Trong chứng khoán nếu ta hiểu được những yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu lên hay xuống sẽ giúp ích rất nhiều.
Mua cổ phiếu khi giá cổ phiếu ở mức thấp, sau đó nhờ các yếu tố ảnh hưởng đến giá mà giá cổ phiếu tăng, ta sẽ thu về lợi nhuận.
Đồng thời bán ra chốt lời hoặc hạn chế thua lỗ, khi bị các yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng rõ các yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu để xem xét. Ngọ xin liệt kê và giải thích chi tiết về các yếu tố tác động này để bạn đầu tư hiệu quả hơn.
Chúng ta cùng xem xét nhé:
I.Nhóm yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
1. Lãi suất là yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu
Lãi suất cơ bản là lãi suất do ngân hàng nhà nước công bố. Lãi suất này làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính… công bố mức lãi suất khác (lãi suất tiết kiệm, lãi suất cho vay…) nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh của mình.
Thông thường, khi lãi suất tăng thì giá cổ phiếu sẽ giảm, và khi lãi suất giảm thì giá cổ phiếu sẽ tăng. Và đây là lý do:
Sự chuyển dịch của các kênh đầu tư: Bản chất đầu tư, không chỉ là cổ phiếu mà còn nhiều kênh khác như vàng, bất động sản, trái phiếu, ngoại tệ, gửi tiết kiệm, bộ sưu tầm…
Khi lãi suất cao và tăng, chúng mang lại lợi tức cao hơn cho các khoản đầu tư an toàn, khiến trái phiếu, gửi tiết kiệm trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư. Do đó, cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn và giá của chúng giảm khi các nhà đầu tư chuyển tiền của họ ra khỏi cổ phiếu và chuyển sang trái phiếu hoặc gửi tiết kiệm.
Lãi vay doanh nghiệp: Lãi suất cao hơn khiến các công ty phải trả lãi vay cao hơn, điều này làm giảm lợi nhuận, do đó giá cổ phiếu giảm. Ngược lại, lãi suất thấp hơn thì chi phí lãi vay thấp hơn, điều này sẽ thúc đẩy lợi nhuận và giá cổ phiếu tăng.
Chi tiêu của người tiêu dùng: Lãi suất cao hơn cũng thường làm giảm chi tiêu của hộ gia đình, nên họ ít mua hàng của công ty hơn. Do đó, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của các công ty, nên ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của họ.
VÍ DỤ về lãi suất tác động đến thị trường cổ phiếu năm 2022
Trong năm 2022, lãi suất tiền gửi Việt Nam tăng từ 6-7%/năm, lên đến 9-10% – điều này cũng sẽ kéo theo việc tăng lãi suất cho vay. Và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.
Việc tăng lãi suất góp phần tác động đến việc giảm giá chung của Vn-index, thị trường chứng khoán năm 2022 giảm gần 33%. Giảm mạnh nhất trong thập kỷ qua.
2. Các sự kiện toàn cầu
Các sự kiện tích cực như dữ liệu kinh tế khả quan, những tiến bộ trong công nghệ và thu nhập công ty tăng làm tăng nhu cầu đối với một cổ phiếu và đẩy giá của nó lên.
Ví dụ 1: Mỗi lần FED công bố tăng giảm lãi suất, hay Mỹ thông tin về tỷ lệ việc làm, thất nghiệp – khiến TTCK giảm hoặc tích cực cũng ảnh hưởng đến diễn biến thị trường Việt Nam.
Ví dụ 2: Covid khiến nhiều người có thời gian rảnh ngồi nhà hơn, trong khi nguồn thu nhập giảm, khiến nhiều người nghĩ đến thị trường chứng khoán để kiếm thêm thu nhập, khiến đợt dịch vừa qua TTCK Việt Nam tăng rất mạnh.
Mặt khác, các sự kiện xấu như thiên tai, căng thẳng địa chính trị và suy thoái kinh tế, làm giảm nhu cầu và khiến giá cổ phiếu giảm. Thông thường, dịch bệnh cũng tác động tiêu cực đến cổ phiếu, nhưng không phải luôn luôn, Covid là minh chứng ngược lại.
Ví dụ 3: Năm 2022, có diễn ra chiến sự giữa Ukraine và Nga – dẫn đến ảnh hưởng nhiều thứ và giá cổ phiếu giảm điểm nhiều hơn.
3. Các yếu tố vĩ mô và kinh tế vĩ mô khác
Các điều kiện kinh tế vĩ mô và các chỉ số kinh tế có tác động đáng kể đến giá cổ phiếu. Cụ thể:
Lạm phát: Lạm phát có tác động đến thị trường chứng khoán, vì các nhà đầu tư tìm kiếm các khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao hơn để theo kịp tốc độ mất giá của đồng tiền.
Các cổ phiếu có tăng trưởng thu nhập mạnh và khả năng tăng giá hoạt động tốt trong môi trường lạm phát như hàng hóa thiết yếu…
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP): Tăng trưởng GDP là một chỉ báo tổng thể của nền kinh tế.
Nền kinh tế đang phát triển là một yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán. Các công ty có nhiều khả năng gia tăng doanh thu và lợi nhuận trong một nền kinh tế như vậy, điều này thúc đẩy nhu cầu về cổ phiếu và giá cổ phiếu tăng lên.
Việc làm và thất nghiệp: Tỷ lệ thất nghiệp là một chỉ số quan trọng của thị trường lao động và tỷ lệ thất nghiệp thấp là một yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán.
Một thị trường lao động có tỷ lệ việc làm cao, thất nghiệp thấp, người dân sẽ có tiền dẫn đến tăng chi tiêu của hộ gia đình, điều này mang lại lợi ích cho các công ty, thúc đẩy tăng lợi nhuận và tăng giá cổ phiếu.
Sự kiện chính trị: Các sự kiện chính trị, chẳng hạn như bầu cử, họp quốc hội, thay đổi chính sách hay bắt quan lớn, cũng tác động đến thị trường chứng khoán.
Ví dụ: Những thay đổi về thuế doanh nghiệp 25% về 22%, thuế VAT từ 10% về 8%, hỗ trợ thuế doanh nghiệp bị tác động Covid.
Điều này sẽ tác động đến các công ty và ngành theo những cách khác nhau như khả năng mua hàng, việc đầu tư của doanh nghiệp… do đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
II. Vấn đề diễn biến thị trường cổ phiếu, doanh nghiệp và định giá
1. Cung và cầu
Cung cầu thị trường tác động trực tiếp đến giá cổ phiếu. Nếu có cầu cao đối với một cổ phiếu, giá sẽ có xu hướng tăng lên, vì nhiều người mua sẵn sàng trả giá cao hơn.
Ngược lại, nếu dư thừa cổ phiếu và ít người mua. Tức là bên cung áp đảo, giá sẽ có xu hướng giảm khi người bán phải hạ giá để có người mua.
Sự cân bằng giữa cung và cầu cuối cùng sẽ quyết định giá thị trường của một cổ phiếu.
Lưu ý thêm, cho bất cứ nhà đầu tư nào quan tâm đến yếu tố cung cầu, thì phương pháp CANSLIM thể hiện điều này.
Trong phương pháp CANSLIM, yếu tố cung và cầu được sử dụng để đánh giá nhu cầu đối với một cổ phiếu cụ thể. Phương pháp này xem xét khối lượng cổ phiếu được giao dịch và so sánh nó với khối lượng trung bình để xác định xem có nhu cầu mạnh đối với cổ phiếu hay không.
Nếu một cổ phiếu đang giao dịch với khối lượng cao hơn mức trung bình của nó, thì đây được coi là dấu hiệu của nhu cầu mạnh mẽ và là một yếu tố tích cực trong quyết định đầu tư vào cổ phiếu đó.
Mời bạn đọc về phương pháp CANSLIM, tại đây.
2. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có ảnh hưởng mạnh đến giá cổ phiếu cụ thể như:
Việc doanh nghiệp làm ăn có lợi nhuận tăng và ổn định sẽ hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Do đó phát sinh nhu cầu về cổ phiếu cao hơn và giá cổ phiếu tăng theo.
Thêm vào đó nữa, tình hình hoạt động kinh doanh khả quan, dựa vào các thông số như tăng trưởng doanh thu, hiệu quả trong hoạt động quản trị sẽ dẫn đến sự tăng giá của cổ phiếu.
Công ty làm ăn hiệu quả, thể hiện qua các thông số như ROE, biên lợi nhuận, nợ thấp, chính sách cổ tức ổn định… cũng sẽ thu hút giới đầu tư.
Xu hướng ngành và đối thủ cạnh tranh cũng tác động mạnh đến giá cổ phiếu. Nếu doanh nghiệp đi đúng xu hướng ngành và đối thủ cạnh tranh yếu sẽ có giá cổ phiếu dễ dàng tăng hơn. Ngược lại nếu xu hướng bất lợi, và đối thủ cạnh tranh mạnh sẽ làm giảm giá cổ phiếu.
Những hoạt động về hình ảnh như quan hệ công chúng, PR tích cực sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư. Giá cổ phiếu theo đó cũng tăng theo.
Quan hệ công chúng: PR tích cực và đưa tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ nâng cao niềm tin của nhà đầu tư và tăng giá cổ phiếu.
3. Định giá cổ phiếu: Yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu?
Việc định giá cổ phiếu, Ngọ từng chia sẻ tại đây. Ở đó thể hiện 11 phương pháp định giá.
Định giá cổ phiếu, là đánh giá cổ phiếu đắt rẻ dựa vào các yếu tố như: vĩ mô, lợi nhuận, doanh thu, nợ, triển vọng doanh nghiệp,… Định giá cổ phiếu cũng giống như xem bất động sản đắt rẻ thế nào, hay cái quần áo, xe cộ đắt hay rẻ thôi.
Dù việc cổ phiếu đắt rẻ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
Khi cổ phiếu rẻ thì dễ tăng. Bởi vì, trong trường hợp này, nhu cầu đối với cổ phiếu sẽ tăng lên, nên đẩy giá của cổ phiếu lên lên
Khi giá cổ phiếu vượt quá giá trị thì sẽ giảm. Bởi vì, nhu cầu đối với cổ phiếu dạng này sẽ giảm, nên làm giảm giá của nó để quay về mức định giá hợp lý của nó
Nhưng chúng ta lưu ý rằng, nó chỉ là xác suất, và trong ngắn hạn không phải nhất nhất như vậy. Và việc định giá đắt rẻ nó mang tính tương đối, và thay đổi theo thời gian.
4. Phân tích kỹ thuật và diễn biến giá cổ phiếu.
Nhiều nhà đầu tư nghiên cứu và sử dụng phân tích kỹ thuật để đánh giá và lựa chọn cổ phiếu. Yếu tố phân tích kỹ thuật sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Thời gian hiệu quả thường dưới 3 tháng, tất nhiên đối với một số xu hướng dài sẽ hơn 1 năm.
Một số yếu tố phân tích kỹ thuật ảnh hưởng đến giá giá cổ phiếu gồm:
Xu hướng thị trường và cổ phiếu: Chúng ta hay chia sẻ nhau “xu hướng là bạn”. Nên chúng ta sẽ sử dụng các đường như MA, lý thuyết Dow, sóng Elliott, đường xu hướng… để xác định hướng cổ phiếu đi.
Theo lý thuyết xu hướng, thì xu hướng theo hướng nào thì ta sẽ mua theo hướng đó. Yếu tố xu hướng đi lên thì sẽ tác động đến giá cổ phiếu đi lên.
Mức hỗ trợ và kháng cự: Nhiều nhà đầu tư lướt sóng sử dụng đến việc mua hỗ trợ bán kháng cự nhằm gia tăng lợi nhuận. Những mức hỗ trợ và kháng cự ảnh hưởng đến hướng giá của cổ phiếu nên tác động đến giá cổ phiếu.
Khi giá gặp mức kháng cự, giá sẽ gặp khó khi vượt qua để tiếp tục tăng, nên yếu tố này sẽ làm giảm giá cổ phiếu. Ngược lại, khi gặp hỗ trợ, giá sẽ gặp khó để thủng đáy, và giảm tiếp nên giá sẽ tăng trở lại.
Các mẫu biểu đồ, tín hiệu: Các trader tìm kiếm các mẫu biểu đồ và tín hiệu. Chẳng hạn như đầu và vai, cốc và tay cầm, đường trung bình động MA, RSI, nến nhật… để dự đoán giá cổ phiếu trong tương lai. Những mô hình, tín hiệu này có thể cho biết khi nào một cổ phiếu có khả năng trải qua sự đảo chiều xu hướng hoặc tiếp tục xu hướng hiện tại của nó.
5. Tâm lý thị trường ảnh hưởng đến giá cổ phiếu?
Tâm lý thị trường, là tâm lý hội tụ của tất cả nhà đầu tư tham gia, nên đây là yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Ta thử xem xét:
Tâm lý tiêu cực: Khi nhà đầu tư bi quan về triển vọng Vn-index hay cổ phiếu riêng lẻ nào thì giá sẽ giảm. Nhưng khi đỉnh điểm của tâm lý tiêu cực thì giá cổ phiếu bắt đầu tăng lại.
Tâm lý tích cực: Khi mọi người lạc quan về tương lai của Vn-index và một cổ phiếu thì giá sẽ tăng. Nhưng khi tâm lý tích cực quá đà, gọi là hưng phấn quá mức, thì thị trường hay cổ phiếu ở đỉnh chu kỳ giá lên. Giá sẽ có xu hướng đi xuống và điều chỉnh. Luôn nhớ: Hưng phấn có nghĩa là hứng phân.
Ngoài ra cảm giác về tâm lý bầy đàn, sợ hãi và tham lam, hiệu ứng FOMO… gây ra những hành vi mua bán không hợp lý. Khi bị cảm xúc lấn át Nhưng khuyến nghị và, nhất là lúc thị trường xuống sâu hoặc tăng nóng, khiến nhà đầu tư rời xa nguyên tắc cơ bản của nó. Chính cảm xúc này là một yếu tố ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.
6. Khuyến nghị của nhà phân tích và báo chí
Khuyến nghị của nhà phân tích và tin tức đưa tin sẽ có tác động đáng kể đến giá cổ phiếu. Nó thể hiện như:
Những khuyến nghị và nhận xét tích cực của nhà phân tích, công ty chứng khoán sẽ tạo nên nhu cầu đối với cổ phiếu đó. Bởi nhà đầu tư sẽ có xu hướng lạc quan hơn về cổ phiếu và triển vọng tương lai của nó. Do đó giá cổ phiếu sẽ tăng lên.
Ngược lại, nếu nhận xét tiêu cực sẽ ảnh hướng làm giá cổ phiếu giảm điểm.
Đối với tin tức, sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều nhà đầu tư, theo thống kê của Ngọ, con người sẽ dành 2-6 tiếng để đọc tin tức mỗi ngày. Nếu bạn muốn cai nghiện tin tức thì đọc bài tại đây.
Khi có tin tức tích cực, nhất là những thời điểm quan trọng như công bố thu nhập tăng trưởng mạnh, kiếm được hợp đồng lớn, thắng vụ kiện tụng lớn sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu tăng lên. Đồng thời, nếu tin tức xấu như doanh nghiệp hoặc sếp lớn bị điều tra, thu kiện, lợi nhuận giảm thì tác động làm giảm giá cổ phiếu.
III. Tổng kết và kết luận
Như Ngọ đã phân tích ở trên, những yếu tố ảnh hưởng đến cổ phiếu là rất nhiều. Có cả yếu tố vĩ mô, nội tại doanh nghiệp, và những hành vi diễn biến thị trường.
Những yếu tố này không độc lập, mà có sự tương tác qua lại. Hiểu được các yếu tố này và sự tương tác giữa chúng ta sẽ hiểu được sự vận hành giá cổ phiếu tăng hay giảm.
Ngọ viết bài này, mong bạn hiểu rõ và ra quyết định đầu tư sáng suốt nhất nhé.
Là nhà đầu tư 10 năm chinh chiến thực tế, Ngọ cô đọng được những kiến thức giá trị. Đảm bảo ai học cũng làm được, vì Ngọ dạy đến khi làm được, và đơn giản như Toán lớp 4. Bạn tham khảo khóa học Ngọ bên dưới.