiệp làm ăn thua lỗ:

Quản lý tài chính yếu kém: Nhiều doanh nghiệp thất bại do quản lý tài chính kém. Điều này bao gồm việc không dự báo chính xác dòng tiền, không đảm bảo tài chính khi cần thiết, thanh toán chậm từ khách, khoản phải thu cao, hàng tồn kho lớn, hoặc những chi phí không lường trước khác…

Chiến lược tiếp thị và bán hàng yếu kém: Chiến lược tiếp thị và bán hàng yếu kém dẫn đến khả năng nhận diện thương hiệu thấp và khó tiếp cận khách hàng tiềm năng. Điều này dẫn đến việc bán hàng chậm và thiếu doanh thu, điều này cuối cùng gây lỗ cho doanh nghiệp.

Quá phụ thuộc vào một sản phẩm hoặc thị trường duy nhất: Việc không đa dạng hóa sản phẩm hoặc thị trường khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương trước những thay đổi trên thị trường.

Cụ thể một công ty phụ thuộc nhiều vào một sản phẩm hoặc một thị trường duy nhất, bị tổn thất đáng kể nếu sản phẩm đó trở nên lỗi thời hoặc nhu cầu trên thị trường đó giảm.

Trong 1 lần Ngọ họp đại hội cổ đông tại VGG (May Việt Tiến), bên VGG chia sẻ – nếu doanh thu của doanh nghiệp đến từ 1 thị trường (Nhật, Mỹ, EU…) quá 30% thì sẽ gặp rủi ro.

Quản lý và lãnh đạo kém: Quản lý và lãnh đạo kém dẫn đến một loạt vấn đề, bao gồm việc ra quyết định không hiệu quả, tinh thần nhân viên thấp, khó thu hút và giữ chân nhân tài chủ doanh nghiệp và quản lý theo đuổi lợi ích riêng.

Tính cạnh tranh gay gắt trên thị trường: Các doanh nghiệp không tạo được sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn trong việc nổi bật và thu hút khách hàng. Điều này dẫn đến cạnh tranh gia tăng, giá thấp hơn và lợi nhuận giảm hoặc lỗ, nên P/E âm.

Vinasun phải chật vật 1 giai đoạn rất dài với sự xâm nhập của Grab.

Không thích ứng với sự thay đổi của ngành: Các doanh nghiệp không phát triển và thích ứng với những thay đổi trên thị trường, hoặc ngành gặp khó khăn trong việc duy trì hoặc tính cạnh tranh của ngành

Ví dụ: các doanh nghiệp không nắm bắt được quá trình chuyển đổi kỹ thuật số hoặc thay đổi hành vi của người tiêu dùng bị tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh và cuối cùng là thất bại.

Xe hơi ra đời, thì xe ngựa diệt vong. Máy ảnh kỹ thuật số ra đời, thì máy ảnh dùng phim giảm mạnh. Điện thoại thông minh ra đời, chụp ảnh tốt thì dòng máy ảnh cấp thấp bị diệt vong.

Dịch vụ khách hàng kém: Dịch vụ khách hàng kém dẫn đến truyền miệng tiêu cực và làm giảm lòng trung thành của khách hàng. Điều này dẫn đến giảm doanh số bán hàng và không thể giữ chân khách hàng theo thời gian.

Hoạt động không hiệu quả: Hoạt động không hiệu quả có thể dẫn đến tăng chi phí, giảm năng suất và khó đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Điều này có thể dẫn đến giảm lợi nhuận và cuối cùng là thất bại.

III. Lý do doanh nghiệp lỗ mang tính tạm thời, P/E âm rồi sẽ dương?

Khi tính kỹ càng thì rất nhiều lý do doanh nghiệp lỗ và P/E âm. Nhưng đối với những nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội của những doanh nghiệp P/E âm, cần chú ý đến các vấn đề sau của doanh nghiệp:

Tính tạm thời của chu kỳ kinh tế:  Nền kinh tế có tính chu kỳ, rất dễ khiến cho lợi nhuận doanh nghiệp bị âm.

Việc lãi suất tăng nhanh có thể khiến khiến doanh nghiệp trả lãi vay cao, trong khi sức chi tiêu hộ gia đình giảm, thắt lưng buộc bụng nên doanh nghiệp sẽ tăng chi phí nhưng giảm lợi nhuận có thể khiến doanh nghiệp bị âm.

Dịch bệnh, cú sốc trước các sự kiện thế giới:

Việc dịch bệnh diễn ra như Covid 19 vừa rồi, có thể làm gián đoạn 1 số ngành nghề như du lịch, lữ hành, vui chơi giải trí, khiến lợi nhuận giảm.

Chiến tranh có thể đẩy nhiều chi phí lên mang tính tạm thời.

Tính chu kỳ của một số ngành: Đối với một số doanh nghiệp trong những ngành có tính chu kỳ cao như sắt thép, hóa chất, tài chính, bất động sản có thể bị lỗ do tính chu kỳ.

Chúng ta thấy những quý 3,4 năm 2022 – những doanh nghiệp hàng đầu ngành thép thua lỗ lớn như HPG, HSG, NKG.

Công ty đang đẩy mạnh tăng trưởng: Nếu một công ty đang trong giai đoạn tăng trưởng và đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, tiếp thị hoặc phát triển sản phẩm mới, thu nhập hiện tại của công ty có thể bị lỗ. Trong kịch bản này, thu nhập của công ty dự kiến sẽ dương trong tương lai và tỷ lệ P/E âm sẽ chuyển thành dương trở lại.

Do ghi nhận khoản phí 1 lần: Trong một số trường hợp, tỷ lệ P/E âm cũng có thể là do các khoản phí hoặc khoản ghi giảm một lần, chẳng hạn như chi phí tái cấu trúc hoặc suy giảm tài sản, tạm thời ảnh hưởng đến thu nhập của công ty.

Ly-do-dn-thua-lo-co-PE am
Tổng hợp một số lý do doanh nghiệp thua lỗ và có PE âm

IV. Những rủi ro và cơ hội khi đầu tư vào cổ phiếu có P/E âm?

Trong đầu tư chứng khoán, không có gì là tuyệt đối 100% đâu. Những doanh nghiệp lỗ, khi đã lãi lại và do bạn mua được cổ phiếu ở mức giá thấp sẽ dễ dàng X2 tài khoản, trong thời gian ngắn.

Việc X2 sẽ khó xảy ra đối với doanh nghiệp “lãi bền vững” như VNM (Sữa Vinamilk), DHG (Dược Hậu Giang), các ngành thiết yếu, trong thời gian ngắn.

Để bạn rõ hơn, Ngọ nêu ra vài cân nhắc để bạn chú ý về rủi ro và cơ hội đối với những mã có P/E âm.

Rủi ro:

  • Công ty có thể không có khả năng tạo ra lợi nhuận trong tương lai.
  • Công ty có thể đang gặp khó khăn tài chính hoặc phá sản, cổ phiếu sẽ đi xuống, thậm chí giá cổ phiếu bằng 0.
  • Tiềm năng tăng trưởng của công ty bị hạn chế.

 Cơ hội:

  • Cổ phiếu có thể bị định giá thấp và mang lại cơ hội mua tốt.
  • Công ty có thể đang trong giai đoạn chu kỳ thấp, mang tính tạm thời nên sẽ phục hồi và giá tăng mạnh.
  • Cổ phiếu có thể tăng nhanh do doanh nghiệp lãi lại, và bạn mua ở mức giá thấp.

V. Một số phương pháp định giá cổ phiếu thay thế?

Những doanh nghiệp có P/E âm, tức là những doanh nghiệp đang bị lỗ, nên việc định giá cổ phiếu doanh nghiệp này, có đặc biệt đôi chút. Ta có thể sử dụng một số phương pháp sau:

Chiết khấu dòng tiền (DCF): Phương pháp này đánh giá một công ty dựa trên dòng tiền dự kiến ​​trong tương lai, được chiết khấu về giá trị hiện tại để tính đến giá trị thời gian của tiền. Phương pháp này có thể được sử dụng cho các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ có P/E âm, nhưng cần phải dự đoán thời điểm doanh nghiệp sẽ có lãi và số tiền lãi mà nó sẽ tạo ra.

Sử dụng chỉ số P/B: Phương pháp này sử dụng giá trị sổ sách của công ty, được tính bằng tổng tài sản trừ đi tổng nợ phải trả. Phương pháp này có thể hữu ích cho các doanh nghiệp thua lỗ, vì nó tập trung vào giá trị cơ bản của tài sản của công ty hơn là thu nhập hiện tại của nó.

Giá trị thanh lý: Phương pháp này tính toán giá trị tài sản của công ty nếu chúng được bán bớt trong trường hợp thanh lý. Phương pháp này có thể hữu ích cho các doanh nghiệp thua lỗ & P/E âm, vì nó tập trung vào giá trị tài sản của công ty hơn là thu nhập hiện tại của nó.

Sử dụng chỉ số P/S: Phương pháp này sử dụng doanh thu để định giá cổ phiếu, vì doanh thu thì luôn dương. Những doanh nghiệp có chỉ số P/S thấp sẽ tốt hơn. Chỉ số P/S thực sự hiệu quả đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và P/E âm

Sử dụng P/E nhiều năm: Vì doanh nghiệp có thể lỗ năm hiện tại, nhưng có thể trong vòng 10 năm qua, doanh nghiệp vẫn làm ăn tốt. Ta có thể tính trung bình lợi nhuận của 10 năm để sử dụng tính chỉ số P/E 10 năm. Điều này sẽ khắc phục tình trạng P/E âm vào thời điểm hiện tại, vì P/E 10 năm lại là số dương.

VI. Tổng kết & lưu ý chung

Doanh nghiệp có chỉ số P/E âm, thể hiện doanh nghiệp bị lỗ. Lý do lỗ từ nhiều yếu tố từ cả bên trong lẫn bên ngoài doanh nghiệp, có những yếu tố “lỗ bền vững” và “lỗ tạm thời.

Những cổ phiếu có P/E âm thường giá rất thấp, nên khi lãi lại thì giá cổ phiếu sẽ tăng rất mạnh. Có nhiều cơ hội cho ai biết nắm bắt. Nhưng cổ phiếu P/E âm cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Đây là dạng cổ phiếu rủi ro cao, lợi nhuận cao.

Một số phương pháp áp dụng cho doanh nghiệp có P/E âm là: Chiết khấu dòng tiền, Định giá theo chỉ số P/B hoặc chỉ số P/S, tính giá trị thanh lý hoặc sử dụng P/E nhiều năm

Điều quan trọng là phải tiến hành nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào các cổ phiếu có P/E âm. Không ham giàu nhanh và đừng đầu tư bừa.

Ngoài ra, bạn cũng nên đọc sách thật nhiều, nên đặt mục tiêu là đọc 100 cuốn sách – Ngọ đã từng làm vậy.

Hoặc học 1 khóa học tổng thể từ người mà bạn tin tưởng và thật giỏi trong đầu tư.

BANNER-KHOA-HOC-2023-GIF

2 thoughts on “Chỉ số P/E âm nghĩa là sao? Cách chọn cổ phiếu khi P/E âm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!