Happy-fund: Thư gửi cổ đông, nhà đầu tư cuối năm 2019

Kính gửi: Cổ đông, đối tác, nhà đầu tư, bạn bè và nhà đầu tư quan tâm đến Happy-fund!

4 năm – Đó là khoảng thời gian mà Happy-Fund mở cửa, chào đón và tiếp nhận với mọi người.

Mỗi năm, tôi sẽ viết một lá thư để có cái nhìn về sự hình thành, phát triển và cả những sai lầm, những sự thay đổi trong tư duy của mình trong tư tưởng và chiến lược đầu tư.

Một cái nhìn có chiều dài về thời gian và có chiều sâu sẽ là bước đệm cho Happy-Fund có thể thành công trong 1 tương lai phía trước. Đồng thời, sẽ có nhiều đối tác đến với Happy-Fund và gắn bó lâu dài với Happy-Fund.

TTCK Malaysia

Những nội dung trong lá thư 2019 như sau:

I. Tình hình thị trường và hoạt động của Happy-Fund

Tình hình thị trường

Về cơ bản, Thị trường chứng khoán năm 2019 trải qua 1 năm khá yên ả: Hầu hết thời gian (tầm 80% thời gian) Vnindex đều di chuyển trong khung 950-1000 điểm!

Nhìn rộng ra 1 năm, đầu năm Vn-index ở mức: 892.54 điểm và kết thúc năm 2019 chỉ số VN-Index là 960.99 điểm – Tương ứng với mức TĂNG 7.67%

Banner-11-2023-Uy-thac-dau-tu-tu-van-chung-khoan

Độ biến động Vn-Index giữa mức thấp nhất: 861.85 (ngày 04/01/2019) và mức cao nhất 1028.97 (06/11/2019) – Tương ứng với mức chênh lệch lớn nhất: Cao nhất/Thấp Nhất = 19.39% – Một con số cũng ở mức trung bình

Tuy nhiên, khi tôi viết lá thư này, TTCK vừa trải qua sự điều chỉnh nhẹ trong 2 tháng qua. Từ mức cao nhất năm 1028.97 (06/11/2019) về 946.74% (19/12/2019) tương ứng với mức GIẢM 8.69%. Dù đây là  mức điều chỉnh nhẹ, tuy nhiên lại khiến tâm lý đám đông nhà đầu tư có phần chùn tay, là sợ hãi!

Về phần Happy-Fund

Năm 2019, so với thị trường chung thì chẳng phải là năm thành công hay là năm thất bại với Happy-Fund.

Happy-Fund có xu hướng đi ngang nhiều hơn, và biến động trong phạm vi hẹp như bản chất đề cao tính phòng thủ và hạn chế rủi ro, đặc biệt là rủi ro thua lỗ.

Để tiện lợi cho NĐT cá nhân lần đầu đến với Happy-Fund. Tại sao tôi lại không đưa ra con số cụ thể?

Tôi xin nhắc lại: Kể từ lá thư cuối cùng tôi công bố kết quả cụ thể là Quý 1/2017 – Và ở đó, tôi cũng xin không công bố kết quả đầu tư của mình ra bên ngoài kể từ các lá thư về sau (trừ cổ đông hiện hữu). Đối với cổ đông hiện hữu, hãy đánh giá kết quả tôi, dựa trên sự tăng, giảm tài khoản của các bạn – Nếu có thể hãy nhìn tối thiểu 3-5 năm!

Tuy nhiên, cuối năm 2019 có 3 quyết định mang tính toàn cục đã được đưa ra, nó sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển và hoàn thiện về các năm sau:

1. Chỉ duy nhất Một Happy-Fund

Happy-fund đã từng có thời điểm tách Happy-Fund 1 và Happy-Fund 2 – Để phù hợp với các nhà đầu tư ủy thác với mức chịu đựng rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận khác nhau.

Với Happy-Fund 1: Thiên hướng giá trị nhiều hơn – Mua từ 5-15 cổ phiếu.

Với Happy-Fund 2: Thiên hướng tăng trưởng nhiều hơn – Mua từ 3-8 cổ phiếu.

Thì bây giờ sẽ có tên gọi duy nhất là Một Happy-fund

  • Thiên hướng ước chừng 70% giá trị/30% tăng trưởng: Tức là sẽ ưu tiên mua (1) doanh nghiệp tốt & có khả năng tăng trưởng; (2) thực trạng hiện tại danh nghiệp được đánh giá mức khá trở lên & được định giá thấp, (3) chất xúc tác là có sự bắt đầu quan tâm của đám đông.
  • Số lượng cổ phiếu nắm giữ sẽ hẹp hơn: Từ 8-12 mã (Tối thiểu là 8 & Tối đa là 12 mã). Trong đó 3 mã nhiều nhất không quá 60% danh mục, và 1 mã không quá 25% danh mục; đa phần mỗi mã sẽ nắm ở mức 10%. P/S: Những nhóm cổ phiếu nào đó mua với số lượng ít có cùng đặc tính & dưới 4% sẽ được xem là 1 mã.

2. Xu hướng ưu tiên danh mục nắm 100% cổ phiếu

Trước đây, Happy-Fund thường nắm tỷ lệ tiền mặt rất cao từ 10%- 20%-40%, tùy từng thời điểm..

Thực tế, vì ở dạng tiền mặt lớn nên Happy-Fund rất ít biến động.

Do đó, trong suốt quá trình Happy-Fund đến với cộng đồng đầu tư, thì mức sụt giá lớn nhất của Happy-fund so với đỉnh cao nhất của nó là dưới 15% – (Mức sụt giá cổ phiếu lớn nhất của Vn-Index là tầm 30%)

Xét thấy, để tiền mặt dù giúp Happy-Fund biến động ít, nhưng mức lãi mang về chỉ ở mức 2-3%/năm cho phần tiền mặt – do gửi kỳ hạn 1 tháng, không kỳ hạn, và tất toán khi chưa hết kỳ. Do đó, khi nhìn tổng thể, phần lợi nhuận từ việc để tiền mặt thấp hơn đầu tư chứng khoán.

Vậy nên:

Từ 2020 trở đi, Happy-Fund sẽ có xu hướng đầu tư 100% tiền vào cổ phiếu!
Bất chấp thị trường lúc đó bao nhiêu điểm! Trừ trường hợp tôi không tìm thấy cổ phiếu nào được định giá thấp (hoặc tôi cảm thấy rủi ro).
Điều đó, đồng nghĩa tại thời điểm đầu 2020 – Tài sản Happy-fund dường như gần 100% ở dạng cổ phiếu!

3. Mua 10 mã cổ phiếu & ưu tiên mã beta thấp!

Việc gần như tất cả tiền ở Happy-Fund ở dạng cổ phiếu, điều đó đồng nghĩa với việc giá chứng chỉ quỹ Happy-Fund sẽ biến động nhiều hơn.

Tuy nhiên, để phòng ngừa việc này: tôi sẽ thực hiện mua tối thiểu 8 cổ phiếu – thường ở mức 10 mã. Và nếu thị trường ở mức phấn khích thì sẽ được ưu tiên vào cổ phiếu có beta thấp, có thể ít thanh khoản (mua nhiều mã hơn –nhưng dưới 4% Danh mục) và trả cổ tức cao.

Nếu liên hệ với môn bóng đá, dù ở mức độ tương đối: Thì Happy-Fund những năm đầu tư tiên tấn công; sau đó sẽ là thủ; và giai đoạn 2020 sẽ thiên hướng phòng thủ phản công.

II. Thị trường chứng khoán 2020 sẽ diễn biến như thế nào?

Tại thời điểm 31/12/2019, Các chỉ số tài chính để đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam (Vn-Index) có: chỉ số P/E = 15.8,  P/B = 2.29,  P/S = 1.50

Do đó, chỉ đơn thuần nhìn các chỉ số tài chính. Tôi thấy rằng Vn-Index ở đây đang ở mức trung bình trên so với lịch sử!

PE-cua-Vn-Index-2019
Chỉ số P/E Vn-Index giai đoạn 2011-2019

Nếu xét chỉ số P/E toàn bộ VN-Index giai đoạn năm 2011-2019 thì hiện tại Vn-Index cũng ở mức trung bình trên! 

Ngoài ra, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có P/B = 2.29, trong khi 50% rổ chỉ số Vn-Index phụ thuộc vào cổ phiếu bất động sản và ngân hàng – những cổ phiếu chu kỳ – Tức là lợi nhuận tăng rất nhanh và giảm rất nhanh.

Do đó, với mức P/B này, tôi xét thấy Vn-index đang cao trung bình trên!

Nếu bạn muốn tôi dự báo thị trường chứng khoán khả thi sẽ ở tăng hay giảm ở mức nào?

Thì phải nói thẳng tôi không có nhiều ý tưởng về thị trường, qua những phân tích ở trên, tôi nghĩ nó giao động ở đoạn giữa giảm 20% và tăng 25%! – Và tôi hoàn toàn có thể sai!

Bản thân tôi, thấy một số ngành hiện đang ở mức rủi ro cao so với các ngành khác như bất động sản, nhóm ngân hàng, thủy sản

Tuy nhiên, kênh chứng khoán rất thú vị, thường thì sẽ luôn có những mã cổ phiếu rẻ và đắt đan xen nhau! Bởi TTCK là tổng hòa nhiều ngành, nên bạn sẽ tìm được một số mã được định giá thấp!

Bản thân Happy-Fund; hiện tại đã phân bổ tài sản hầu như là ở dạng cổ phiếu!

Có lẽ những chia sẻ của tôi ở trên đã phần nào giải đáp những mong muốn trong lòng nhà đầu tư. “Thị trường chứng khoán 2020 sẽ như thế nào?”

Còn khi bạn nghe một dự báo cụ thể về thị trường chứng khoán, điều này rất được các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, các cá nhân muốn “lấy uy” hoặc “cổ xúy” cho điều gì đó phát ra. Thì bạn hãy lạnh lùng mà nhớ lời Peter Lynch:

Kỹ năng cần có khi xem các chuyên gia dự đoán thị trường không phải là lắng nghe mà là ngápPeter Lynch 

Chủ đề về nhìn nhận về thị trường vào năm sau, tháng sau, tuần sau… trước giờ tôi luôn chia sẻ quan điểm nhất quán của mình như bạn đọc ở trên!

III. Một số góc nhìn về đầu tư cho nhà đầu tư cá nhân

Nếu bạn có 2 lựa chọn:

A: 50% khả năng bạn MẤT 50 đồng, 50% khả năng bạn ĐƯỢC 100 đồng

B: Chắc chắn được 5 đồng!

Bạn sẽ chọn phương án A hay B?

Đó là câu chuyện tôi phỏng theo bộ môn tài chính hành vi. – Bạn có thể nghiên cứu thêm lĩnh vực này qua cuốn sách nhà những giáo sư  như Daniel Kehlmann (Nobel 2002) hay Richard Thale (Nobel kinh tế 2017) viết ra (xem thêm)

Tại sao lại vậy? Nó được ảnh hưởng bởi Nỗi sợ thua lỗgóc nhìn bó hẹn!

Nỗi sợ thua lỗ:

Nỗi đau đớn khi mất tiền bao giờ cũng lớn hơn nhiều niềm vui đạt được cùng số tiền đó. Dù phương án A – Mang lại mức lợi nhuận trung bình là 25 đồng, nhưng nó có nguy cơ mất tiền. Nên nó tác động đến việc lựa chọn quyết định tài chính sai lầm.

Góc nhìn bó hẹp:

Một con người có góc nhìn riêng lẻ từng sự kiện thay vì 1 chuỗi quá trình, một góc nhìn bó hẹp thay vì một góc nhìn bao quát.

Nếu trò chơi diễn ra 100 lần, 500 lần sau đó mới tính kết quả bạn có chơi chứ? – Khi trò chơi phương án A, B diễn ra với số lượng lớn – khả năng thua lỗ bạn sẽ dần dần về 0. Và bạn có xu hướng chọn phương án rủi ro hơn.

Tuy nhiên chúng ta chọn phương án B trong thí nghiệm trên vì nghĩ nó là sự kiện đơn lẻ, trong khi cả cuộc đời luôn có hàng trăm, hàng ngàn những sự kiện như vậy xảy ra để bắt ta lựa chọn.

Những góc nhìn bó hẹp kết hợp với nỗi sợ thua lỗ gây ra những quyết định sai lầm trong cuộc sống và đầu tư! Khiến TỔNG hiệu suất toàn bộ sẽ suy giảm!

Về Happy- Fund:

Việc để nhiều tiền mặt trước đây của Happy-Fund là 1 SAI LẦM xét trên quan điểm đầu tư của quỹ đa dạng hóa, thận trọng và định hướng 50 năm.

Nhìn chung, TRỪ lúc thị trường bong bóng, khi đầu tư toàn bộ tiền vào cổ phiếu thì chắc chắn số năm thua lỗ sẽ gia tăng, sự sụt giảm tài sản trong 1 khoảng thời gian nào đó sẽ gia tăng; nhưng bù lại lợi nhuận trong những năm khác sẽ tăng cao hơn.  Do đó TỔNG mức lợi nhuận nhiều hơn xét về lâu dài.

Tôi cũng phải chia sẻ thêm là: Dù trước đây tôi đã nhận thức được điều này, nhưng tôi cần thời gian luyện tập để chấp nhận sự thay đổi này và thích ứng trong tâm lý.

Bạn có thể học được gì từ câu chuyện sự lựa chọn?

1. Đầu tư hay gửi ngân hàng

Dù thừa nhận rằng những vấn đề có rất nhiều cách giải quyết, tuy nhiên tôi muốn gọn lại ở 2 sự lựa chọn, mà có thể bạn sẽ thấy quen quen trong cuộc sống?

A1: Đầu tư (chứng khoán, bất động sản…)

B1: Gửi ngân hàng

Nếu bạn chú ý, ở các trường kinh tế đều dạy: “Bất động sản hay đầu tư chứng khoán là phòng chống lạm phát.”

Tuy nhiên, vì đầu tư có xác suất thua lỗ nên đa số mọi người có xu hướng gửi ngân hàng – điều mà về lâu dài – bạn sẽ bị thua thiệt bởi lạm phát và tăng trưởng kinh tế.

Buffett từng có những câu chuyện về lãi kép trong lá thư thường niên của ông giai đoạn đầu (Bạn có thể xem: Câu chuyện lãi kép ), một mức lợi nhuận rất nhỏ mỗi năm sau nhiều năm sẽ là con số rất lớn.

Việc gửi ngân hàng hay đầu tư có thể sẽ không có sự khác biệt nhiều trong vòng vài năm đầu, điều này khiến chúng ta khó có 1 cái nhìn bao quát, tuy nhiên trong thời gian dài, đó sẽ là sự chênh lệch khổng lồ!

Điều tôi muốn truyền tải một thông điệp: Hãy tập đầu tư càng sớm càng tốt – một chiếc lược an toàn quá mức là sự tổn hại đến tương lai và cả mặt tài chính.

2. Vô hình và hữu hình.

“Nếu bạn thấy giáo dục là đắt đỏ – Hãy xem cái giá của sự ngu dốt?”. Trong thế giới kinh tế nói riêng, và nhiều lĩnh vực khác, ta luôn bắt gặp câu: “Cái gì cũng có giá của nó”!

Ví dụ: Học hành (như đọc sách, học ngoại ngữ, học nghề, học đầu tư…) luôn tốn tiền bạc, thời gian, công sức … đây là cái chi phí hữu hình.

Nhưng hãy suy nghĩ lại: Nếu bạn không chịu học bài bản, bạn sẽ mất những gì? Một cái giá vô hình nhưng rất đắt đỏ.

Điều này, không có nghĩa bạn học hành là bạn 100% sẽ thành, nhưng bạn không học hành thì bạn khả năng bạn trả giá đắt hơn rất nhiều.

Ở đây, chúng ta có thể mở rộng ra thêm các vấn đề cuộc sống:

Bạn vẫn cứ nằm ì ra hay sẽ tập thể dục? Bạn tiếp tục lướt facebook hay cầm quyển sách lên? Bạn chơi cờ bạc hay đầu tư khoa học? Bạn tiếp tục lười biếng hay hăng say?

Những niềm vui bó hẹp và nỗi sợ mất mát luôn tiềm ẩn cái giá rất cao.

Cái gì cũng có giá của nó!

Mặc dù nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nghĩ dễ hơn là hành động! Do đó, chúng ta cần “cần thời gian luyện tập để chấp nhận sự thay đổi này và thích ứng trong tâm lý”.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý rằng: Không phải cứ bỏ tiền vào một tài sản nào đó như chứng khoán, bất động sản, vàng… thì được gọi là đầu tư. Nó có thể là đánh bạc nếu bạn có suy nghĩ và hành xử không hợp lý.

3. Giàu chậm hay giàu nhanh.

Khi tôi dạy chứng khoán, tôi thường đối mặt với tình huống: “Anh đầu tư muốn lãi suất cao hơn ngân hàng thôi, để có đồng ra đồng vào” – Vậy mức lợi nhuận anh muốn là bao nhiêu? – 30%-50%/năm”.

Với con số đó, khi bạn già như Buffett bạn cũng sẽ không nghèo hơn Buffett là bao! – Nên thực sự mong muốn và mục tiêu như vậy, xét ở góc độ lâu dài thì rất phi lý.

Câu chuyện giàu nhanh – Tôi xem đó là câu chuyện “người lớn ham chuyện cổ tích”. Tất nhiên ở đâu đó, xác suất rất nhỏ đạt được nhưng đa phần đều có kết quả chung duy nhất: cháy tài khoản!

Cái giá của việc mộng tưởng luôn đắt đỏ! Tuy nhiên, để giàu chậm trong thị trường chứng khoán thì dễ đạt được hơn rất nhiều.

BeZos (chủ Amazon) – “Cách đầu tư của ông rất đơn giản, và ông thành tỷ phú giàu thứ 2 thế giới, sao người ta không làm theo?”

Buffett: “Không ai muốn giàu chậm cả”.

Happy-fund sẽ tiếp tục con đường mình đi với châm ngôn: Hạnh phúc để đầu tư & đầu tư để hạnh phúc!

Chúc bạn có những quyết định đúng trong đầu tư xét về mặt lâu dài!

Tham khảo thêm các lá thư các năm trước:

  1. Happy-fund: Thư gửi cổ đông, nhà đầu cuối năm 2018
  2. Happy-Fund: Thư gửi cổ đông bán niên 2018
  3. Happy-Fund: Thư gửi cổ đông cuối năm 2017
  4. Happy-fund: Thư gửi cổ đông bán niên 2017
  5. Happy-fund: Thư gửi cổ đông quý 1 năm 2017
  6. Happy-fund: Thư gửi cổ đông cuối năm 2016
  7. Happy-fund: Thư gửi cổ đông bán niên 2016
  8. Happy-fund: Thư gửi nhà đầu tư cuối năm 2015

Nguyễn Hữu Ngọ
Đào tạo chứng khoán & Tư vấn đầu tư
SĐT – Zalo: 096.774.6668
Chat Messenger: TẠI ĐÂY
Chat Zalo: TẠI ĐÂY

BANNER-KHOA-HOC-2023-GIF

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!